Dấu tích nhà cũ Đào Tấn:
Còn một chút này…
7:32', 3/6/ 2005 (GMT+7)

Chúng tôi về làng Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), thăm lại khu vườn cũ của Đào Tấn. Dấu tích cũ chẳng còn mấy, lại đang có nguy cơ biến mất…

Dấu tích còn lại của chiếc cổng dẫn vào ngôi nhà cũ của Đào Tấn.

Sinh thời, Đào Tấn vẫn gọi ngôi nhà của mình ở làng Vinh Thạnh là "Hương thảo thất" (nhà thơm mùi hương cỏ). Ngôi nhà tọa lạc trên một khu vườn, xưa cụ Đào vẫn gọi là "Mai viên" (vườn mai). Ông Đào Tụng Phi, chắt nội cụ Đào Tấn, hiện sống trong ngôi vườn cũ, dẫn chúng tôi đi thăm lại những dấu tích xưa còn lại. Len người qua khoảnh vườn nay được khoanh để nuôi gà, chúng tôi gặp dấu tích cổng vào của ngôi nhà xưa.

Cổng được làm bằng gạch, khá đơn giản, gồm hai bức tường đối xứng xây thành hình vòng cung. Mỗi bức nối liền hai chiếc trụ cũng xây bằng gạch. Trụ sau cao chừng hơn 2m, trụ trước thấp hơn một ít. Ngay sau hai bức tường là hai ao hình chữ nhật, dài khoảng 3m, rộng gần 2m. Ông Phi cho biết: "Hai ao này xưa cụ Đào vẫn ngồi thưởng sen đầu hạ". Nay sen đâu chẳng thấy, hai bên ao cỏ và lau lách mọc đầy. Còn cổng gạch nằm sát mép bờ ao đã ngả nghiêng, lún xuống, chừng sắp đổ. Cổng đã bị án ngữ bởi một khóm tre lớn, rậm rạp, che hẳn lối vào. "Xưa, muốn vào nhà phải đi từ lối này, nhưng năm 1965, sau khi xây lại ngôi nhà bằng gạch hiện nay, tôi cho trổ chiếc cổng khác phía sau cho tiện đường hơn"- ông Phi cho biết.

Cách ao phía đông chừng 3m, ông Phi chỉ cho tôi "Thổ kỳ", chiếc miếu nhỏ do cụ Đào xây dựng sau ngày về hưu. Theo lời ông Phi, khi ấy, làng thường hay xảy ra hỏa hoạn nên cụ Đào Tấn cho xây miếu để an dân. Bên "Thổ kỳ", có gốc vạn tuế rất to, dễ phải đến hơn hai người ôm. Ngọn vạn tuế chẻ ra thành 4 chi khá lớn. Bên gốc vạn tuế là một cây nhãn. Ông Phi cho biết đây là cây nhãn Huế, có lẽ do cụ Đào đem từ Huế vào trồng. Nhãn vẫn xum xuê, riêng thân vạn tuế thì đã bị sộp do mối ăn. Giữa thân cây, phơi ra một đoạn ruột bị đục rỗng. Ông Phi nói: "Mối ăn từ bao giờ chẳng biết, đến khi phát hiện bỏ thuốc để diệt thì đã muộn".

Ông Đào Tụng Phi bên gốc nhãn Huế và thổ kỳ.

Cây vạn tuế đứng đầu, rồi đến bốn hàng mai. Theo lời ông Phi là vậy, và đấy cũng là lý do cụ Đào vẫn đặt cho khu vườn là "Mai viên". Nay "Mai viên" chẳng còn gốc mai nào. Qua bốn hàng mai rồi mới đến "Hương thảo thất". Ngôi nhà khi ấy tọa lạc theo hướng vườn, mặt trông ra hướng Bắc - Đông Bắc. Nhà có ba gian hai chái, làm theo lối nhà lá mái của người Bình Định xưa. Nay dấu nền nhà cũ cũng chẳng còn. Ông Phi dẫn tôi ra gốc xoài: "Đây là vị trí của "Hương thảo thất"- ông Phi nói.

Đào Tấn ra làm quan từ năm 1871, năm 1883 treo ấn về vườn chịu tang cha, phụng dưỡng mẹ già. Đến năm 1886 Đào Tấn mới phụng chỉ trở về triều tiếp tục làm quan cho đến năm 1904 thì về hưu, lại trở về quê cũ. Trong ba năm từ quan, cụ ở nhà tại Vinh Thạnh chưa đầy hai năm, một năm còn lại cụ ẩn tu tại chùa Ông Núi (tức chùa Linh Phong, nay thuộc xã Cát Tiến, huyện Phù Cát). Như vậy, ngoài 26 năm tuổi trẻ (từ năm 1845 đến 1871), quãng đời sau này Đào Tấn gắn bó với Vinh Thạnh chỉ vẻn vẹn khoảng 5 năm. Nhưng đó là những quãng thời gian đặc biệt. Ấy là nơi cụ đã trải qua cả quãng đời thơ ấu, lân la nghe hát, rồi say mê theo học với các kép hát tài danh như anh Mười Hiệp, hay theo đòi văn chương cử nghiệp và cả học cách soạn tuồng với ông Tú Nhơn Ân. Ấy chính là thời gian thành hình trong bậc hậu tổ của nghệ thuật hát bội tình yêu với bộ môn nghệ thuật này. Và sau này, khi đã lận đận trên chốn quan trường, quê nhà vẫn luôn nằm trong niềm hoài nhớ, trong niềm ao ước được về hưu trở lại với vườn xưa. "Hương tứ" (tình quê) ấy đã được Đào Tấn gửi gắm khá nhiều qua thơ, từ và cả trong những câu hát bội. Còn 3 năm cuối đời, chính là thời gian cụ mở lại "Học bộ đình", tiếp tục đào tạo diễn viên nghề hát bội, đào tạo nên những Chánh ca Đựng, Chánh ca Gình, Nhưn Yến... - thế hệ tiếp bước của nghề hát. Bởi vậy, cùng với ngôi mộ của Đào Tấn hiện nằm trên núi Hoàng Mai (Tuy Phước), những di tích của ngôi nhà cụ Đào thật đáng lưu tâm, trân trọng.    

Rằm tháng 7 năm nào, con cháu, rồi lớp hậu sinh của nghề hát và những người yêu hát bội cũng tổ chức giỗ bậc hậu tổ hát bội tại Mai viên. Cũng không thể thiếu tiếng trống hát bội ngoài đình làng Vinh Thạnh, nơi hai cha con Đào Tấn được thờ làm thành hoàng. Nhưng bên cạnh đó, trong ta không khỏi có chút buồn lòng, khi mà những dấu tích đã hiện diện từ những ngày tháng cuối đời khi cụ Đào trở về quê cũ, cất đi gánh nặng quan trường, vui với tiếng trống hát bội, vẫn chưa được lưu tâm, bảo tồn đúng mức. 

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Biểu diễn ca nhạc quyên góp giúp châu Phi xóa nghèo  (02/06/2005)
Tiếng hát Kim Thành  (02/06/2005)
Huyện Tây Sơn đoạt giải nhất toàn đoàn  (02/06/2005)
Thêm một tuyển tập thơ cho thiếu nhi  (01/06/2005)
Bình Định đoạt 5 HCV, 4 HCB và giải Đạo diễn xuất sắc  (01/06/2005)
Liên hoan chương trình phát thanh măng non năm 2005  (01/06/2005)
Natalie Glebova - Cô gái luôn muốn hoàn thiện mình  (31/05/2005)
Người đẹp Canada đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2005  (31/05/2005)
Tây Tiến (*) - hiện thực về người lính những năm đầu kháng chiến  (31/05/2005)
Đang hòa nhập và khẳng định mình  (31/05/2005)
Dòng chảy lớn được nuôi dưỡng từ lịch sử  (30/05/2005)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng được bầu vào BCH Hội Văn nghệ Dân gian VN  (30/05/2005)
Lễ hội mùa gặt thế giới đầu tiên tổ chức tại Malaysia  (29/05/2005)
Mẫu chuyện nhỏ về nhà thơ lớn Huy Cận  (29/05/2005)
Nghiệp cầm ca "tóc xanh"  (27/05/2005)