Đời sống âm nhạc ở Quy Nhơn:
Vẫn là… "bài ca tỉnh lẻ"
7:9', 14/6/ 2005 (GMT+7)

Là đô thị loại hai đã gần chục năm nay nhưng đời sống âm nhạc  ở TP Quy Nhơn vẫn bình lặng. Vì sao?

* Nhạc sĩ - thừa tác giả, thiếu tác phẩm

Thu Vàng - một trong những tụ điểm cà phê ca nhạc ít ỏi còn lại của Quy Nhơn.

Nếu so với những năm trước đây thì hiện nay số lượng bài hát do những nhạc sĩ địa phương sáng tác rất hiếm hoi, nhất là những bài hát có thể "sống" được với khán giả. Đây là một nghịch lý vì số lượng hội viên Chi hội Âm nhạc thuộc Hội VHNT Bình Định hiện khá hùng hậu với gần 50 người (trong đó có 10 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Ngoài vấn đề tài năng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các nhạc sĩ hầu như không thể sống bằng nghề viết nhạc. Hầu hết họ phải lao động trong những lĩnh vực khá xa với âm nhạc, người may mắn hơn thì mở cơ sở dạy đàn, dạy nhạc... Nhạc sĩ không chuyên tâm đầu tư cho công việc sáng tác thì làm sao có tác phẩm, nhất là tác phẩm có chất lượng?

Bên cạnh đó, không ít sáng tác là viết theo đặt hàng của các cơ quan, đơn vị. Hẳn nhiên, cũng có những ca khúc đặt hàng có giá trị nghệ thuật cao nhưng đó là chuyện hiếm. Ngay cuộc thi sáng tác ca khúc về Bình Định thì những bài hát đoạt giải hiện vẫn... xa lạ với công chúng. Hơn thế, một cuộc thi sáng tác lâu lâu mới được tổ chức như vậy chỉ có thể xem như một động lực thúc đẩy phong trào chứ khó có thể tạo nên một phong trào có sức sống bền lâu.

* Đời sống âm nhạc - "bài ca tỉnh lẻ"

Mức sống của người dân Quy Nhơn đang ngày càng được nâng cao, nhưng đời sống âm nhạc thì vẫn… như chục năm trước. Nhu cầu thưởng thức âm nhạc của họ vẫn chưa được đáp ứng một cách thỏa đáng. Một thời gian, những quán cà phê Hát với nhau, Hát cho nhau nghe nở rộ nhưng rồi hầu hết đều lần lượt cáo lui không kèn không trống. Hiện chỉ còn một số ít tụ điểm nhạc sống trụ lại và hoạt động tương đối đều như quán café Thu Vàng, Du Mục nhưng cũng chỉ đáp ứng được một số lượng hạn chế thính giả. Ca sĩ chủ yếu vẫn là học sinh trường Văn hóa - Nghệ thuật, diễn viên đi làm thêm và một số ca sĩ của phong trào văn nghệ quần chúng, hát những bài hát quen thuộc. Thỉnh thoảng, một số đoàn ca nhạc ghé lại Quy Nhơn thì bên cạnh những đoàn nghiêm túc, có không ít những đoàn tập hợp những "ngôi sao" đang rớt giá ở các thành phố lớn dạt về các tỉnh nên đời sống âm nhạc không được cải thiện nhiều. 

Có nét tích cực chăng là các hội diễn, liên hoan nghệ thuật có quy mô do tỉnh tổ chức. Nhưng đây cũng chỉ là những hoạt động văn nghệ quần chúng mang tính phong trào.

Nét đặc sắc của Bình Định là có lực lượng những người làm âm nhạc truyền thống, tập trung ở hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và một số câu lạc bộ không chuyên. Lực lượng làm âm nhạc truyền thống của Bình Định chỉ đứng sau các trung tâm như Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên,  đội ngũ này đang thiếu một sân chơi để vừa là nơi họ có thể phô diễn tài năng cho khán giả vừa tiếp tục nâng cao tay nghề và phổ biến, giới thiệu cái hay, cái đẹp của âm nhạc truyền thống. Hiện tại âm nhạc truyền thống chỉ thu mình như một bộ phận của hoạt động sân khấu truyền thống, một vài chương trình truyền hình. Trên thực tế, cũng đã từng tồn tại một CLB âm nhạc truyền thống nhưng đã sớm chết yểu vì không có người thưởng thức (!).

* Để "thôi xót xa"…

"Một lý do khiến đời sống âm nhạc ở Bình Định quá bình lặng là do chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan làm văn hóa: Sở VHTT, Hội VHNT để thúc đẩy phong trào"- nhạc sĩ Thế Tuyên, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc thuộc Hội VHNT Bình Định, xác định. Tuy nhiên, có lẽ, điều quan trọng hơn vẫn là tự thân mỗi nghệ sĩ chưa thật sự đắm mình trong tình yêu với nghệ thuật. Mặt khác, thiếu các phong trào thường xuyên cũng làm cùn mòn đi nhiệt huyết sáng tạo. Nhạc sĩ Thế Tuyên cho biết: "Mong muốn của Chi hội Âm nhạc là các cơ quan chức năng cần có sự kết hợp để thành lập các CLB âm nhạc, đào tạo đội ngũ kế cận và đưa âm nhạc đến gần với giới trẻ hơn nữa".

Gần đây, Vũ trường Las Vegas thỉnh thoảng có mời một số ca sĩ, nhóm nhạc từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đến giao lưu như: Tuấn Hưng, Minh Thuận, nhóm Hip hop MBK… thu hút không ít khán giả trẻ ở Quy Nhơn. Tất nhiên, các hoạt động này cũng còn nhiều điều phải bàn, nhưng qua đó đã cho thấy nhu cầu được giao lưu âm nhạc của giới trẻ hiện nay là khá lớn. Bao giờ đời sống âm nhạc Quy Nhơn sẽ khởi sắc? Câu trả lời xin dành cho những người có trách nhiệm.

. Lê Cường

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hai phim Việt Nam tham dự Liên hoan phim Sydney  (13/06/2005)
Câu chuyện tình giữa Ấn Độ-Pakistan đoạt giải tại Bollywood Oscars  (13/06/2005)
Một cõi quê hương *  (13/06/2005)
Cuộc hội ngộ của Thanh Lam - Hồng Nhung - Mỹ Linh   (12/06/2005)
Quê ngoại   (10/06/2005)
Thơ: Từ Quốc Hoài, Mai Thìn   (10/06/2005)
Chuyện ông Tám Kèn   (10/06/2005)
Ống đựng chiếu chỉ thời Tây Sơn dùng trong quan hệ đối ngoại  (10/06/2005)
Phim mới: Thần Điêu Đại Hiệp  (09/06/2005)
Trần Hữu Pháp - nhạc sĩ mãi còn... trẻ thơ  (08/06/2005)
Phim mới trên VTV3: Thần y Hur Jun  (08/06/2005)
"Thời xa vắng" tranh giải tại LHP quốc tế Thượng Hải  (07/06/2005)
Mâu thuẫn nghệ thuật trong kết cấu bài thơ "Tôi yêu em" của Puskin (*)  (07/06/2005)
Hội ngộ của những người giữ lửa  (07/06/2005)
Nga đoạt huy chương vàng tại cuộc thi piano quốc tế  (06/06/2005)