Từ tháng 4-2005, Đài truyền hình Việt Nam khởi động một chương trình ca nhạc mới phát sóng trực tiếp hàng tháng mang tên Bài hát Việt. Qua hai lần phát sóng, khán giả đã chớm thất vọng.
Mới nghe qua cứ tưởng nhà Đài sẽ làm một cuộc trình diễn những bài hát có giá trị được khẳng định bằng thời gian suốt trong bao năm để tôn vinh những giá trị đích thực của âm nhạc. Thông qua đó, góp phần định hướng lại nhu cầu thưởng thức cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ trong thời điểm ca khúc rẻ rúng và dễ nhớ, dễ quên như hiện nay. Thế nhưng, chương trình lại nhằm công bố, tôn vinh những tác phẩm âm nhạc Việt mới sáng tác.
Về kết cấu, Bài hát Việt có nét giống với Chợ nhạc hơn, nơi đã từng được một số ông bầu tổ chức một vài phiên ở Hà Nội. Tại Chợ nhạc, các nhạc sĩ có thể giới thiệu ca khúc mới của mình qua giọng hát của ca sĩ. Sau đó, nếu ca sĩ hoặc ông bầu ca nhạc nào thấy bài hát ấy hay, hợp với mình hoặc ca sĩ của mình thì ra giá. Ai trả tiền cao nhất thì bản quyền bài hát sẽ thuộc về người đó. Bài hát Việt có khác chăng là diễn ra trên sân khấu lớn, trước đông đảo khán giả và không có hiện tượng "tiền trao cháo múc" ngay tại sân khấu mà sẽ có những giải thưởng cho ca sĩ, nhạc sĩ, người hòa âm phối khí. Một điểm khác nữa là, chắc chắn Bài hát Việt không thể "chết" nhanh như Chợ nhạc. Tuy nhiên, về tính chất thì chúng lại rất giống nhau ở điểm là đưa các nhạc sĩ đến với ca sĩ - đưa người sáng tác đến với người biểu diễn; là con đường đưa ca khúc đến với công chúng. Ai dám chắc rằng, sau khi những bài hát được biểu diễn trên sân khấu Bài hát Việt lại không có những cú điện thoại của ca sĩ đề nghị nhạc sĩ bán bản quyền bài hát.
Trong tình trạng người sáng tác cứ sáng tác, ca sĩ thì chỉ quen tìm đến những nhạc sĩ thành danh thì chương trình này đã giúp cho nhiều bài hát của nhiều nhạc sĩ, nhất là những người sáng tác ca khúc trẻ không bị mốc meo trong ngăn kéo. Một thiện ý tốt của những người thực hiện chương trình. Song dường như tham vọng của họ quá lớn khi lấy tên là Bài hát Việt. Bởi, qua thực tế hơn 20 bài đã phát sóng thì khó có thể biết được rằng bài nào sẽ tồn tại với thời gian dù đã có hẳn những tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật và khán giả bình chọn. Cái mới, cái đặc biệt là ca khúc để có thể trở thành một giá trị thì phải được khẳng định bằng sức sống lâu bền của nó trong lòng công chúng và thời gian với những phong cách thể hiện khác nhau.
Tất nhiên, vì toàn là những tác phẩm mới nên không thể bài nào cũng hay và một kênh truyền hình thôi thì chưa đủ rộng để có thể phổ biến hết toàn bộ các tác phẩm âm nhạc mới nên chính người thực hiện và khán giả không thể định hình nổi "bức tranh toàn cảnh" nền âm nhạc nước ta. Chính vì vậy, lời giới thiệu rằng những bài hát xuất hiện trong Bài hát Việt là "nền âm nhạc đương đại" của Việt Nam" liệu có quá lời? Dù rằng, mỗi bài hát được xuất hiện trong chương trình đều đã qua sự thẩm định, tuyển chọn của một Hội đồng nghệ thuật gồm toàn các nhạc sĩ có tên tuổi cũng như những nhà báo hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc.
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương - bố của ca sĩ Mỹ Lệ khẳng định: Đây là một chương trình ca nhạc rất Việt Nam. Không sai. Ca sĩ Việt hát ca khúc Việt do nhạc sĩ Việt sáng tác trên sân khấu Đài truyền hình Việt Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam thì không là Việt Nam sao được. Nhưng thực sự không biết Hội đồng nghệ thuật lấy tiêu chuẩn nào để chọn bài hát đưa vào chương trình này? Nếu lấy kết quả bình chọn của tháng 4 giữa Mưa bay tháp cổ và Đừng làm nỗi đau thêm dài thì có thể thấy được cái độ hiểu khái niệm Bài hát Việt của Hội đồng nghệ thuật và khán giả chênh nhau quá. Nhiều khán giả sẽ hoang mang rằng một bài hát Việt "xịn" sẽ được hiểu như thế nào?
Như đã nói, mỗi năm có rất nhiều bài hát ra đời nên một chương trình âm nhạc không thể đánh giá hết thành tựu ấy, chứ chưa nói gì đến nhiều năm sau nữa. Tại sao không đổi thành một tên gọi khác như Ca khúc 2005, Ca khúc 2006 chẳng hạn.
Sẽ không ngạc nhiên nếu những lần phát sóng sau chương trình Bài hát Việt sẽ vẫn chỉ là tên của những người sáng tác mới, trẻ và chưa được (hoặc không được) yêu thích trên thị trường âm nhạc chiếm chủ đạo. Nhạc sĩ Trần Tiến có tác phẩm Mưa bay tháp cổ đã trả lời trên báo chí rằng, không thấy làm vui lòng vì thực sự chưa thấy hoàn toàn bằng lòng với tác phẩm của mình. Được biết, một số nhạc sĩ thành danh đã từ chối lời mời gửi tác phẩm mới sáng tác tham gia chương trình, có lẽ một phần lý do là những nguyên nhân trên.
. Theo ĐAKT |