Xem nghệ thuật sân khấu Tuồng, khán giả thường kết hợp nghe hát, nhìn động tác (vũ đạo) và thể hiện tình cảm (diễn xuất) của diễn viên. Với nghệ sĩ Kim Thành, người xem chú ý nhất đến giọng hát vì đó là thế mạnh nổi bật ở chị.
Kim Thành là một trong những nghệ sĩ Tuồng có giọng hát trời cho, được tuyển vào học lớp diễn viên Tuồng (Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Bình Định, khóa 1979 - 1983). Về Nhà hát tuồng Đào Tấn với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, nghề nghiệp và tiếng hát của Kim Thành được phát huy qua thực tế sân khấu. Hầu hết các ca khúc viết cho sân khấu ở Nhà hát tuồng Đào Tấn đều do Kim Thành thể hiện (trừ một số ít bài do yêu cầu của kịch bản phải sử dụng đến giọng nam).
Việc thể hiện các làn điệu, bài bản Tuồng truyền thống là sở trường của Kim Thành. Cũng những điệu Nam, Khách, Tẩu, Xướng, Thán, Oán, Ngâm, Vịnh… nhưng chị hát hay hơn so với đồng nghiệp cùng trang lớp. Và hơn thế nữa, một số làn điệu như Làn Thản (Cạo đầu- âm hưởng nhà chùa), Khách phú lục, Xướng lãng, Giao duyên… là những điệu rất khó hát nhưng chị đã hát một cách nhuần nhuyễn. Bên cạnh "giọng thiên phú", ở NS Kim Thành kỹ thuật luyến láy, nhấn nhá, nống hơi, nhả chữ và vận dụng tiết điệu khá uyển chuyển. Tiếng hát của Kim Thành đã được đánh giá qua các phần thưởng: Giải B - Hội thi "Tiếng hay hay" toàn quốc, do Bộ Văn hóa tổ chức, năm 1982; Huy chương Vàng - Hội thi "Tiếng hát hay" toàn quốc, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức; Huy chương Bạc - Hội thi "Giọng hát hay Dân ca các dân tộc" trên sóng phát thanh toàn quốc lần thứ nhất, năm 1999, do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức; Bằng khen cho "Tiếng hát vọng hay", do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức năm 2003.
Do hạn chế về tầm vóc nên Kim Thành ít đóng những vai đòi hỏi cao yếu tố hình thể. Nhưng với những vai diễn phù hợp chị cũng đã để lại cảm tình trong khán giả qua các nhân vật: Phương Cơ (tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn), Mã Phụng Thư (Xử bá đao Diệm Thiên Hùng), Hồ Nô (Hộ sanh đàn), Trần Quốc Toản (Ngọn tiểu kỳ), Trịnh Ấn (Trảm Trịnh Ân), Quách Hải Thọ (Bao Công tra án Quách Hòe), Đào Phi Long (Đào Phi Phụng), Trịnh Đồng (Nỗi oan tình)…
Kim Thành tên thật là Đinh Thị Thành, là con gái của Nghệ sĩ nhân dân Đinh Quả (Đinh Đàn) quê ở Bình An, Tây Sơn, Bình Định, từng là thầy dạy cho nhiều khóa đào tạo diễn viên tuồng từ Bắc vào Nam. Người chú ruột của Kim Thành là NSƯT Đinh Thái Sơn, cô ruột là NSƯT Đinh Thị Bích Hải… Truyền thống của gia đình cộng với sự học hỏi, rèn luyện, năng khiếu và nhiệt huyết của bản thân đã giúp Kim Thành có được thành quả nghệ thuật đáng quý như hôm nay.
. Đào Huynh |