* Văn nghệ trẻ: Xin chào anh Mai Thìn - người con của Bình Định! Anh Mai Thìn này, khác với hình dung của tôi lâu nay về người con của một mảnh đất thượng võ, có "con gái Bình Định bỏ roi đi quyền…", trông anh có vẻ thế nào nhỉ… nho nhã, hiền lành, ít nói và không biết… võ thì phải…
|
Mai Thìn (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
- Mai Thìn: Điều bạn nhận xét quả có đúng theo cách nhìn của nhiều người khi mới đầu tiếp xúc. Còn thực sự thì tôi có phần "quê", mà "quê" rặc xứ "nẫu". Dù đi nhiều, "tắm gội" cũng nhiều mà cái chất ấy vẫn không phai được. Còn võ thì như bạn biết đấy. Đến "con gái Bình Định" cũng biết "bỏ roi đi quyền" thì cỡ như tôi… sá gì! (cười).
* Thực ư? Té ra anh còn biết võ nữa! Anh Mai Thìn này, đọc cuốn Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành và các tập thơ của anh, đặc biệt là tập thơ Khúc Sơn Ca do NXB Hội nhà văn vừa mới ấn hành, thấy trong ấy in đậm dấu ấn của làng quê Bình Định. Liệu gọi anh là nhà thơ của thôn quê có đúng không nhỉ?
- Sau một hành trình dài song hành cùng thơ ca, và như trên đã nói "tắm gội" với đủ loại "xà phòng…" tôi may mắn vẫn giữ được cái chất của nông quê. Sở dĩ tôi phải dùng chữ "may mắn" là vì bây giờ có nhiều cám dỗ quá, mà con người ta bây giờ lại dễ bị cám dỗ nữa, nhất là giới trẻ như chúng ta. Ai cũng muốn mau chóng làm giàu, chóng nổi tiếng và làm đủ mọi cách để đạt được điều ấy. Và cả trong sáng tác nữa. Quả thật ai (có cả tôi nữa) cũng muốn mình mau chóng thành công, mau chóng nổi tiếng nhưng cái sự thành công ở lĩnh vực này thì lại quá "phi vật thể", và cũng chỉ là một thứ ảo tưởng dễ làm con người ta chết chìm trong ấy.
* Và anh thì đối phó thế nào với vực xoáy ảo tưởng ấy?
- Nhờ trời tôi được sinh ra và trải một tuổi thơ dài quăng quật bên dòng Quai Vạc - một nhánh của con sông Kôn mang đậm chất đặc trưng của miền Trung, Bình Định, nên tôi "bơi" cũng được. Nhưng quả thật đôi lúc cũng có bị "ngút hơi" trong cuộc đời này. Và những lúc như thế, tôi lại trở về với làng quê, dù có khi chỉ là trong tâm tưởng để trèo lên ngọn núi Mò O ngắm nhìn ngọn tháp Cánh Tiên (quà tặng của Hoàng đế Chế Mân dành cho Công chúa Huyền Trân), hoặc những ngọn tháp mang những cái tên đặc sệt Bình Định, như Tháp Mẫm, tháp Bánh Ít, tháp Phú Lốc, tháp Học Trò, tháp Con Gái, tháp Dương Long… và những cánh đồng, những dòng sông, những ngôi nhà lá mái, hay những di tích của Thành Đồ Bàn, của Quang Trung - Nguyễn Huệ để lấy lại hơi cho chặng đường tiếp.
* Anh đã có một tuổi thơ êm đềm? Một tuổi thơ nhọc nhằn trên những cánh đồng khô hạn? Hay một tuổi thơ đầy ắp những câu chuyện cổ tích...
- Cách đây hơn mười năm trong một bài thơ, tôi có viết: "Quê hương tôi thôn nghèo đào cong lưỡi cuốc đá với người chung giọt mồ hôi. Nơi ấy mẹ tôi đã sinh ra. Sự diệu kỳ từ ấy đã sinh ra". Và bây giờ tôi vẫn thấy, trên quê hương ấy còn có "… một chút nắng miền Trung đất nung đầy sỏi tiếng gọi tình của con voi đá lạc bầy đã mấy trăm năm…".
Mẹ tôi kể lại, khi tôi chào đời được hai ngày thì bà phải gánh đi chạy giặc. Đường dài nắng gió, đêm nằm ở chái nhà người tôi đã đuối sức không bú được. Mẹ tôi khóc vì lo lắng, còn cha thì lụi cụi chuẩn bị cuốc xẻng để sáng ra mang về quê chôn. Thế là đến canh tư, sợ quá tôi khóc oe lên mấy tiếng rồi bú… tới bây giờ. Rồi khi lên 5 lên 8 tuổi, tôi phải theo suốt đàn bò gần cả chục con lặn lội khắp hang cùng hóc hẻm của quê hương, làm bạn với bom mìn, súng đạn vương vãi trên khắp các cánh đồng. Cho đến khi lên 10, cũng là lúc quê hương được giải phóng thì mấy "người bạn" ấy đã " mượn" của tôi… một phần thân thể rồi xí gạt luôn tới bây giờ (cười ).
* Và những ký ức của tuổi thơ với quê hương đã trở thành hành trang, lưng vốn cho thơ anh. Anh có sợ liệu đến một lúc nào đó nó sẽ cạn kiệt?
- Bất cứ thứ gì cũng có thể vơi cạn, nếu chúng ta cứ thỏa sức phung phí mà không biết đắp bồi. Hành trang của tôi vào đời là một tủ sách lớn cóp nhặt từ thuở lên mười mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ, dù thất lạc cũng nhiều, cộng với nó là những năm tháng quăng quật mà không thiếu phần hồn nhiên, lãng mạn của tuổi thiếu niên.
* Với anh, thơ có ý nghĩa như thế nào?
- Bây giờ nhiều người cho rằng thơ như một món hàng xa xỉ trong đời sống xã hội. Người ta có thể sống không có thơ, nhưng không thể sống mà thiếu gạo, thiếu nước, thiếu điện, thiếu tiền. Còn đối với riêng tôi thì thơ là cái thứ mà tôi lỡ đam mê, đam mê đến không cách gì gỡ ra được. Có khi bận rộn với bài vở, sự vụ, cảm xúc tê cứng, gần cả năm trời không đụng bút, tưởng là đã thoát rồi, nhưng bỗng dưng lại rạo rực, bồi hồi, rồi trăn trở suy tư, thế là lại viết, lại in, rồi cứ đắm đuối, mê say…
* Thơ cũng như văn học nói chung - cần những khái quát để có một chiều sâu nhất định. Tuy nhiên, có những lúc tôi nghe bạn đọc phàn nàn rằng: Một số tác giả dường như sợ người đọc đánh giá về trình độ học vấn hay sao mà rất thích nhét triết học vào tác phẩm của mình. Còn anh, anh nghĩ thế nào về thể loại thơ triết học?
- Điều hiển nhiên là thơ hay phải có tính khái quát cao, nhưng không hẳn cứ phải cố nhét triết học vào trong thơ mới chứng tỏ được chiều sâu của tác phẩm. Ngày nay để tìm một lối đi mới trong thơ ca, có nhiều cây bút hoặc cố đào sâu vào chuyện tinh lọc ngôn từ, đi sâu phân tích những bản năng tâm lý con người, hoặc khám phá các lĩnh vực khoa học khác, như tâm linh, triết học chẳng hạn.
Đây là nhu cầu nội tại của thi ca một khi nó đã đủ viên mãn và muốn phân hóa. Song điều đáng lo ngại là quá trình phân hóa ấy có mang lại sự phát triển cho thơ hay là trở thành phân hủy. Theo tôi, cái quan trọng nhất của một bài thơ là cái tình và cái tầm của tư tưởng mà nó mang đến cho người đọc. Gì thì gì chứ anh thiếu hai cái đó thì chưa thể gọi là thơ hay được. Có một chút triết học thì tầm tư tưởng ấy sẽ được nâng cao thêm, bài thơ ấy có thể sẽ có sức khái quát hơn, nhưng nhiều quá thì không còn là thơ nữa, nó sẽ giết mất cái tình và khô như miếng ngói, hoặc dễ tạo cảm giác khoe chữ, khoe kiến thức.
* Lâu nay khi nói đến Văn hóa văn nghệ, chúng ta hay nhắc đến cụm từ "Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc". Việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc liệu có gì mâu thuẫn với xu hướng muốn đổi mới cách tân trong thơ của nhiều cây bút trẻ hiện nay không, theo anh?
- Tôi nghĩ, hai động lực này không có gì mâu thuẫn nhau mà sẽ hỗ trợ cho nhau. Trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước, để hòa nhập với thế giới, chúng ta phải có nhiều đổi mới, cách tân, đặc biệt là ở lĩnh vực văn hóa (trong đó có thơ ca), nhưng phải trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu đổi mới, cách tân mà không đứng trên cái nền tảng của dân tộc thì chắc chắn bị hòa tan.
Hiện nay, nhiều cây bút trẻ có xu hướng đổi mới, cách tân. Đây là một việc làm cần thiết, bởi cái tối kỵ của người làm sáng tạo là dẫm lên lối đi của người khác, song tôi nghĩ: anh có cách tân gì thì gì, trước tiên anh cũng phải khẳng định mình là người Việt Nam cái đã. Mà người Việt Nam thì phải có dòng máu Việt Nam, tư tưởng Việt Nam, tâm linh Việt Nam và hành động Việt Nam, kể cả yêu, ghét cũng phải cho ra Việt Nam, mà tất cả những cái đó đều là bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu thơ anh không có cái chất đó thì nó trở thành thơ phiên dịch từ một thứ ngôn ngữ khác.
. Trích từ Văn nghệ trẻ |