Dăm bảy năm trở lại đây, kiến trúc Bình Định tuy đã có những nét khởi sắc nhưng vẫn còn thiếu nét riêng, chưa tạo được "cá tính" cụ thể. Từ số báo này, Báo Bình Định khởi đăng loạt bài đi vào những nét bất cập đó.
Kỳ I: Quy hoạch: Vấn đề hôm nay
Quy hoạch luôn là vấn đề hôm nay của mọi đô thị. Nhất là khi có sự mở rộng không gian đô thị, sự phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, quy hoạch được quan tâm hàng đầu. Vậy nhưng, quy hoạch đô thị Quy Nhơn và các đô thị nông thôn còn không ít bất cập ...
* Mới nhưng vẫn chắp vá
|
Khu dân cư đầm Đống Đa: những con đường được quy hoạch quá hẹp. |
Sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các trục giao thông liên huyện mới, đã kéo theo sự hình thành quy hoạch theo tuyến - cụm. Quy hoạch theo kiểu phân lô vẫn là điển hình, kéo theo là kiến trúc dạng nhà ống như một sự lặp lại kiến trúc nhà mặt phố của các thập niên trước đây.
Do thiếu sự quản lý chặt chẽ về không gian mặt tiền nên bộ mặt kiến trúc tuy có mới nhưng nhìn trên tổng thể thì vẫn chưa đẹp. Sự khập khiễng, khô khan, tính tư hữu manh mún bộc lộ trong sáng tác nhà ở là phổ biến. Ngoài ra, còn phải kể đến sự chen lấn, học mót, chắp vá của một bộ phận kỹ sư khác không phải là kiến trúc sư (KTS) tham gia thiết kế.
Không gian thị trấn huyện lỵ phát triển. Các đồ án quy hoạch điều chỉnh nhìn chung mới chỉ đáp ứng tốc độ xây dựng trước mắt mà thiếu đi tầm nhìn rộng của những ý tưởng phát triển theo vùng lãnh thổ cho các đô thị nông thôn. Sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng vẫn là một trở ngại lớn với sự phát triển của các đô thị nhỏ. Bởi vậy, các đô thị này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi sắc thái nông thôn.
Quy hoạch chi tiết thành phố Quy Nhơn, theo đánh giá của Hội KTS Bình Định về Đánh giá về kiến trúc Bình Định giai đoạn 2000-2005, vẫn còn mang tính rập khuôn, thực hiện theo mệnh lệnh. KTS thiếu chính kiến, kể cả lĩnh vực quản lý Nhà nước và chuyên môn, sáng tác. Nhiều khu quy hoạch chi tiết ồ ạt, e rằng sẽ tạo ra các "làng" nhà ở trong đô thị. Đáng nói nhất là do sự bức xúc cần phải nhanh chóng đáp ứng nhiệm vụ tái định cư cho một số dự án, kết hợp với sự bị động về giải pháp quy hoạch, đã tạo ra một số "trại tập trung" và những "làng" kiến trúc lộn xộn theo một số phố mới hình thành như khu dân cư xóm Tiêu và một số khu ở phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu. Rồi đây, nếu không cẩn thận thì sẽ tới khu Bắc sông Hà Thanh.
* Chưa tận dụng nét riêng của cảnh quan đô thị
Một trong những điểm làm cho diện mạo Quy Nhơn, có thể nổi bật được so với các đô thị tỉnh lị khác là cảnh quan kết hợp cả núi, đầm, sông, biển. Một đô thị duyên hải, với đầm Thị Nại nằm trong lòng thành phố là một nét độc đáo trong cảnh quan.
|
Một góc phố nằm trên đường Trường Chinh - Phạm Hùng. |
Những năm trước, cùng với khu quy hoạch dân cư đầm Đống Đa và tuyến giao thông mới như Nguyễn Tất Thành, An Dương Vương, Quy Nhơn đã sải được cả "đôi cánh" của mình để mang thêm một nét mới. Nay mai, khi đường Nguyễn Tất Thành đã thông tuyến, tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội hoàn thành, và trên bán đảo Phương Mai hình thành khu đô thị mới Nhơn Hội, Quy Nhơn lại mang thêm một diện mạo mới. Nhưng vấn đề là phải tận dụng cảnh quan đô thị như thế nào vào quy hoạch thành phố để tạo dựng được dáng nét riêng của đô thị. Quy hoạch chỉ dừng lại ở mức phân lô như hiện tại là không ổn. Chúng ta đang bỏ mất cảnh quan sông nước rất độc đáo của mảnh đất vốn là "nơi sông trở về" này. Lại thêm một khu chế biến hải sản nằm bên đầm Thị Nại - lá phổi xanh của thành phố - liệu có nên chăng?
Tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu tạo thêm cho Quy Nhơn một nét cảnh quan khá độc đáo. Khu đất đầu tuyến đường này phía Quy Nhơn, nằm lọt giữa một bên là đèo Quy Hòa, một bên là tuyến đường mới, sẽ đẹp nếu được quy hoạch tốt. Cách làm như hiện nay là manh mún, khu Bông Hồng cũng lại là nhà phân lô, lại thêm một số hộ dân đầu tư làm du lịch "cò con" dưới chân đèo, e rằng sẽ làm mất đi nét cảnh quan độc đáo nơi đây.
* Kết nối di sản
Nhắc đến Quy Nhơn, người ta còn nhắc đến tháp Đôi, đồi Ghềnh Ráng với mộ Hàn Mặc Tử. Chỉ tiếc là sự có mặt của những di tích văn hóa, danh thắng ấy trong bộ mặt đô thị còn quá khiêm nhường. Ngay đến những con đường đi vào trông cũng thật tội nghiệp. Ghềnh Ráng thì bị chia cắt với khung cảnh thành phố bằng dãy tường bao nằm dọc theo con dốc. Phía dưới, bên những nhà nghỉ chen chúc, một nhà hàng với kiến trúc nặng nề, đã làm mất đi chất thơ vốn có của ngọn đồi vốn được đặt cho cái tên khá mỹ miều: đồi Thi Nhân.
Bên cạnh đó, những công trình kiến trúc của đô thị Quy Nhơn thế kỷ XIX vốn đã ít ỏi lại đang mất dần cùng với sự phát triển đô thị và sự lãng quên của các cơ quan chức năng. Sự biến mất của chúng cũng đồng nghĩa với nguy cơ về sự mất đi của những dấu tích gắn với một thời đoạn của lịch sử Quy Nhơn.
Nếu những công trình, danh thắng ấy được phát huy, kết nối trong quy hoạch đô thị hiện tại, hẳn sẽ cấp cho Quy Nhơn một nét nữa trong dáng nét riêng của một đô thị mang một bề dày lịch sử.
(Còn nữa)
. Lê Viết Thọ |