Lần đầu xuất ngoại
12:3', 5/6/ 2005 (GMT+7)

Tháng 5 mới đây, tôi vinh dự được Hội Nhà văn Việt Nam cử tham gia đoàn Nhà văn Việt Nam gồm 7 người đi thăm và làm việc với Hội Nhà Văn Trung Quốc trong thời gian 10 ngày theo hiệp định giữa hai Hội.

Đoàn nhà văn VN làm việc với Hội Nhà Văn Trung Quốc.

Đi xuất ngoại bây giờ đối với nhiều người là "chuyện nhỏ". Còn đối với các nhà văn như chúng tôi thì đi một chuyến nước ngoài quả là... lớn. Hồi chiến tranh chống Mỹ, tôi cũng đã hành quân sang Lào, Cămpuchia, nhưng đó không phải là "xuất ngoại" mà là đi đánh giặc! Bởi thế mà được mời đi Trung Quốc, tôi hồi hộp lắm. Gặp ai đã một lần "đi Trung Quốc" là dò hỏi đường đi, nước bước, để có gì trắc trở, khó khăn mà tránh. Thế mà đến khi "vào cuộc" mới thấy mình như "gà công nghiệp", nhiều chuyện ngớ ngẩn cười ra nước mắt.

Xin kể hầu bạn đọc đôi chuyện "gà tồ" ngớ ngẩn để bạn có thể rút kinh nghiệm cho những chuyến du lịch của mình!

* Không biết đổi tiền "tệ " ở đâu

Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam điện bảo rằng, chuyến đi của anh là chuyến đi công tác, nên toàn bộ chi phí vé máy bay đi về do Hội lo, ăn ở, đi lại bên nước bạn thì Hội Nhà văn Trung Quốc lo. Anh chỉ cầm đi ít tiền để tiêu vặt. Vợ tôi cho tôi 3 triệu đồng để "xuất ngoại", rồi dặn đi dặn lại: "Đừng có mua quà cáp gì nhiều mà tốn kém, chừng ấy là hết phần ba "dự trữ quốc gia" rồi đấy! ". Ra Hà Nội tôi đinh ninh là việc đổi tiền Việt ra tiền Trung Quốc rất dễ, ở sân bay thiếu gì chỗ đổi. Đến khi ra tới sân bay Nội Bài, gửi hành lý xong tôi và nhà thơ Kim Ba ở Bến Tre lớ ngớ đi xuống tầng trệt tìm đến các quầy đổi tiền của Ngân hàng để đổi, thì được trả lời dứt khoát là: "Không đổi tiền Việt lấy ngoại tệ mang ra nước ngoài!". Chết rồi! Thế thì lấy gì sang Trung Quốc mà tiêu? Tôi than phiền với nhà văn Bùi Bình Thi, Tùng Điển. Các anh mắng: "Mày ngu, ở Hà Nội tiệm vàng nào cũng đổi tiền Việt lấy tiền "tệ", sao hôm qua không đi mà đổi!". Nào tôi có biết việc ấy đâu! Bây giờ mà về Hà Nội đổi tiền thì trễ mất giờ bay. Nhà thơ Kim Ba bảo tôi: "Hay anh ở đây, em đi xe thồ về Hà Nội, đi thật nhanh chắc được!". "Thôi, đùng làm liều mà mất toi chuyến "xuất ngoại"!

Còn hai chục phút nữa máy bay cất cánh. Tôi chợt nhớ ra là có thể các cô gái bán cà phê giải khát ở sân bay có ngoại tệ. Mình đổi "đô" mang sang Bắc Kinh đổi lấy tiền "tệ" cũng được. Tôi và Kim Ba tới hỏi. Mấy cô đồng ý đổi với giá 17.000 đồng một "đô". Lúc này giá "đô" thị trường là 15.800 đ/ 1USD. Thôi thì đắt một chút cũng được. Nhưng các em gái dịch vụ lục hết túi cũng chỉ được 150 "đô". Kim Ba chỉ đổi 50 "đô", còn tôi đổi được 100 "đô" hết triệu bảy.

Sang Bắc Kinh, chúng tôi trọ ở Khách sạn 4 sao tên là "Khánh sạn thành thị Bắc Kinh" (Beijing City Hotel). Ở đây họ đổi tiền "đô" lấy tiền "tệ" với giá 8,2 "tệ"/ 1 "đô". Trong lúc đó theo anh Thẩm Tố Anh, phiên dịch, thì giá đô ngoài thị trường là 9,5 tệ. Thế là do ngu ngơ không biết chỗ đổi "tệ" ở Hà Nội mà tôi và Kim Ba phải hai lần đổi tiền giá đắt. Riêng tôi thua thiệt gần 300 ngàn đồng, hết 10% số tiền vợ cho!

* "Tự nhốt" ở sân bay Bắc Kinh

Bình thường, xuống sân bay quốc tế, chậm lắm cũng hai chục phút là ra khỏi sân bay. Nhưng đối với đoàn Nhà văn chúng tôi hôm đó, máy bay cất cánh lúc 10 giờ (giờ Việt Nam) sau 3 tiếng đồng hồ bay, đến một giờ chiều (giờ Trung Quốc) cùng ngày, máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh, mà mãi hơn 3 giờ chiều chúng tôi vẫn chưa "thoát" khỏi sân bay! Trông nét mặt ai cũng hốt hoảng, thật buồn cười. Nguyên do là trong đoàn không ai biết tiếng Trung Quốc, cũng như tiếng Anh, nên không hỏi được. Cả đoàn lại không ai thông thạo thủ tục của những chuyến bay quốc tế, nên đoàn cứ quanh đi quẩn lại tìm lối ra. Nhà văn Bùi Bình Thi cũng đã từng đi Liên Xô (cũ), nhà văn Lê Phương (người viết kịch bản phim Nổi Gió) thì mấy lần sang Tiệp Khắc, Đức cộng tác làm phim với họ, Tùng Điển cũng vừa đi Trung Quốc năm 2002, thế mà các anh chẳng ai biết đi ra sân bay bằng đường nào, đi lấy hành lý ở đâu, chết thật!

Nhà văn Tùng Điển trưởng đoàn, cứ bảo anh em đừng ai đi lăng quăng mà lạc thì khốn. Còn anh cần tấm hộ chiếu, cuống vé đi hỏi các nhân viên hàng không Bắc Kinh, nhưng không biết tiếng nhau, nên chịu. Tôi thấy khách xuống sân bay Bắc Kinh đông hàng ngàn người, họ xếp hàng ở các cửa ra đông nghẹt. Nhiều đoàn ra vãn rồi, máy bay khác lại về, người xếp hàng ra cửa lại đông thêm. Nhưng Đoàn mình thì biết xếp hàng vào cửa nào? Tôi trông thấy nhà văn Tùng Điển lo lắng ra mặt. Cả đoàn như đang "bị nhốt" thực sự!

Trong lúc cả đoàn đang lúng túng như người bị nhốt, thì gặp một người đàn ông biết tiếng Việt Nam, anh liền chỉ tay và nói: "Các anh phải xếp hàng ở cửa kia, nhập cảnh đã rồi mới đến chỗ dây chuyền lấy hành lý ở tầng dưới!". Trời đất ơi, thế mà gần hai tiếng đồng hồ không ai biết! Chúng tôi chưa kịp cám ơn thì người khách nói tiếng Việt biến vào đám đông. Có lẽ anh là một người Trung Quốc.

Chúng tôi xếp hàng từng người một, trình hộ chiếu, vi-sa làm thủ tục nhập cảnh xong mới ra cửa, xuống tầng một. Đến chỗ lấy hành lý, các túi hành lý đóng dấu Vietnam Airlines cứ quay đi quay lại, vì chưa có người nhận. Chỉ việc chưa nhập thủ tục nhập cảnh mà đã đi hỏi hành lý ở đâu, ra cửa nào, là đã "quê một cục" rồi còn gì nữa!

Chụp ảnh lưu niệm ở Vạn Lý Trường Thành.

Thoát khỏi sân bay, chúng tôi đang lớ ngớ đi tìm người của Hội Nhà văn Trung Quốc đi đón theo thỏa thuận, nhưng không ai biết tiếng nên rất nhiều bảng đón khách giơ lên mà không đọc được. Cả đoàn đang đứng tụ tập, hoang mang chưa biết xử lý ra sao? Đang lo, thì một người đàn ông mập mạp từ xa đi tới, hỏi bằng tiếng Việt: "Các anh là Đoàn Nhà văn Việt Nam". Thoát rồi! Đoàn nhà văn Trung Quốc ra đón chúng tôi gồm 3 người: Nhà văn Trần Hỷ Nho, Phó Ban đối ngoại Hội Nhà văn Trung Quốc, Thẩm Tố Anh, dịch giả văn học, là người phiên dịch và Hồ Vỹ, cán bộ của Hội Nhà văn. Tay bắt mặt mừng, rồi dắt nhau lên xe vù ra đường cao tốc.

Chúng tôi về tới khách sạn đã hơn 4 giờ rưỡi chiều...

* "Ngu phí" ở khách sạn

Ở các khách sạn và nhà hàng cao cấp ở Bắc Kinh cũng như các thành phố Trung Quốc, chìa khóa cửa, vòi nước đều điều khiển bằng thẻ từ tính. Chìa khóa phòng khách sạn giống như thẻ điện thoại công cộng. Khi đút vào khe cửa, hiện lên tín hiệu xanh, là khóa mở. Vòi nước ở toilet nhà hàng muốn rửa thì nhẹ nhàng huơ tay vào, "con mắt thần" sẽ mở vòi nước, chứ không có chỗ để vặn như ở bên ta. Những thứ ấy chúng tôi đủ thông minh để nhìn một lần là biết sử dụng ngay. Ở khách sạn 4 sao, giặt một bộ quần áo hết vài chục tệ, tiền ít, nên tôi cứ tự giặt lấy như ở nhà, rồi mắc phơi lung tung trong nhà tắm. Nhà thơ Tùng Linh bảo tôi, cậu không sợ họ chê là "quê" à. Thế mà tôi cũng giặt được quần áo, mà họ chẳng nói gì. Buồn cười nhất là ở Beijing City Hotel 3 ngày, anh nhà văn Việt Nam nào cũng phải nộp một khoản "ngu phí", kể ra thật xấu hổ!

Trong buồng toilet khách sạn, họ có để tới mấy chục loại nào lọ, nào hộp, nào túi, nào gói... Cái bàn chải đánh răng, cục xà phòng, chiếc lược thì ai cũng biết là phục vụ khách miễn phí rồi. Còn dầu gội đầu, xà phòng tắm, rồi cả chục thứ khác thì "bán" hay là "phục vụ"? Không biết chữ Tàu, mà người Trung Quốc lại ít chua tiếng Anh trên hàng hóa, nên không ai biết thứ đó để làm gì, tác dụng như thế nào. Tôi hai ngày chưa gội đầu, thấy cái gói giống như dầu gội đầu tiếp thị bên ta bèn mở ra ngửi xem. Một chất đặc sệt như keo, đen mà hăng hắc khó chịu. Tôi liền vứt vào sọt rác. Tôi thấy có một gói to, nhũn nhũn. Cứ ngỡ là dầu gội đầu, mở ra thì không phải. Đây là một tấm áo mưa mỏng dính. Hình như để cho khách quàng hay lót gì đó trong khi tắm. Tôi liền xếp lại, bỏ lại vào túi để vào chỗ cũ. Nhà văn Triều Ân, ở Cao Bằng, sát biên giới Trung Quốc, nên biết đôi chút tiếng Trung, ông ở phòng cạnh tôi. Ông gọi tôi sang để khoe ông vừa phát hiện ra trong phòng tắm còn có cái mũ bằng ni-lon để cho phụ nữa trùm đầu khi tắm. Thì ra ông đã bóc tới 4 hộp và mở ra để "cho biết".

Ba ngày ở Bắc Kinh, chúng tôi trả phòng bay đi Tứ Xuyên. Khi trả phòng, nhân viên nhà hàng tính cho anh Triều Ân 46 tệ vì sử dụng mấy thứ trong phòng tắm. Tôi bóc một gói và một túi chịu 28 "tệ". Sáu nhà văn Việt Nam nhà văn nào cũng phải trả từ 18 đến 36 tệ cả. Thì ra họ bỏ các thứ trong phòng tắm để bán chứ không phải để cho khách dùng miễn phí. Chỉ có nhà văn Bùi Bình Thi không tốn ngu phí vì ông mang các thứ dầu gội đầu, xà phòng tắm từ nhà sang!

Từ đó, nhà thơ Tùng Linh đi đến đâu cũng bảo: "Tao gội đầu bằng cục xà phòng tròn có đề tên khách sạn, không dám bóc lung tung nữa!". Đến nỗi khi về ở khách sạn 4 sao Globelink Hotel ở Quảng Châu, phòng nào họ cũng để trên bàn khách, đĩa quả táo, chùm nho rất ngon với tấm biển câu đề "Hội nhà văn Trung Quốc chào đón các ngài", "Du lịch Quảng Đông hoan nghênh các ngài", thế mà các phòng chẳng ai dám ăn. Chỉ nhà văn Triều Ân ăn hết, nhưng khi rời khách sạn họ không tính tiền! Vui thật!

. Ngô Minh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mảnh vườn cổ tích  (03/06/2005)
Còn một chút này…  (03/06/2005)
Biểu diễn ca nhạc quyên góp giúp châu Phi xóa nghèo  (02/06/2005)
Tiếng hát Kim Thành  (02/06/2005)
Huyện Tây Sơn đoạt giải nhất toàn đoàn  (02/06/2005)
Thêm một tuyển tập thơ cho thiếu nhi  (01/06/2005)
Bình Định đoạt 5 HCV, 4 HCB và giải Đạo diễn xuất sắc  (01/06/2005)
Liên hoan chương trình phát thanh măng non năm 2005  (01/06/2005)
Natalie Glebova - Cô gái luôn muốn hoàn thiện mình  (31/05/2005)
Người đẹp Canada đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2005  (31/05/2005)
Tây Tiến (*) - hiện thực về người lính những năm đầu kháng chiến  (31/05/2005)
Đang hòa nhập và khẳng định mình  (31/05/2005)
Dòng chảy lớn được nuôi dưỡng từ lịch sử  (30/05/2005)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng được bầu vào BCH Hội Văn nghệ Dân gian VN  (30/05/2005)
Lễ hội mùa gặt thế giới đầu tiên tổ chức tại Malaysia  (29/05/2005)