Những bức ảnh đi cùng năm tháng
15:11', 11/7/ 2005 (GMT+7)

Năm 2005, nghệ sĩ nhiếp ảnh Tào Hòa bước vào tuổi 75. Mãi đến năm 75 tuổi ông mới quyết định tổ chức một cuộc triển lãm ảnh cá nhân cho riêng mình với chủ đề: "Những nẻo đường đã đi qua". Dường như cả cuộc đời từng cầm bút, từng khoác áo lính và cầm máy, chưa bao giờ tôi cảm thấy ông vội vã. Dẫu rằng trong hành trình hơn 30 năm theo nghiệp ảnh nghệ thuật, ông là người đi nhiều nhất, thậm chí ông cũng đã có cuộc hành trình tới 10 nước trên thế giới để tìm cái đẹp.

     Băng rừng (ảnh: Tào Hòa)

Tôi quen ông rất lâu, dễ chừng đã gần 10 năm. Mái tóc bạc, trán cao, giọng nói rổn rảng, ông luôn kể về những bức ảnh nghệ thuật của mình. Với ông, dẫu chỉ là một bức ảnh nhỏ của ông được đăng trên một tạp chí nào đó đã là niềm vui. Triết lý đơn giản của nhà nhiếp ảnh như thế này: "Đợi các cuộc triển lãm thì ảnh của mình không kịp đến tay người xem. Ảnh đẹp thì phải có cơ hội cho nhiều người được thưởng thức". Ông gởi ảnh đến các tạp chí không phải để nhận nhuận bút, mà là nhu cầu được giới thiệu.

Căn nhà của ông trên đường Hát Giang, Nha Trang chỉ có hai vợ chồng già. Năm nay cũng là năm ông kỷ niệm lễ cưới kim cương với người bạn đời chia vui sẻ buồn với ông trọn 50 năm. 50 năm ấy, đi đâu ông cũng "có đôi có cặp". Những bức ảnh của ông trong đó có phần động viên của người vợ theo ông 50 năm trong cuộc đời. Ông quý và trân trọng những đứa con nghệ thuật của mình, nên ở tầng hai của nhà mình, ông dành cho chúng một cõi riêng.

   Nha Trang (ảnh: Tào Hòa)

Tào Hòa là một người lính. Trong những năm chiến tranh cứu nước và giữ nước, ông là một phóng viên chiến trường của Chương trình phát thanh Quân đội, Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ những ngày ở chiến trường, ông đã mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Cho đến 1978, khi xuất ngũ, ông bắt đầu theo con đường nhiếp ảnh nghệ thuật. Từ năm 1981, ông vào Nha Trang sinh sống, trở thành một nhà nhiếp ảnh của thành phố biển Nha Trang, là Hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN. Ông đã đoạt khá nhiều giải thưởng, và dẫu tuổi đời đã lớn, ông vẫn đi, vẫn sáng tác.

Lần đầu tiên ghé nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Tào Hòa chơi, tôi cảm thấy như mình bị hút vào mảng ảnh chân dung của ông. Những gương mặt người tình cờ ông gặp trên phố, trên đường. Ông ghi lại đơn giản, nhưng những bức chân dung đó đã trở thành vĩnh cửu. Bức chân dung ông thích nhất là NSƯT Trần Thị Tuyết, còn tôi thì thích những chân dung thiếu nữ. Dĩ nhiên mảng ảnh chân dung chỉ là một phần trong gia tài của nghệ sĩ. Nhờ đi nhiều, đi khắp, cho nên mảng ảnh phong cảnh cũng là thế mạnh của ông. Mảng ảnh thời sự lại đậm tính chất của một người lính làm báo.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tào Hòa

75 bức ảnh là một phần nhỏ bé trong bao nhiêu năm sáng tác của nghệ sĩ nhiếp ảnh Tào Hòa. Những bức ảnh đi cùng năm tháng ấy không kể được cho người xem chuyện vào những ngày Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, người chiến sĩ Tào Hòa đã khắc họa hình ảnh người nữ dân quân Hòa Lộc hay lão du kích Hoàng Trường. Cũng sẽ không biết được rằng ông đã chen cùng Paris trong đêm với bao nhiêu đồ nghề để có được bức ảnh Tháp Effel và dòng sông Sein hay đêm cuối cùng ở Rome, ông đã tranh thủ giây phút cuối cùng để ghi lại hình ảnh Tòa thánh Vatican. Và nữa, những chuyến đi Tây Bắc để chụp được hoa ban, lên tận Điện Biên Phủ tìm cho được chứng tích xưa hay ngược lên Đắc Lắc, KonTum và tận cùng Cà Mau sông nước.

Ai đó nói, hạnh phúc nhất của cuộc đời là được đi và nhìn thấy hết vẻ đẹp của đất nước mình. Với ông Tào Hòa, hạnh phúc của ông còn nhân lên gấp bội vì trên những bước chân đi khắp cùng tổ quốc, khắp mọi nơi trên đất nước - ông đã giữ lại khoảnh khắc ấy cho riêng mình qua những tấm ảnh nghệ thuật. Ông nói: "Với tôi, chụp ảnh là đam mê cho chính mình. Còn những bức ảnh đó có làm cho thêm một người cùng rung cảm thì hạnh phúc lắm rồi." Vâng, vì điều đơn giản đó mà ông hạnh phúc.

. Khuê Việt Trường

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Văn Cao - nghệ sĩ của tương lai  (10/07/2005)
Rước họa vào thân  (08/07/2005)
Kỳ II: Công trình: Chất chưa theo kịp lượng  (08/07/2005)
Thơ Khổng Vĩnh Nguyên, Lê Ân  (08/07/2005)
Phim "Chiếc áo trân châu" với luật nhân-quả  (08/07/2005)
Mai Thìn: Tôi lỡ đam mê thơ không cách gì gỡ ra được  (06/07/2005)
Một cách tiếp nhận đoạn trích "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng  (05/07/2005)
Kiến trúc Bình Định: Khuôn mặt không chân dung  (05/07/2005)
Nên bảo vệ ngay các di tích vừa được khai quật  (04/07/2005)
Live 8 nối liền thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo  (03/07/2005)
Lộ dần bóng dáng Cấm thành  (01/07/2005)
Chuyện về một con sâu xanh  (01/07/2005)
Thơ Xuân Mai  (30/06/2005)
Mấy ý kiến tâm huyết với sân khấu truyền thống  (30/06/2005)
Kỹ thuật chưa phải là cứu cánh  (30/06/2005)