Món ăn không chỉ là món ăn, mà còn chính là một phần tạo nên diện mạo văn hóa một vùng đất. Bởi vậy, đọc "Văn hóa ẩm thực Bình Định" của Hà Giao và Nguyễn Phúc Liêm ta có thể đúc rút thật nhiều điều về văn hóa địa phương, về tính cách người Bình Định.
Chẳng hạn: về lòng hiếu khách, lòng cá chẻm là một món ăn quý, nhưng thợ câu chẳng bao giờ đem ra để bán mà luôn để lại mời bạn bè cùng xơi, càng đông càng tốt. Hay về sự mộc mạc, chân tình, có món gié bò, mắm ruột hay mắm mòi ăn với cơm nguội, nhưng cũng thật sành ăn để khai thác hết mọi tiềm năng trong từng món ăn như món nem chợ huyện...
Các tác giả, hẳn là những người trong cuộc, nên không ít những trang viết khá thú vị, đưa người đọc tận hưởng không khí của những chuyến đi, như đi câu cá chẻm, lặn ngụp để bắt con cua làm món cua nướng, hay tận hưởng hương vị của một lần ăn cổ mắm... Cái sự đọc như vậy, càng trở nên thấm thía, thú vị, như ta đang được thực hưởng hương vị ngay trên đầu lưỡi.
Chỉ tiếc: dung lượng của những trang viết không đều. Có những khảo tả khá kỹ, nhưng cũng có những món ăn viết còn đơn giản. Và người đọc cũng cần nhiều hơn những đúc rút kỹ lưỡng về sự khác biệt của văn hóa ẩm thực Bình Định so với ẩm thực các vùng khác. Cũng món đó, nhưng người Bình Định chế biến thế này, người Bắc chế biến thế kia, để từ đó, ta có thể đọc được sâu hơn trong trầm tích văn hóa một vùng đất.
. Khải Nhân |