Tập thơ nhỏ nhắn, Khúc Sơn Ca (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn) chỉ vỏn vẹn 40 bài thơ. Ngẫu nhiên chăng, "chàng thơ tuổi Thìn" năm nay cũng vừa chẵn tuổi 40. Người ta nói người tuổi Thìn (con rồng) biến hóa lắm, nhưng với Mai Thìn thì hình như ngược lại, thơ anh giản dị, chân tình, thậm chí nôm na, mộc mạc.
Nhưng trong cái giọng thơ chân tình, mộc mạc của Mai Thìn khiến ta càng đọc càng thấy nhớ về một cõi xa xăm nào đó của tuổi thơ, của một chốn quê mà nhiều khi khó nói được lên lời. Có thể đó là một dòng sông, một mái nhà tranh với bóng mẹ sớm chiều, con đường làng đầy lá tre rụng…, hay một tổ chim non bám víu trên cành cao:
Tiếng chim mùa này ríu rít đã đông hơn
Dồng dộc treo những chiếc giày lơ lửng
(Rừng trúc)
Từ cái ổ dồng dộc như những chiếc giày treo lơ lửng ấy, Mai Thìn đã mở tung cho "nàng thơ" thoát khỏi vòng cương tỏa của những lo tính đời thường, như cánh chim Sơn Ca sãi cánh bay về miền ký ức. Nơi có "Bậc thềm nhà mình những ngày mưa bão/ Giọt nước mái tranh róc rách cá rô nằm" (Trong ngôi nhà lá mái), hay "Những tay dừa sạm nắng ghì chặt hoàng hôn/ Cánh chuồn dệt lên lòng sông bài ca bất tận…" (Bức tranh hoàng hôn).
Và không chỉ dừng lại ở đó, nỗi nhớ nhiều khi ray rức, chợt thức, hoảng hốt:
Tôi nắm bàn tay ủ trong đêm nóng hổi
Nghe từng sợi tơ bối rối
Những cánh chuồn
bay ngợp triền sông
(Bàn tay cánh đồng)
Những cung bậc thơ ấy khiến cho người đọc không thể không đồng cảm sâu xa, nhất là với những ai được sinh ra và lớn lên dưới bóng tre xanh của làng quê. Những ai đã một thời chăn trâu, cắt cỏ, đào dế, bắt chim… nơi ruộng đồng, bến bãi…
Nỗi nhớ của Mai Thìn có lúc như thấp thỏm, mong chờ:
Cả chiều nay anh mong một đám mây xanh,
Mong một tia nắng lành, mong ngọn gió nồm tuổi nhỏ
đưa em về trên con đường đầy lá tre rơi của quê hương anh đó.
(Đường quê hương)
Quê hương không thể tách rời hình ảnh người mẹ. Dẫu biết trên đường đời ngược xuôi mỗi chúng ta như lớn lên rất nhiều, nhưng với mẹ vẫn là nhỏ nhoi. Với Khúc Sơn Ca, nỗi nhớ ấy thường hiện lên với năm tháng nhọc nhằn, có gì đó man mác buồn thương. Điều đó cũng dễ hiểu, vì mỗi ai lớn lên mà chỉ có niềm vui:
Rã rời trong nỗi nhớ quê
Mẹ mang cau héo hong nhờ mái hiên
…
Một đời bóng mẹ tỏa quanh
Cây lên thành trái, trái thành chúng con.
(Nhớ quê)
Nhưng có lẽ nhờ đi qua thời tuổi thơ man mác buồn thương ấy mà chúng ta trưởng thành trong phong thái phóng khoáng của đất trời: "Ta cùng em bốn mùa rong chơi/ Che chắn gió Sơn Ca làm tổ/ Tổ của người tường xây vách vữa/ tổ Sơn Ca ở giữa trời xanh" (Nơi Sơn Ca làm tổ). Hay: "Mặt trời lên, tiếng hót em cao vút ngút ngàn từng vạt dâu hắt lên trời màu mây thẳm." (Tiếng hót). Và cũng từ đó Khúc Sơn Ca không chỉ là lời ru thấm đượm tình quê hương, mà còn là ngọn lửa, là hành trang trên đường đời, tình yêu và niềm tự hào đích thực:
Em đốt cháy trong tôi ngọn lửa tim mình
ngọn lửa hy sinh và tình yêu vô hạn định.
Ngày ngày em cho thêm vào đó một chút muối của niềm tin
một chút diêm của lòng kiêu hãnh.
(Khúc 4)
Khúc Sơn Ca là tập thơ thứ tư của Mai Thìn (các tập trước: Cổ tích tình yêu, Hai mảnh yêu thương - in chung với Quang Vĩnh Khương, Đồng quê). Dòng chảy chính trong thơ anh vẫn là những kỷ niệm về quê hương - một quê hương của duyên hải Nam Trung bộ, của Bình Định, của vùng đất An Nhơn với những ngôi tháp Chàm trầm mặc, của thành quách hoang phế, của dòng sông Côn trong mát chầm chậm chảy qua những xóm làng… Có lẽ vì thế mà Khúc Sơn Ca như dòng sông trải rộng mênh mông êm đềm mà sâu thẳm hơn. Và niềm tin vào quê hương, con người được khắc đậm hơn:
Nhưng tôi tin trong suốt cuộc đời này
niềm tin mà em đã cho tôi là nỗi khát thèm của nhân loại.
(Niềm tin)
. Thanh Trúc
* Đọc Khúc Sơn Ca của Mai Thìn. |