Quê ngoại
16:29', 10/6/ 2005 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Đào Thị Quý Thanh

Dũng dừng xe, đưa tay vuốt lại mái tóc, rồi nhìn quanh. Ở đây thay đổi nhiều quá. Năm năm rồi còn gì, từ khi bước chân vào đại học, tốt nghiệp ra trường, nay anh mới về thăm quê ngoại. Cái làng nhỏ ven sông này trước kia nghèo nàn, giờ đây nhiều nhà ngói đỏ mọc lên, theo cái đà này, mọi người sẽ làm ăn khấm khá hơn.

Dòng sông quê. Ảnh: Duy Quyên

Dũng cho xe chạy tiếp vào đường làng về nhà ngoại. Riêng con đường này vẫn vậy, đường đất vòng vèo, hai bên là ruộng, cái cầu bê tông bắc qua con sông, những ruộng mía, bãi dâu chạy dài thẳng tắp. Quẹo vào đến nhà ngoại, thấy bọn trẻ đang chơi trong sân, nghe tiếng xe dừng lại nhìn ra, thấy Dũng, chúng reo lên:

- A, anh Hai về, anh Hai về tụi bay ơi.

Chúng kéo anh vào nhà, có đứa nhảy cẫng lên vui mừng. Anh cũng vui lây, đưa tay bẹo má thằng Út, hỏi:

- Ba má đâu rồi cu Tí?

- Ba má đi làm ruộng từ sáng, chỉ có tụi em ở nhà thôi.

- Cu Tí học lớp mấy?

- Dạ lớp ba.

Anh đứng lên lại gần bàn thờ thắp ông bà nén hương. Ông bà ngoại anh sinh được ba người con: mẹ anh, cậu Thình và dì Hường. Mẹ anh và dì Hường lấy chồng xa, nhà này để cho cậu Thình làm nhà từ đường cúng ông bà. Nhà ngoại hình như không có gì thay đổi, tường gạch lán xi măng, mái ngói đen sì loang lổ vì mưa nắng, chiếc võng treo giữa nhà. Phía sau nhà là mấy bụi chuối, giàn bí đao, dưa leo trái treo lơ lửng.

Vừa lúc đó cậu mợ Thình về. Thấy anh, cậu mợ vui mừng, hỏi thăm sức khỏe. Cuộc sống vất vả làm cho cậu già đi nhiều, mái tóc lấm tấm bạc, nước da đen sạm vì nắng, nhưng thân hình vẫn cường tráng, bắp thịt cuồn cuộn nổi lên. Anh lấy trong túi xách những gói quà của mẹ biếu cho cậu và mấy đứa nhỏ. Ăn cơm xong, Dũng lên võng nằm, gió thổi mát, anh lim dim mắt mơ màng sau một chuyến đường xa. Nghe tiếng thằng Tùng gọi, anh thức dậy.

- Anh Hai đi câu cá không?

- Ừ.

Theo Tùng ra đến cửa, anh thấy ba đứa em đã chuẩn bị sẵn sàng. Con Quỳnh - đứa lớn nhất, năm nay học lớp 10 - xách cái giỏ tre, thằng Tiến mang cần câu và thằng Út cầm lon mồi. Mấy anh em Dũng ra bờ sông, phải đi luồn qua những bụi cây dại. Buổi trưa ở quê thật yên tĩnh, anh được nghe tiếng chim hót, tiếng gió thổi rì rào, nghe cả tiếng cá vẫy đuôi. Thấy dây rung, phao động, thằng Tùng gọi: "Giật mạnh lên anh Hai!". Một con cá trê to mắc vào lưỡi câu, đang giãy giụa tìm cách thoát. Anh đưa cho bé Quỳnh gỡ ra và móc lại mồi. Bỗng một vỏ dừa khô ném vào đầu anh đau điếng. Anh quay lại thấy một phụ nữ đầu tóc bù xù, tay chân lấm lem đất, cầm roi tre huơ lên quát:

- Cút. Tụi bay cút mau!

Thấy thế, bé Quỳnh chạy đến bên người phụ nữ, vuốt tóc, nhỏ nhẹ nói:

- Chị Lựu, bé Quỳnh đây mà. Hôm nay chị Lựu đẹp lắm.

- Đẹp hả…ha…ha. Đẹp sao anh Trung hổng đến thăm chị, ảnh đi đâu lâu quá vậy hu… hu.

- Chị Lựu đừng khóc nữa. Rồi anh Trung sẽ về. Chị vào nhà ngủ đi. Mai em hái hoa tặng chị.

Chị Lựu vào nhà, Dũng chưa hết ngỡ ngàng, nhìn gương mặt này anh thấy quen, tuy lem luốc nhưng đằng sau vẫn giữ nét đẹp. Anh ít khi về ngoại, hàng năm chỉ về vào ngày Tết rồi đi, nên không nhớ người phụ nữ này là ai. Bé Quỳnh chạy lại gần Dũng hỏi:

- Anh Hai có đau không? Tội chị Lựu, số chị ấy bi đát quá!

Bé Quỳnh chép môi, khiến anh không khỏi tò mò về số phận của chị Lựu. Đưa cần câu cho thằng Tiến, anh đến gốc cây dừa vẫy tay gọi bé Quỳnh lại phía anh ngồi hỏi:

- Sao chị Lựu ra nông nổi vậy hở Quỳnh?

Quỳnh đưa chiếc lá lên môi ngậm, như nhớ lại chuyện đời của chị Lựu. Bằng giọng trầm trầm nó kể:

- Năm chị Lựu đang học 12, vì gia đình túng thiếu lại đông anh em nên chị phải nghỉ học, ra chợ mua bán phụ giúp thêm cho gia đình. Chị Lựu tuy nhà nghèo, nhưng rất dễ thương, xinh đẹp, siêng năng nên được nhiều người yêu mến đến chạm hỏi. Thế nhưng, chị Lựu chỉ thương có anh Trung con bà Chín ở xóm bên kia sông. Rồi một hôm, chị đi chợ về, không hiểu người lái xe thồ chở ra sao, chị bị ngã xuống đất. Từ đó chị Lựu rối loạn thần kinh. Gia đình lo tiền bạc, nhượng mấy thửa ruộng để chữa trị. Bớt được thời gian, nghe tin anh Trung lấy vợ, bệnh của chị tái phát. Giờ gia đình hết tiền, chị phải chịu như vậy, lúc nào cũng nhắc anh Trung - con người bạc tình bạc nghĩa. Mà anh Hai gặp chị Lựu một lần rồi, lúc anh và cô Hường về chơi đó.

Dũng thật sự xúc động khi nghe cuộc đời khổ đau của người con gái tên Lựu. Anh nhớ ra lần gặp chị, anh với mẹ về thăm bà ngoại, ngồi trong nhà anh thấy dáng ai thập thò ngoài cửa, anh ra hỏi:

- Chị hỏi ai?

- À, cho chị gặp cô Tâm - chị cười nói:

- Mợ Tâm ở nhà sau, chị vào đi.

- Cảm ơn em - chị xoa đầu anh, nhẹ nhàng chào cả nhà rồi đi ra sau.

Mấy năm rồi, người con gái anh gặp hồi đó bây giờ đã khác xưa. Thật đau lòng. Tất cả mọi việc xảy ra như trong giấc mơ cướp đi tuổi thanh xuân, tình yêu của chị. Dũng thẩn thờ đứng dậy gọi mấy đứa em về.

Đêm buông xuống, ở đây mới có điện, đèn nê-ông trong nhà tỏa sáng. Ngoài sân, một bầy đom đóm bay bay như ánh sáng thần bí chập chờn. Dũng thẩn thờ nhớ lại hình dáng của người phụ nữ đó, nó cứ hiện trước mắt anh. Bọn nhỏ từ nhà sau mang lên một đĩa mực khô, theo sau là cậu Thình cầm chai rượu.

- Lâu lắm cậu cháu mình mới gặp nhau, lai rai cho đã.

- Dạ.

- Cháu đã xin được việc làm chưa. Mau lên còn cho cậu mợ uống rượu nữa chứ.

Nghe thế, ba đứa em đồng thanh vỗ tay reo lên vui sướng. Thằng Tiến và thằng Tùng tranh nhau đòi bưng quả cho anh Hai. Nhìn chúng, anh vui lây.

Sáng nay, anh dậy thật sớm đi dọc quanh sân hít thở không khí trong lành của miền quê. Mợ Tâm đang ở nhà sau, chuẩn bị bữa sáng và gói ít quà cây nhà lá vườn để gửi anh mang về biếu mẹ. Thấy bé Quỳnh đi đâu về, tay cầm bó hoa, anh hỏi:

- Sáng sớm hái hoa làm gì vậy Quỳnh?

- Chặp nữa em mang qua cho chị Lựu.

- Ngày nào cũng vậy à.

- Dạ, thấy chị ấy tội quá.

Ăn sáng xong, anh chào mọi người ra về, mấy đứa nhỏ theo chân tiễn anh ra ngoài đường làng. Thằng Út rơm rớm nước mắt, anh thấy thương tụi nó quá. Anh nói:

- Rảnh, anh lại về.

Cho xe chạy, anh ngoái đầu nhìn lại thấy chúng còn đứng vẫy tay. Anh cười. Quê ngoại anh nghèo quá, còn biết bao người lam lũ một nắng hai sương, lại còn có cả những số phận bất hạnh như chị Lựu đáng thương kia. Hình ảnh chị Lựu mãi đọng trong tâm trí anh. Anh sẽ nhớ mãi chuyến thăm quê này như kỷ niệm của đời mình.

. Đ.T.Q.T

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ: Từ Quốc Hoài, Mai Thìn   (10/06/2005)
Chuyện ông Tám Kèn   (10/06/2005)
Ống đựng chiếu chỉ thời Tây Sơn dùng trong quan hệ đối ngoại  (10/06/2005)
Phim mới: Thần Điêu Đại Hiệp  (09/06/2005)
Trần Hữu Pháp - nhạc sĩ mãi còn... trẻ thơ  (08/06/2005)
Phim mới trên VTV3: Thần y Hur Jun  (08/06/2005)
"Thời xa vắng" tranh giải tại LHP quốc tế Thượng Hải  (07/06/2005)
Mâu thuẫn nghệ thuật trong kết cấu bài thơ "Tôi yêu em" của Puskin (*)  (07/06/2005)
Hội ngộ của những người giữ lửa  (07/06/2005)
Nga đoạt huy chương vàng tại cuộc thi piano quốc tế  (06/06/2005)
Tấm lòng lão Hạc  (06/06/2005)
Lần đầu xuất ngoại  (05/06/2005)
Mảnh vườn cổ tích  (03/06/2005)
Còn một chút này…  (03/06/2005)
Biểu diễn ca nhạc quyên góp giúp châu Phi xóa nghèo  (02/06/2005)