Trên đường hành hương tìm về những dấu tích còn lại của thời Tây Sơn ở Bình Định, tôi được nghe người dân Cát Hanh (Phù Cát) kể chuyện về mộ một "Bà Vua", vợ của vua Quang Trung, vẫn còn trên đất này. Tò mò, tôi nhờ người dẫn đường...
* Theo dấu mộ "Bà Vua"
|
Gò Thỏ, nơi có mộ "Bà Vua" |
Thôn Vĩnh Long thuộc xã Cát Hanh chỉ là một làng quê bình dị. Và mộ "Bà Vua" theo cách nói của người địa phương trông khá bình thường. Nếu không được giới thiệu, không để ý đến hàng chữ khắc trên bia "Nguyễn Thị Bích/ Giá vu (gả cho) Nguyễn Huệ/ Từ trần ngày 10-09/ Lập 1997" thì tôi chẳng thể ngờ đây là mộ một người vợ của vua Quang Trung. Mộ nằm ngay giữa gò Thỏ, một gò đất nổi giữa một cánh đồng thuộc thôn Vĩnh Long, bao bọc xung quanh bởi những con mương nhỏ dẫn nước. Trên gò, trừ một phần ngoài nay đã được dỡ ra trồng sắn và khu nghĩa địa mới, còn một phần diện tích nằm giữa gò cây cối um tùm hơn, nơi có mộ "Bà Vua".
Theo lời người dân địa phương, nguyên trên gò đất này, xưa cây cối rậm rạp, người dân vẫn kháo nhau là khu rừng cấm, trước không ai dám lên, trên lại có nhiều thỏ, nên mới có tên vậy.
Ông Lê Bính, nhà ngay sát gò Thỏ, năm nay 84 tuổi, tiết lộ: "Theo lời cha ông tụi tui, xưa trên gò có một lò gạch Chàm (có lẽ là một tháp Chàm?), đến khi tôi ra đời thì lò gạch đã bị đổ, nhưng gạch vẫn còn rất nhiều, nay vẫn còn nhiều mảnh vỡ nhỏ. Trên gò, mộ rất nhiều, nhất là vùng phía ngoài, có nhiều mả lạng (mả bị bỏ hoang)".
Cũng cần nói thêm, cách ngôi mộ "Bà Vua" không xa là mộ của một danh nhân Bình Định: Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển, tác giả Đồ Bàn thành ký nổi tiếng.
* Ai người dưới mộ?
|
Mộ "Bà Vua" ở gò Thỏ (Cát Hanh). |
Ông Nguyễn Văn Thiển (sinh năm 1933), cháu đích tôn của Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển, cho biết: "Hồi trước đến giờ, hàng năm vào tháng 12 âm lịch con cháu trong họ Nguyễn phải chạp mộ "Bà Vua" ở gò Thỏ. Nhưng một thời gian dài, người trong họ vẫn chẳng biết đó là ai, thời nào. Mãi sau này, tra gia phả mới thấy ghi: "Nguyễn Thị Bích tốt vu cửu nguyệt sơ thập nhật, giá vu Quang Trung - Nguyễn Nhạc, An Thơ, Mỹ Chánh tách đinh tự thử thủy" (Nguyễn Thị Bích mất ngày 10 tháng 9, gả cho Quang Trung - Nguyễn Nhạc (có lẽ là ghi nhầm - người viết), thôn An Thơ, Mỹ Chánh, được xuất đinh xuất tịch từ đó).
Lật lại sách viết về vua Quang Trung, tôi tìm được tài liệu viết về nhân vật lịch sử nằm dưới mộ. Đó là cuốn Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung của TS Đỗ Bang (Nxb. Thuận Hóa, Huế - 2003). Cuốn sách tiết lộ: trong gia phả dòng họ Nguyễn ở Mỹ Chánh (xã Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) có ghi nhận về một nhân vật có liên quan đến triều Tây Sơn. Đó là bà Nguyễn Thị Bích, con gái út của ông Nguyễn Văn Cẩn, và bà Nguyễn Thị Ai. Gia phả dòng họ Nguyễn ở Mỹ Chánh ghi: "Nguyễn Thị Bích giá vu Quang Trung - Hoàng đế, bổn thôn xuất đinh tịch tự thử thủy, tốt vu cửu nguyệt sơ thập nhật, mộ tại Vĩnh Ân thôn gò Thỏ xứ" (Nguyễn Thị Bích, được gả cho vua Quang Trung. Thôn (Mỹ Chánh) được xuất đinh xuất tịch từ đó, mất ngày 10 tháng 9 mộ táng tại gò Thỏ, thôn Vĩnh Ân". Một đoạn khác trong một nhân vật thuộc về đời thứ 11 cũng trong họ Nguyễn ở Mỹ Chánh này có ghi về Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển (đời thứ 11 cũng trong họ Nguyễn ở Mỹ Chánh), là: mộ táng ở thôn Vĩnh Ân, tỉnh Bình Định. Thôn Vĩnh Ân, thuộc xã Cát Hanh, sau được đổi thành tên Vĩnh Long như hiện nay.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao mộ bà Nguyễn Thị Bích, người thôn Mỹ Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, lại mất và được chôn ở thôn Vĩnh Long, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định?
Tác giả Đỗ Bang cho biết thêm: từ đời thứ 8 về trước, mộ họ Nguyễn được táng ở Quảng Trị, đến đời bà Nguyễn Thị Bích (đời 9) có người anh là Nguyễn Văn Tuấn làm quan thơ lại ở cửa biển Đề Gi, lại có người vợ là Từ Thị Điệt, người thôn Vĩnh Ân. Lúc thôi làm quan, ông Tuấn về sống ở quê vợ. Như vậy, có thể bà Nguyễn Thị Bích, sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, đã trốn về Vĩnh Ân, nương náu với người anh và lúc chết được chôn ở gò Thỏ. Gia phả ở Vĩnh Long không ghi rõ nơi chôn có lẽ là tránh nhòm ngó.
Ông Thiển cho biết: "Trước đây, mộ "Bà Vua" chỉ là một nắm đất nhỏ nhoi, bình thường, không bia. Đến năm 1997, sau khi tra cứu gia phả, cộng với sự giúp sức của các nhà sử học, con cháu trong họ mới xây cất lại như hiện nay và khắc bia ghi rõ danh tính "Bà Vua"".
Nếu đúng như vậy thì bà Bích là người gần như duy nhất của gia đình Tây Sơn đã chứng kiến toàn bộ trang sử hào hùng của dân tộc dưới thời Quang Trung cũng như khi vương triều này sụp đổ. Và mộ "Bà Vua" cùng với ngôi mộ cổ ở Phú Lạc (huyện Tây Sơn), là những hiện vật gốc, ít ỏi còn lại của thời Tây Sơn, rất cần được đầu tư nghiên cứu.
. Lê Viết Thọ |