Đời sống âm nhạc ở Quy Nhơn:
Ý kiến của người trong giới
7:32', 16/6/ 2005 (GMT+7)

Tiếp tục thông tin cho bạn đọc về thực trạng đời sống âm nhạc ở Quy Nhơn, chúng tôi đã gặp và ghi nhận ý kiến của một số người trong nghề về vấn đề này...

* Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thuần: Một nỗi đau với những người làm nghệ thuật

Những ca sĩ trẻ rất cần có những sân chơi để phát huy khả năng. Trong ảnh: Ca sĩ trẻ Minh Tuấn.

Quy Nhơn hiện tại là thành phố loại II nhưng phải nói ngay là hoàn toàn không có một tụ điểm ca nhạc mang tính nghệ thuật. Đây là một nỗi đau với những người làm nghệ thuật như chúng tôi. Hiện nay, mới có một, hai tụ điểm được công chúng biết đến, nhưng vẫn chỉ mang tính chất cá nhân, nên không thể có sự đầu tư cho những chương trình bài bản, không có một ban nhạc đàng hoàng. Dẫu sao, với quán cafe tư nhân, đó đã là một điều rất đáng quý.  

Không có tụ điểm mang tính nghệ thuật nên thật dễ hiểu là tác phẩm của anh em nhạc sĩ khó tiếp cận công chúng. Giao tiếp với công chúng đã khó, làm sao có thể nâng chất lượng ca khúc đáp ứng tốt hơn niềm mong mỏi của công chúng nghệ thuật.

Một địa điểm rất quan trọng nhưng tiếc là vẫn chưa có nhiều hoạt động, ngay cả trong dịp hè, đó là Nhà Thiếu nhi thành phố. Ngay Nhà Văn hóa thành phố cũng chưa có những đóng góp tích cực vào đời sống âm nhạc Quy Nhơn. Điều này làm ta nhớ đến những Nhà Văn hóa công nhân, Nhà Văn hóa thành phố, Cung Thiếu nhi… ở thành phố Hồ Chí Minh mà cảm thấy rất buồn.

Có những việc chúng ta có thể làm ngay từ bây giờ: Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định có một sân khấu khá tốt, nếu tổ chức được những chương trình văn nghệ định kỳ, ban đầu có thể 1 tháng/lần, sau đó khi đã có phong trào có thể nâng dần lên tháng 2 lần hoặc tuần/lần thì sẽ có tác dụng rất lớn với đời sống âm nhạc thành phố.

* Ca sĩ Minh Tuấn: Mong có một Câu lạc bộ ca sĩ trẻ

Hiện nay, ở Quy Nhơn chưa có các sân khấu để ca sĩ thể hiện dòng nhạc truyền thống và những dòng nhạc khác. Bản thân tôi dù rất yêu thích dòng nhạc Tây Nguyên nhưng cũng chỉ có thể theo các đoàn đi biểu diễn phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa hoặc trong các chương trình do các trung tâm văn hóa tổ chức, chứ không có một sân khấu nào biểu diễn thường xuyên. Lâu lâu mới có một cuộc thi do tỉnh, thành phố tổ chức thì anh em ca sĩ không thể phát huy hết khả năng. Ca sĩ của mình ban ngày lo những công việc khác, thời gian tập luyện rất ít, nếu không muốn nói là không có, tối đến hát một vài bài ở các tụ điểm thì làm sao phát triển được. Mong muốn của tôi là Quy Nhơn có một Câu lạc bộ ca sĩ trẻ để hàng tuần anh em ca sĩ có dịp thể hiện những ca khúc mà mình yêu thích, vừa phục vụ khán giả, vừa trau dồi học hỏi để rút kinh nghiệm.

* Nhạc sĩ Châu Đức Khánh: Nên chú trọng phát hiện, đào tạo những giọng hát triển vọng

Đời sống âm nhạc ở Quy Nhơn hiện nay quả là quá bình lặng. Không so sánh với những thành phố lớn, ngay cả so với Quy Nhơn những năm sau giải phóng cũng đã thấy điều này. Nguyên nhân ư ? Theo tôi cái chính vẫn là thiếu sự đầu tư, trước hết là kinh phí, sau là địa điểm.

Một vấn đề quan trọng khác theo tôi là chúng ta phải chú trọng đến việc bồi dưỡng những giọng hát có triển vọng. Sau những hội thi như tiếng hát truyền hình, tiếng hát hoa phượng đỏ, chúng ta phát hiện ra những giọng ca có khả năng, điều quan trọng là chúng ta cần tiếp tục đầu tư đào tạo, nâng đỡ, chăm chút cho họ chứ không phải thi xong, trao giải rồi để đấy, không có đóng góp gì đáng kể cho phong trào chung. Hầu hết các giọng ca "thành danh" ở Quy Nhơn như Lê Thu, Kim Hiếu, Mai Hoa đều trưởng thành từ phong trào chứ chưa hề được qua bất cứ trường lớp nào. Mà như vậy thì rất thiệt thòi cho họ để tiếp tục phát triển, tiếp tục đi lên...

* Ca sĩ Anh Ánh: Nhiều người vẫn thích nghe nhạc theo kiểu "mì ăn liền"

Phong trào văn nghệ của thành phố Quy Nhơn còn yếu, thiếu các tụ điểm sân khấu cho những người yêu nhạc và thích hát. Vì vậy, để đời sống âm nhạc của thành phố trở nên phong phú và có sức sống hơn cần phải tạo nhiều sân chơi cho những người yêu nhạc, kéo theo sự hưởng ứng của công chúng. Hiện nay, rất nhiều người chưa biết nghe nhạc, trong đó phần lớn là giới trẻ. Họ chạy theo dòng nhạc trẻ với chất lượng ca khúc hầu hết theo kiểu "mì ăn liền". Hy vọng rằng, trong tương lai không xa người dân Quy Nhơn sẽ đến với những ca sĩ của mình nhiều hơn nữa.

. Khải Nhân - Lê Cường (thực hiện)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
9 ca sĩ hải ngoại không được biểu diễn vì chưa khai thuế  (15/06/2005)
"Giải đi sớm": Một bài thơ huyền thoại  (14/06/2005)
Vẫn là… "bài ca tỉnh lẻ"  (14/06/2005)
Hai phim Việt Nam tham dự Liên hoan phim Sydney  (13/06/2005)
Câu chuyện tình giữa Ấn Độ-Pakistan đoạt giải tại Bollywood Oscars  (13/06/2005)
Một cõi quê hương *  (13/06/2005)
Cuộc hội ngộ của Thanh Lam - Hồng Nhung - Mỹ Linh   (12/06/2005)
Quê ngoại   (10/06/2005)
Thơ: Từ Quốc Hoài, Mai Thìn   (10/06/2005)
Chuyện ông Tám Kèn   (10/06/2005)
Ống đựng chiếu chỉ thời Tây Sơn dùng trong quan hệ đối ngoại  (10/06/2005)
Phim mới: Thần Điêu Đại Hiệp  (09/06/2005)
Trần Hữu Pháp - nhạc sĩ mãi còn... trẻ thơ  (08/06/2005)
Phim mới trên VTV3: Thần y Hur Jun  (08/06/2005)
"Thời xa vắng" tranh giải tại LHP quốc tế Thượng Hải  (07/06/2005)