Với kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, nhiều công trình được đầu tư xây dựng với tốc độ ngày càng nhiều. Nhưng quy hoạch chi tiết đã không tốt, lại thêm kiến trúc công trình chưa được chăm chút, tất yếu công trình kiến trúc chưa thể phát huy hết sắc thái kiến trúc của mình...
* Công sở: khô khan và lạnh lùng
Ở Bình Định, công sở vẫn là những công trình chiếm lĩnh những vị trí chính các trục phố đô thị. Trên thực tế, thời gian qua nhà dân tuy xây dựng với số lượng nhiều nhưng do quy mô đầu tư nhỏ, nên vẫn chưa thể tạo ra "nhịp" chính trong sắc thái đô thị. Do vậy, công sở vẫn là những công trình có thể gây ấn tượng về quy mô đầu tư, có tầm quan trọng trong việc tạo nên sắc thái đô thị. Tỉ lệ kiến trúc cũng như sử dụng màu sắc, vật liệu mới ở các công sở bước đầu đã tạo được dấu ấn.
Tuy vậy, sự khô khan giả tạo và nghèo nàn trong hình thức, việc lạm dụng chi tiết sử dụng lặp đi lặp lại vẫn còn ở một số công trình, nhất là công sở tuyến huyện, xã, phường. Đây là một sự lãng phí vì vốn đầu tư được rót nhiều vào những công trình mà chúng lại nhanh chóng trở nên lạc hậu. Lại có trường hợp, có kiến trúc riêng biệt thì đẹp, nhưng lại do thiếu sự tổ hợp không gian quy hoạch chi tiết, dẫn đến cả cụm kiến trúc các cơ quan công quyền lại thiếu hồn, tĩnh mịch.
Một trong nhiều nguyên nhân làm công sở chưa tạo được điểm nhấn trong không gian đô thị là việc xây dựng công trình khá manh mún. Thay vì những liên cơ quy mô để có những công trình lớn thì mỗi trụ sở lại "chiếm" một mảnh đất. Kết quả là tỷ lệ chiếm đất trên diện tích quá lớn, công trình không có diện tích phụ trợ cần thiết để tạo dáng bên ngoài. Đó là chưa kể, trụ sở các UBND xã, phường, thị trấn, cái nào cũng nhang nhác cái nào, cái nào cũng cùng một kiểu, bất kể miền xuôi hay miền ngược, nông thôn hay thành thị.
* Kiến trúc thương mại - công nghiệp: chưa nổi bật
|
Trung tâm Thương mại Quy Nhơn |
Kiến trúc các công trình thương mại nổi bật là hệ thống khách sạn, nhà hàng, siêu thị ở Quy Nhơn, đã có dấu ấn nhưng chủ yếu là dấu ấn về quy mô đầu tư, còn về kiến trúc ngoại cảnh thì vẫn chưa đạt tới đẳng cấp mà vị trí dành cho nó cần phải thể hiện. Trung tâm Thương mại Quy Nhơn ở khu Sân bay có phần mang dáng dấp một đại siêu thị theo mô hình mang từ thành phố Hồ Chí Minh ra, mặt ngoài thiết kế đơn điệu, nên dù ở vị trí rất quan trọng nhưng hầu như chưa có đóng góp gì lớn cho diện mạo kiến trúc.
Một số công trình chưa có không gian riêng biệt sẽ dẫn đến "tranh chấp" về không gian. Chẳng hạn: cụm công trình Nhà khách Binh đoàn 15 và Khách sạn COSEVCO; cụm các công trình giao dịch kinh tế ở khu Sân bay như Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng... Những công trình như được dồn đứng bên cạnh nhau trong một chiều không gian nên không tránh khỏi cảm giác xộc xệch.
* Nhà dân và nguy cơ của bệnh hình thức
Người dân đã chăm chút hơn cho những ngôi nhà của mình. Không ít nhà dân hiện đã mạnh dạn thuê KTS thiết kế, bước đầu đã tạo một nét khác so với các công trình cửa sắt lan can bụng trước đây. Có công trình hiện đang xây dựng, chỉ riêng chi phí thiết kế đã mất hàng chục triệu đồng - một con số quả không nhỏ so với mức thu nhập ở Bình Định.
|
Nhà dân trên đường An Dương Vương - TP Quy Nhơn |
Tuy vậy, với nhà dân đô thị, chất lượng thẩm mỹ ở từng công trình lại đang thật sự có vấn đề. Căn bệnh nghiệp dư và thẩm mỹ thấp kém là hiện tượng đáng lo ngại nhất. Tuy chưa ồ ạt thành "dịch" như ở một số đô thị phía Bắc, nhưng những biểu hiện của chủ nghĩa hình thức trong các công trình nhà dân tự xây đang ngày càng lộ rõ. Có những công trình lắp ghép những chi tiết trang trí nhại châu Âu, tạo cảm giác cầu kỳ, rối rắm. Rồi xu hướng sơn mặt tiền hiện nay đang tràn lan, khiến ta nhớ lại các xu hướng đá rửa rồi ốp gạch tràn lan trước đây. Nhiều nhà dân sơn màu sắc sặc sỡ, không phù hợp với thời tiết nắng nóng miền Trung, lại tạo cảm giác xộc xệch cho cả tuyến phố.
Tính thành thị của kiến trúc đang có vấn đề trong khi kiến trúc nông thôn lại trở thành hình ảnh khuếch tán ấu trĩ của kiến trúc thành thị. Phải công nhận một điều rằng gần đây công trình kiến trúc nông thôn khá phát triển. Xóm làng thay da đổi thịt, nếp nhà cổ truyền được thay bằng kiểu nhà ống ở đô thị. Các kiểu nhà của đồng bào dân tộc cũng đang thay thế bằng kiểu nhà miền xuôi. Kiến trúc nông thôn biến đổi nhanh nhưng lại hoàn toàn nằm ngoài tầm với và sự chú ý của giới kiến trúc. Chưa ai quan tâm nghiên cứu, hướng dẫn các công trình này. Đây mới chính là một thất bại lớn của đội ngũ KTS.
. Lê Viết Thọ
|