Ngành văn hóa thông tin tỉnh Bình Định đã có kế hoạch phục dựng một số công trình kiến trúc trong thành Hoàng Đế, kinh đô của vương triều Tây Sơn thời vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn.
|
Một góc khu Nội, thành Hoàng Đế (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Ngày 27-6, ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Định, cho biết dựa trên số liệu báo cáo của các nhà khảo cổ học và các nhà nghiên cứu lịch sử trong đợt khai quật đang được tiến hành và các tài liệu có liên quan, Sở sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học để lấy ý kiến từ các nhà nghiên cứu trước khi quyết định phục dựng thành.
Từ tháng 9-2004 đến nay, các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật khu vực Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế, làm xuất lộ một phần nền cung điện của vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Đình Phụng thuộc Viện Khảo cổ học, đây là công trình kiến trúc thời Tây Sơn duy nhất còn lại ở Việt Nam, có quy mô lớn hơn hẳn so với một số công trình liên quan đến kiến trúc cung đình được khai quật trước đây.
Kết quả khai quật thành Hoàng Đế đã giúp các nhà khảo cổ có được bộ sưu tập tương đối toàn diện về kiến trúc cung đình của các vương triều phong kiến Việt Nam. Công trình có niên đại trên 200 năm nhưng còn khá nguyên vẹn, có giá trị chân thực lịch sử rất cao.
Theo sử liệu, thành Hoàng Đế được vua Thái Đức Nguyễn Nhạc cho xây dựng từ năm 1776, trên nền kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Chăm Pa. Sau khi Nguyễn Ánh (Gia Long) lên ngôi năm 1802, những gì liên quan đến vương triều Tây Sơn đều bị xóa sổ, thành Hoàng Đế cũng bị san phẳng.
. Theo TTXVN |