Năm 1979, Thanh Thảo trút chiếc áo lính, từ Trại sáng tác Quân khu V, anh về Nghĩa Bình, sống ở Quy Nhơn mãi đến ngày chia tỉnh (1989). Anh đã có 10 năm gắn bó trong kham khổ với thành phố biển này. Trong 10 năm đó, Thanh Thảo đã kịp gửi vào kho tàng văn học Việt Nam ngót 10 tập thơ và trường ca. Nhiều tác phẩm đã thành đề tài bàn cãi, "thêm việc" cho không ít nhà phê bình. Những người yêu văn học sẽ vô cùng biết ơn Quy Nhơn, là bởi, thành phố biển này lại là nơi hẹn gặp của nhiều thế hệ các nhà thơ. Và cũng chính nơi đây, các nhà thơ đã để lại những tác phẩm bất tử của mình. Thanh Thảo là một trong những nhà thơ như thế.
Cách nhau một con đèo Bình Đê mà vời vợi nghìn trùng. Năm 1995, sau 6 năm chia tỉnh, Thanh Thảo có một lần trở lại Quy Nhơn. Mười năm sau, 2005, anh mới có dịp tái ngộ cùng những người bạn mến thương nơi thành phố biển này. Nhà báo Trần Đăng, cộng tác viên thân thiết của Báo Bình Định -người đã từng sống ở Quy Nhơn và cùng trở lại với Thanh Thảo trong chuyến đi này, vừa gửi cho chúng tôi cuộc trò chuyện với nhà thơ sau mười năm trở lại.
- Trần Đăng: Anh đưa cả nhà đi du lịch Quy Nhơn?
|
Nhà thơ Thanh Thảo tại Resort Hoàng Anh Quy Nhơn |
* Nhà thơ Thanh Thảo: Biết nói thế nào cho chuẩn đây nhỉ? Cơm nước (bia) thì bạn bè ở Quy Nhơn đãi, ở khách sạn thì UBND tỉnh Bình Định "bao". Còn "du lịch" thì chỉ được vài nơi: Bãi Dai, Bãi Dại, Bãi Dài gì đấy và Khu Kinh tế Nhơn Hội. Tôi cũng tranh thủ đi thăm một số ông bạn (cụ) - những "chiến hữu" một thời ở Quy Nhơn.
- Trần Đăng: Cả nhà ở cái Resort Hoàng Anh Quy Nhơn, mỗi đêm những 40-50 đô-la/phòng, anh có vẻ được tỉnh Bình Định ưu ái quá, chả bù với thời "mười năm tôi ở Quy Nhơn"?
* Nhà thơ Thanh Thảo: Thú thật là tôi vô cùng cảm động về nghĩa cử này. Xin nói rõ là "cảm động" không phải vì được ở cái khách sạn giá mỗi đêm nửa tấn thóc ấy đâu, mà ở chỗ: anh Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh và những người lãnh đạo Bình Định đã có một cái nhìn rất… Quy Nhơn, nếu hiểu Quy Nhơn là nơi hội tụ những con người, những tấm lòng.
- Trần Đăng: Gần hai mươi năm trước, lúc còn ở Quy Nhơn, anh có viết câu thơ này: "Tôi chào đất nước tôi. Buồn quá/ Đất nước cùng tôi lặng lẽ trên đường". Tôi hiểu rằng, "đất nước" cụ thể ở đây là Quy Nhơn. Bây giờ, sau những thăng trầm của nhập-tách, anh trở lại Quy Nhơn, chắc là không "lặng lẽ trên đường" nữa rồi. Anh có còn "buồn quá" nữa không?
* Nhà thơ Thanh Thảo: Tôi chỉ có buồn một chút là một số người bạn từng gắn bó máu thịt với mình ở Quy Nhơn, giờ không còn nữa để nhìn thấy một Quy Nhơn lột xác như hôm nay. Mấy hôm ở khách sạn, đêm nằm nghe sóng biển lúc thì ầm ào, khi lại thẽ thọt, chỉ cần với tay một cái là đã chạm được sự bao la rồi, tôi nhớ và thương vô cùng anh Xuân Diệu, một người con của Bình Định. Giá như nhà thơ Xuân Diệu còn sống đến hôm nay, được ở trong một khách sạn mà chỉ cần với tay một cái là đã chạm được đến cái huyền diệu của biển như thế này thì anh sẽ vô cùng thích thú, biết đâu chúng ta lại được đọc những bài thơ xuất thần về biển của ông cũng nên. Cái nghèo cái khổ của một thời ấy nó đè lên lưng tất thảy chúng ta, tất nhiên nó chẳng trừ nhà thơ lớn Xuân Diệu. Thời ấy, Bình Định có thương yêu anh Xuân Diệu đến mấy đi nữa thì cũng không có cái resort hoành tráng như thế này để mà đãi anh ấy.
- Trần Đăng: Quý nhau thì mới đãi nhau, nhưng tôi nghĩ, cách mời, cách đãi mới là quan trọng. Tôi muốn trở lại câu chuyện lúc nãy: Anh vào Quy Nhơn vừa là "đi chơi", nhưng cũng là "đi làm" nữa chớ? Ông Chủ tịch tỉnh có "nhờ" gì ở anh không?
* Nhà thơ Thanh Thảo: Mấy chục năm nay tôi không phân biệt một cách rạch ròi giữa "chơi" và "làm". Tôi có viết tặng anh Xuân Diệu bài thơ, trong đó có câu: "Anh coi trọng nhất khi làm việc/ Còn tôi coi trọng nhất khi chơi". Có anh nhà báo "phê bình" tôi rằng "Anh chỉ được cái giả vờ, mười mấy tập sách, hàng nghìn bài báo của anh thì là "chơi" đấy à?". Nghe cũng có lý. Trở lại với câu hỏi lúc nãy. Nhờ được gì ở cái anh nhà thơ như tôi? Còn viết báo thì chắc là phải viết, không phải "trả nợ" gì đâu, ai lại nghĩ thế, làm thế bao giờ, nhưng rõ ràng là Bình Định có quá nhiều điều để mà viết. Tôi mới "chào buổi sáng" về Dung Quất quê tôi, giờ cũng phải "chào" cái anh Nhơn Hội này. Buôn bán gì thì cũng có bạn có phường chứ! Các khu kinh tế của cả miền Trung mình mà "vùng lên" thì dân đỡ khổ, nhà thơ, nhà báo như tôi cũng hưởng xái theo.
Anh định hỏi tôi có nhận xét gì về sự đổi thay của Quy Nhơn, của Bình Định à? Tôi chẳng nói đâu. Đợi vài bữa nữa, tôi sẽ nói cái điều anh hỏi ấy lên … báo. Đợi nhé?
- Trần Đăng: Vâng, xin đợi. Cảm ơn anh đã có cuộc trò chuyện lan man này.
|