Chuyện ông Tám Kèn
14:12', 10/6/ 2005 (GMT+7)

Một cậu bé mù chữ, chăn trâu cắt cỏ, trở thành một nhạc công tài năng, rồi tham gia cách mạng trở thành NSƯT ngành tuồng... Đó là chuyện của ông Tám Kèn: NSƯT Nguyễn Hoài Ân...

* Đa mang một tiếng kèn...

NSƯT Nguyễn Hoài Ân

Nhà nghèo, cha mất sớm. Từ nhỏ, ông đã phải đi ở cho nhà giàu. Những lúc rảnh rỗi, cậu bé 13 tuổi Hoài Ân vẫn thường nghe lén ông Điểm Cầm, một nghệ nhân trong vùng, dạy cho đám học trò tiếng kèn, tiếng trống. Rồi một hôm, nhân lúc giải lao, ông bèn mượn cây kèn thổi chơi. Tiếng kèn ấy lọt vào tai người thầy. Ông thầy đến thưa với má ông: "Có ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay. Chị cho thằng nhỏ này đến ở với tui, tui xin dạy hổng lấy tiền, 3 năm nên nghề, tui trả về cho chị". Và từ đó, ông đến ở nhà ông Điểm Cầm, vừa học nghề, vừa phụ giúp việc gia đình.

"Hồi đó, tui cũng khổ lắm. Ngày ngày, vừa phải lo cơm nước, giặt quần giặt áo, lại phải chăm sóc cho bà vợ của thầy bị ho lao... Cực nhiều lúc chảy nước mắt, nhưng cũng vui vì được theo học nghề"- ông kể. Học được năm rưỡi, thấy nghề của ông đã chín, thầy cho ông theo gánh Bầu Thơm để làm nhạc công. Thêm năm rưỡi học nghề ngay trên sàn diễn, ông quay về làm lễ cúng tổ, rồi chính thức xuất thân, ra nghề...

Hết Bầu Thơm, Thông Cừu, Chánh Ca Hậu…. toàn những gánh hát danh tiếng trong vùng thời đó mà ông đã từng tham gia, tay đàn, tiếng kèn của ông ngày càng thành thạo. "Căn bản là học lỏm"- ông nói. Sáng ý, lại thêm chịu khó, ông vừa học đàn, vừa có thể nhảy vô làm kép, đóng vai lão, vai mụ cũng được, thậm chí cả hô bài chòi, hát cải lương cũng khá. "Hồi đó, có gánh cải lương của Phùng Há ra Đập Đá diễn. Tui muốn vô coi cọp, cũng để học hỏi thêm, họ hổng cho vô. Tui mới đục lỗ chun cái đầu vô xem người ta diễn ra sao. Thấy hay quá, cũng bày đặt học hát cải lương, ý a vậy mà cũng được"- ông kể.

Nhờ làn hơi khỏe nên tiếng kèn của ông no đủ, thanh thoát và có khả năng biểu cảm cao, lại thêm sự tinh thông nghề, tiếng kèn của ông dần đứng được trên sân khấu. Làm nghề nuôi mẹ tính ra chẵn 6 năm, năm 20 tuổi, ông tham gia bộ đội, bặt nghề một thời gian. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, sáu năm sau chuyển sang ngành văn hóa và được điều về Đoàn Dân ca khu V, lại tiếp tục đa mang với một tiếng kèn. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông tham gia Đoàn Ca múa Thuận Hải. Được ba năm, ông xin trở về quê hương và tham gia dàn nhạc Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình để chuyên tâm đào tạo. Học trò của ông như Cao Dũng, Ngọc Châu, Hữu Trí (Nhà hát Tuồng Đào Tấn), Lưu Khánh, Phạm Dị (Nhà hát Tuồng Trung ương) nay đều đã nên nghề, có người đã thành danh trên sân khấu. Năm 1993, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

* "Tiếng kèn khóc cùng nhân vật"

Tám Kèn là nghệ danh mà bạn nghề dành để gọi ông. Làm nên biệt danh ấy, không chỉ ở mấy chục năm lăn lộn với nghề, cũng không với 4 vở diễn đã được ông trực tiếp viết nhạc, cái chính vẫn là nhờ ông đã sáng tạo thêm những cách diễn tấu, nâng khả năng diễn tả của tiếng kèn dàn nhạc tuồng. Hãy nghe ông phân tích: "Đó cũng nhờ tui biết nghề hát, biết người diễn viên sẽ nhấn ở chỗ nào, để đưa tiếng nhạc nương theo. Chẳng hạn như trong vở Trưng Trắc - Trưng Nhị, khi Trưng Trắc nghe quân báo là chồng đã bị Tô Định giết, mà kêu lên: "Bớ phu quân!" thì tiếng kèn lúc này chưa đi vào nội tâm lắm, chỉ như cái thảng thốt. Sau đó, khi Trưng Trắc tỉnh lại và hỏi: "Quân! Có chuyện gì con nói chậm chậm cho bà nghe thử", thì lúc này tâm trạng mới trỗi dậy, đau đớn, giằng xé… Tiếng đàn phải như biết khóc cùng với nhân vật. Một câu thán của hát bội mà vô nhiều tâm trạng như vậy, đòi hỏi người nhạc công phải thật sự xúc cảm, có vậy tiếng kèn mới góp phần tạo nên cao trào cho nền nhạc phục vụ diễn xuất. Người ta mê tiếng kèn của tui cũng là vì có tâm trạng của mình trút vào trong ấy".

Cũng cần nói thêm, chính ông là người đã có công cải tiến chiếc kèn sô na của hát bội. Chiếc kèn bỏ loa, bỏ dăm kèm, lại thành chiếc sáo. Nhờ vậy mà tác dụng của chiếc kèn hát bội phong phú hơn, hiệu quả hơn trong nhiều tình huống sân khấu.

* Chút tiếc nuối còn lại

Khi các diễn viên hóa thân thành nhân vật kịch, sống trên sân khấu, thì những nhạc công như ông lại lặng lẽ, âm thầm nối kết các cảnh đời sân khấu. Thanh âm tiếng kèn như ngân lên, sống cùng tâm trạng nhân vật, đưa người xem hòa vào nhân vật. Sống trọn vẹn trong thế giới của thanh âm, nhưng quá bình lặng với người đời. Hỏi ông sao không sang làm diễn viên, dễ nổi danh hơn, nhiều người quen mặt biết tên hơn trên sân khấu, ông cười: "Hồi đó, giả dụ tui muốn theo nghề hát thì cũng được chứ hổng đến nỗi. Nhưng mình trót mê tiếng kèn mất rồi. Lại nghĩ cái nghiệp diễn viên tuổi nghề ngắn lắm... Mà tiếng kèn thì còn mãi với mình, theo suốt cả cuộc đời. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng rồi đến giờ, ngay tiếng đờn chứ đừng nói tiếng kèn mình cũng chẳng thể đa mang được. Nhiều khi, tui ngồi nhìn cây đờn trên tường mà cứ ứa nước mắt". Rồi ông với tay lấy cây đàn, dạo một bản cho tôi nghe và tiếp: "Đấy chú nghe, cái tiếng đờn của tui bây giờ có khác chi tiếng bập bênh của anh kéo sợi. Hồi xưa, nói không phải tự cao chứ đờn cũng ngọt lắm...".

Ấy là từ khi ông đổ bệnh, quãng ba năm nay, mắt đã mờ, tay chân run run, hơi chẳng còn được như trước, ông đành dứt hẳn tiếng kèn. Riêng cây đàn nhị thì thi thoảng ông vẫn kéo lại cho đỡ nhớ nghề. Người nhạc công mồ côi vợ này ngày ngày chỉ còn sống trong những hoài niệm, chỉ biết sẻ chia đam mê cùng những người con và những diễn viên trẻ trong Đoàn vẫn gọi ông thân thương là ông nội. "Mỗi lần bên Đoàn hay Nhà hát Tuồng Đào Tấn diễn, tui đều có đi xem cả đấy. Ngồi ở nhà đây thi thoảng lại nghe anh em nhạc công họ tập, mình lại càng nhớ nghề"- ông nói.

Hỏi ông còn tiếc nuối điều gì với nghề, ông tâm sự: "Bài bản, kỹ thuật thì tui đã truyền hết lại cho học trò, chẳng giấu cái gì. Nhưng thủ pháp thì nói thật là vẫn còn những chỗ học trò chưa theo được. Còn tiếc là tiếc vậy, nhưng giờ thì còn làm gì được nữa đâu!".

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ống đựng chiếu chỉ thời Tây Sơn dùng trong quan hệ đối ngoại  (10/06/2005)
Phim mới: Thần Điêu Đại Hiệp  (09/06/2005)
Trần Hữu Pháp - nhạc sĩ mãi còn... trẻ thơ  (08/06/2005)
Phim mới trên VTV3: Thần y Hur Jun  (08/06/2005)
"Thời xa vắng" tranh giải tại LHP quốc tế Thượng Hải  (07/06/2005)
Mâu thuẫn nghệ thuật trong kết cấu bài thơ "Tôi yêu em" của Puskin (*)  (07/06/2005)
Hội ngộ của những người giữ lửa  (07/06/2005)
Nga đoạt huy chương vàng tại cuộc thi piano quốc tế  (06/06/2005)
Tấm lòng lão Hạc  (06/06/2005)
Lần đầu xuất ngoại  (05/06/2005)
Mảnh vườn cổ tích  (03/06/2005)
Còn một chút này…  (03/06/2005)
Biểu diễn ca nhạc quyên góp giúp châu Phi xóa nghèo  (02/06/2005)
Tiếng hát Kim Thành  (02/06/2005)
Huyện Tây Sơn đoạt giải nhất toàn đoàn  (02/06/2005)