Đi mua sách, người đọc không chỉ xem tên tác giả, xem nhà xuất bản, mà còn xem luôn... cái bìa sách. Một bìa sách đẹp, trình bày mỹ thuật, bao giờ cũng dễ làm "mềm lòng" người đọc, khiến họ dễ "móc ví" hơn...
* Tìm "áo" đẹp cho sách
|
Bìa cuốn "Phố Tầu". |
Xuất hiện trong chiếc áo veston nhẹ bằng chất liệu vỏ chăn "con công" rất Tàu, "Phố Tầu" của Thuận, một nhà văn Việt kiều, gây ấn tượng với người đọc từ cái nhìn đầu tiên. Những cuốn sách trong bộ Văn mới, chủ yếu là các tác phẩm rất quen thuộc như Sống mòn, Số đỏ... nhưng nhiều khi vẫn khiến ta cầm lòng không đặng và bỏ tiền mua tiếp chỉ vì cái bìa được thiết kế quá đẹp. Hai ví dụ trên cho thấy, đã qua cái thời làm sách giấy má thế nào cũng được, bìa vẽ kiểu nào cũng xong. Đọc sách, người ta còn "chơi" cả những cái bìa.
Thật ra, số họa sĩ làm bìa sách có phong cách riêng trong nước hiện không nhiều. Nổi nhất trong số đó là Văn Sáng. Khả năng tư duy hiện đại, biết cảm nhận và triển khai một cách đa dạng các quan niệm của tác giả và của chính mình trong thiết kế mẫu bìa sách, họa sĩ này đã đoạt nhiều giải thưởng cho bìa sách đẹp và sách đẹp tại các cuộc thi do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức và hiện được đánh giá là một trong những họa sĩ thiết kế đồ họa sách hàng đầu ở Việt Nam. Những bìa sách của Văn Sáng thiên về những hình tượng mang tính biểu đạt cao, nghiêng về phong cách Á Đông. Trong khi đó, các họa sĩ như Nguyễn Việt Hải, Trần Đại Thắng... lại tạo cho mình một nét riêng khi bìa sách của họ tận dụng nhiều hình khối, mảng màu nên tạo được cảm giác hiện đại.
* Bình Định: chưa có người thiết kế chuyên nghiệp
Nhiều cuốn sách của các tác giả Bình Định gần đây có bìa khá ấn tượng, chủ yếu do họa sĩ trong tỉnh thực hiện. Trong đó, họa sĩ Lê Duy Khanh thường được anh em tin tưởng giao cho thiết kế khá nhiều bìa sách, trong đó, bìa các tập thơ Ngàn xưa (Nguyễn Thanh Mừng), Muối ngày qua (Trần Thị Huyền Trang), bìa tập biên khảo Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế (Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang)… phần nào tạo ấn tượng riêng. Các họa sĩ như Tuấn Sơn, Nguyễn Chơn Hiền cũng tham gia thiết kế bìa và cũng đã có những gặt hái ban đầu. Hẳn nhiên, do số lượng ấn phẩm của các tác giả trong tỉnh xuất bản hàng năm chưa nhiều, nên số họa sĩ làm bìa sách cũng chỉ đếm chưa đầy ngón tay, còn số làm bìa có tính chuyên nghiệp thì hầu như chưa có.
Với việc thiết kế bìa sách, việc tiếp cận với tác phẩm trước khi thể hiện là yêu cầu bắt buộc; chỉ có thế mới biết được một cách khái quát tính chất riêng biệt của tác phẩm đó được thể hiện ở nội dung tư tưởng là gì; trong không gian và thời gian nào. Qua đó, mới có thể tìm ra những ý tưởng biểu đạt chính xác nhất nội dung cuốn sách. Đây là thuận lợi cơ bản với họa sĩ Bình Định: người thiết kế bìa có thể tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với tác giả về ý tưởng thể hiện.
Muốn việc làm bìa sách trở nên chuyên nghiệp rất cần sự đào tạo bài bản ngay từ trong nhà trường, sự chăm chút của nhà xuất bản, sự đầu tư của các họa sĩ thiết kế. Bên cạnh đó, cũng cần sự quan tâm của chính tác giả, biết chăm chút hơn cho diện mạo tác phẩm trước khi "trình làng".
. Lê Viết Thọ |