Mới đây, chúng tôi nhận được lá thư của một khán giả tâm huyết với sân khấu truyền thống ở Hoài Ân (xin được giấu tên). Nhận thấy đây là một tấm lòng tâm huyết thực sự với sân khấu truyền thống (SKTT), nhất là với nghệ thuật Tuồng, nên chúng tôi xin trích đăng giới thiệu với bạn đọc.
|
Trích đoạn tuồng "Bùi Thị Xuân khởi binh" của học sinh Trường THCS Quang Trung - Quy Nhơn biểu diễn. |
Đọc qua báo Bình Định ngày 20-5 có đăng tải bài "Xem hát bội trên quê hương Đào Tấn", chúng tôi là những khán giả còn chút ít lưu luyến với truyền thống của vùng đất tổ Tuồng Đào Tấn nên có đôi điều tâm huyết với quý báo…
Sau một thời gian thăng trầm, sau khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII của BCH Trung ương Đảng, có sự quan tâm lãnh đạo của địa phương, các ngành chức năng và sự tự vươn lên của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, sân khấu truyền thống của quê hương phần nào đã trụ được trong cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, gần 1/3 thế kỷ đã trôi qua nhưng sân khấu và âm nhạc truyền thống nói chung, Tuồng nói riêng hình như vẫn dẫm chân. Giới trẻ đã quay lưng với SKTT vì những điều kiện khách quan, chủ quan khác nhau. Còn về thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng thì Tuồng bị o ép nhất, thậm chí có lúc Tuồng bị biến từ "vừng ra ngô", ít còn chất tuồng.
Mặc dù thời gian qua, Bình Định đã triển khai thực hiện dự án đưa Tuồng vào 3 trường trung học cơ sở đạt hiệu quả tốt; các em tiếp thu nhanh nhưng chưa được nhân rộng ra các trường khác. Có lẽ vì giữa ngành Văn hóa - thông tin và Giáo dục - Đào tạo chưa thống nhất chăng? Rồi các liên hoan hàng năm từ tỉnh đến cơ sở chưa thực sự gắn kết được Tuồng, Bài chòi vào nội dung mà chỉ hướng về ca múa nhạc, nên cũng không thể trách được giới trẻ xa rời nghệ thuật truyền thống. Vài năm một lần, tỉnh tổ chức liên hoan sân khấu truyền thống không chuyên để động viên và phát huy tình yêu nghề cho anh chị em diễn viên chứ chưa có biện pháp nào hơn để vực dậy, bảo tồn sân khấu truyền thống. Bên cạnh đó, khách quan mà nói, ngành sân khấu Tuồng trong thời đại ngày nay diễn viên cũng rất ít yêu nghề. Do vậy, chúng tôi không khỏi băn khoăn sẽ mai một kho vàng giá trị văn hóa cha ông để lại.
Có thú vui nào hơn khi mùa xuân với những đêm trăng thanh gió mát, tiếng trống chầu đó đây đổ liên hồi và khay thẻ tung lên khen thưởng cho các đào kép diễn chuẩn, hát hay.
(Một khán giả sân khấu truyền thống)
(*) Đầu đề bài viết do Tòa soạn đặt. |