Từ 23 đến 30-5, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), diễn ra Hội diễn Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005. Cuộc hội ngộ này của những người giữ lửa, một mặt tiếp thêm hi vọng về sức sống của hai bộ môn nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại, mặt khác lại lộ rõ những điểm đáng lo ngại về thực trạng nghệ thuật truyền thống hôm nay…
* Lửa từ đời sống
|
Một cảnh trong vở "Cội nguồn" của Nhà hát tuồng Đào Tấn (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
13 vở diễn của 13 đoàn tuồng và dân ca kịch trong cả nước đã hội về thành phố Vinh trong những ngày tháng 5. Điều đáng ngạc nhiên là 9/13 vở diễn tham gia Hội diễn lần này dàn dựng về đề tài hiện đại vốn không dễ đi vào nghệ thuật tuồng. Tuy nhiên, với quan niệm: Tiếp cận cuộc sống mới làm nên sức sống của tuồng và dân ca kịch trong đời sống đương đại, nên ngay trong những vở lịch sử, các đoàn cũng có cách tìm ra những ý mới mẻ. Điều này cũng phù hợp với quy chế Hội diễn là khuyến khích những vở diễn phản ánh chân thực đời sống xã hội hôm nay.
Hai vở diễn của Bình Định cũng vậy. Nếu Cội nguồn là một nỗ lực tìm hình thức mới cho tuồng cổ ngay từ cấu trúc vở diễn. Không gian sân khấu có lúc đang giữa mùa tuyết trắng của xứ Hàn, có khi lại ở một làng quê Bình Định trong trận thảm sát… Có lúc, nhiều không gian cùng hiện diện trên sân khấu trong dòng chảy hồi tưởng. Rồi sự đan xen về thời gian, giữa quá khứ và hiện tại thường xuyên trên sân khấu. Cách vận dụng nhiều mảng không gian, nhiều khoảnh thời gian này vừa chuyển tải thành công thông điệp về tình yêu hòa bình, về lòng nhân ái, về sự bao dung giữa những con người, về khép lại quá khứ, hướng đến tương lai… vừa dung chứa được những vấn đề tưởng khá xa lạ với nghệ thuật truyền thống. Tuồng có thể đi vào đề tài đương đại một cách ngọt ngào - đó là điều khán giả cảm nhận rõ rệt từ vở diễn. Còn Biển và tôi đi vào đề tài về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Con tàu không số, cuộc chiến đấu của các chiến sĩ biệt động trong lòng địch… qua cách diễn xuất ngọt ngào của các nghệ sĩ Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định hiện lên thật tự nhiên, có sức truyền cảm. So với lần dàn dựng đầu tiên, vở diễn lần này đã được nâng cao thêm nhiều bằng xử lý múa, nâng cao về đạo diễn, diễn xuất…
Hai vở diễn đã phát huy lợi thế của hai đoàn nghệ thuật, của hai bộ môn nghệ thuật. Bởi vậy, đã được đón nhận. 5 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 2 bằng khen dành cho diễn viên, giải đạo diễn xuất sắc và biên đạo múa xuất sắc đã nói lên điều này. Bên cạnh đó, hai vở diễn này là một trong hai vở diễn lọt vào vòng chung kết để bình chọn vở diễn xuất sắc của hai bộ môn tuồng và dân ca kịch.
Các vở diễn của các đoàn nghệ thuật khác trong nước cũng có nhiều cố gắng. Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh với Nước mắt người mẹ trẻ và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa với Ngọn lửa lương tri mạnh dạn khai thác một vấn đề nhức nhối trong xã hội là HIV/AIDS. Một tổng thể hoàn chỉnh từ kịch bản, dàn dựng, diễn xuất tạo nên nhiều mảng trò mới phát huy từ nghệ thuật tuồng là điều mà Rừng thức của Nhà hát Tuồng Trung ương gặt hái được (đây cũng là vở diễn đoạt giải vở diễn xuất sắc tại Hội diễn lần này)…
* Để giữ lửa trong tim
Băn khoăn đầu tiên vẫn là chuyện khó tìm thấy gương mặt trẻ trong sân khấu truyền thống, nhất là những gương mặt trẻ vào vai chính. Các vai diễn nhận huy chương vàng hầu hết đều thuộc về các diễn viên khá thành danh. Chẳng hạn, với hai vở diễn của Bình Định, 5/5 diễn viên nhận huy chương vàng đều là NSƯT.
|
Một cảnh trong vở "Biển và tôi" (Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định). |
Sự hụt hẫng của đội ngũ kế cận là điều thấy rõ. Trừ số ít trường hợp, còn lại đa số lớp trẻ chưa khẳng định được bằng vai diễn trên sân khấu, chưa say nghề. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự bất hợp lý giữa sự nặng nhọc của lao động diễn viên với mức thu nhập của họ. Mức bồi dưỡng biểu diễn hiện vẫn rất thấp. 40.000 đồng/đêm diễn với diễn viên chính, 20.000 đồng/đêm với diễn viên phụ. Tính ra, ngoài lương và tiền thanh sắc (15% với diễn viên dân ca và 20% với diễn viên tuồng), mỗi nghệ sĩ còn có thêm khoảng 400.000 đến 500.000 đồng/người/năm từ tiền bồi dưỡng biểu diễn và tập vở. Mức thu nhập như vậy là quá thấp so với mặt bằng chung. Trong khi, ai cũng biết, đời của một người nghệ sĩ trên sân khấu là khá ngắn ngủi. Nhưng ngay cả chỉ để đảm bảo thu nhập này, các đoàn cũng phải bươn chải khá nhiều, mà cách duy nhất là bằng mọi cách phải tăng số buổi biểu diễn để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, có một số nghệ sĩ phải đi hát ca nhạc ở bên ngoài. Sự hi sinh lớn lao với nghề - điều đó thật cần. Nhưng các nghệ sĩ cũng cần hơn sự quan tâm, nhằm giúp họ giữ mãi ngọn lửa yêu nghề trong tim.
Một điều đáng tiếc là so với các Hội diễn trước đó như Hội diễn kịch, cải lương, Hội diễn lần này có phần im hơi lặng tiếng hơn trên báo chí, thậm chí có thể nói là... không một tiếng vang, kể cả lời khen hay tiếng chê.
. Lê Viết Thọ
Thành tích của các nghệ sĩ Bình Định tại Hội diễn:
Huy chương vàng: NSƯT Hòa Bình (vai bà Sáu Bình); NSƯT Phương Thảo (vai Li-Hi-Sô), NSƯT Minh Ngọc (vai bác sĩ Li-Sơn-Du) - Nhà hát Tuồng Đào Tấn; NSƯT Hoài Huệ (vai thiếu tá Rạng), NSƯT Hồ Thu (vai Tâm) - Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
Huy chương bạc: Hoàng Thanh Bình (vai Kim-Xu-Dâng) - Nhà hát Tuồng Đào Tấn; Tấn Hào (Đại úy Đằng), Thiên Chi (vai Sáu Thùy), Hoài Nam (vai Ba Huỳnh) - Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
Bằng khen: Thanh Tân (vai An), Thanh Sử (vai Lý Chiêu Hoàng) - Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Giải đạo diễn xuất sắc: đạo diễn Hoàng Ngọc Đình - Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Giải tặng cho đơn vị có nhiều sáng tạo trong đề tài hiện đại của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dành cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn với vở Cội nguồn. | |