Về hai chữ Tường Đông trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều
14:12', 12/7/ 2005 (GMT+7)

Truyện Kiều - tập đại thành của dân tộc Việt Nam, là một trong những tác phẩm văn học được giảng dạy nhiều nhất trong nhà trường hiện nay. Đặc biệt, trong chương trình Ngữ văn ở bậc THCS, các đoạn trích trong Truyện Kiều được giới thiệu khá cặn kẽ, chi tiết. Tuy nhiên, đây đó trong một vài đoạn trích, một số ngữ liệu Hán Nôm vẫn chưa được chú ý một cách thỏa đáng. Trong bài viết này, tôi xin mạn phép bình giải về hai chữ "Tường đông" trong đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" (SGK Văn học lớp 9 - Tập 1, Đỗ Bình Trị chủ biên, NXB Giáo dục 2002, trang 77-79).

Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" là một bức tranh bằng thơ, Nguyễn Du đã khắc họa một cách sinh động và chân thực những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách, ngoại hình và tài năng của hai nhân vật Thúy Kiều và Thúy Vân. Thông qua các ngữ liệu Hán Nôm, tác giả thể hiện quan điểm nhân sinh của mình về người phụ nữ trong xã hội cũ mà cụ thể là nhân vật Thúy Kiều. Có lẽ sẽ khiếm khuyết nếu chúng ta không đề cập đến ngữ liệu "Tường đông", đây cũng là một ngữ liệu góp phần quan trọng giúp học sinh có thể nhận thức rõ hơn về tính cách của chị em Thúy Kiều.

Các nhà nghiên cứu khi đề cập đến ngữ liệu này đều cho rằng "Tường đông" có nguồn gốc từ sách Mạnh Tử: "Du đông gia tường nhi lâu kì xử tử" (Trèo tường nhà hàng xóm phía đông mà dỗ con gái nhà người ta) (1) hoặc từ bài phú của Tống Ngọc dâng cho vua Sở:

"Thiên hạ chi giai nhân, mạc nhược Sở quốc

Sở quốc chi lệ giả, mạc nhược thần lý

Thần lý chi mỹ giả, mạc nhược thần đông gia chi tử…"

(Người đẹp trong thiên hạ không đâu bằng nước Sở

Người đẹp trong nước Sở không đâu bằng ở làng của hạ thần

Người đẹp trong làng không ai đẹp bằng cô gái láng giềng ở phía đông nhà hạ thần..)(2).

Theo chúng tôi, "Tường đông" có thể là một tín hiệu thẩm mỹ đặc biệt giúp cho người đọc phần nào cảm nhận được tính cách của nhân vật. Trong văn hóa cổ truyền phương đông, hướng đông là nơi ấm áp, vạn vật sinh trưởng nên nó "chủ về sinh" (3) thuộc dương và đông luôn dùng để chỉ nam giới, do đó trong văn học cổ, người ta thường dùng Đông cung để chỉ cho Thái tử điện hạ, Đông sàng dùng để chỉ cho chàng rể quý…

Ở đầu tác phẩm, Nguyễn Du giới thiệu Thúy Kiều là một cô gái "sắc sảo" "mặn mà", đoan trang hiền thục. Tuy đã đến tuổi cập kê nhưng nàng vẫn chưa có ý trung nhân nên mặc để "Tường đông ong bướm đi về mặc ai". Như vậy, từ "Tường đông" nên hiểu thế nào cho phù hợp với câu thơ ? "Tường đông" có thể là thực chỉ, đó là bức tường ở phía đông. Song, nếu dừng lại ở đây thì dụng ý nhấn mạnh của tác giả vẫn chưa thật sự rõ ràng, khúc chiết. Cho nên, "Tường đông" có thể còn mang "ý nghĩa hư chỉ để nói về chỗ ở của nam giới" (4). Bởi lẽ, Kiều là thục nữ khuê môn, những chuyện bỡn cợt ong bướm đều bỏ ngoài tai, chẳng chút động lòng nên tác giả đã hạ bút:

 "… Êm đềm trướng rủ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai….".

Hoặc ở một đoạn trích khác, Nguyễn Du lại sử dụng ngữ liệu này để chỉ đích danh Kim Trọng :

 " … Song hồ nửa khép cánh mây

Tường đông ghé mắt, ngày ngày hằng mong…"

Cùng với các từ láy như xấp xỉ, êm đềm… ngữ liệu "Tường đông" cũng góp phần tạo nên âm hưởng nhẹ nhàng, có chiều sâu khi khắc họa tính cách và có tác dụng tô đậm vẻ đẹp tú lệ, đương tuổi thanh xuân của thiếu nữ họ Vương, hơn nữa tín hiệu thẩm mỹ này vừa làm cho câu thơ hấp dẫn, vừa chuẩn thi pháp lại đậm nét tượng trưng tạo nên một vùng thẩm mỹ cho ngữ cảnh đang miêu tả.                              

. Hải Hậu

(Khoa Ngữ văn, ĐH Quy Nhơn)

——————

(1), (2) Trương Xuân Tiếu, Bình giải 10 đoạn trích trong Truyện Kiều, NXB GD 2001.

(3), (4) Dương Lâm, Hán ngữ từ hội dữ Hoa Hạ văn hóa, NXB Ngữ văn, Bắc Kinh 1996 (bản Trung văn).

 

Chị em Thúy Kiều

(Trích Truyện Kiều)

Đầu lòng hai ả tố nga

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười.

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn:

Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương, làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên "bạc mệnh" lại càng não nhân.

Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

----------

(Nguyễn Du - Truyện Kiều, trong Đào Duy Anh: Từ điển "Truyện Kiều", NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ III: Kiến trúc sư đang ở đâu ?  (12/07/2005)
Những bức ảnh đi cùng năm tháng  (11/07/2005)
Văn Cao - nghệ sĩ của tương lai  (10/07/2005)
Rước họa vào thân  (08/07/2005)
Kỳ II: Công trình: Chất chưa theo kịp lượng  (08/07/2005)
Thơ Khổng Vĩnh Nguyên, Lê Ân  (08/07/2005)
Phim "Chiếc áo trân châu" với luật nhân-quả  (08/07/2005)
Mai Thìn: Tôi lỡ đam mê thơ không cách gì gỡ ra được  (06/07/2005)
Một cách tiếp nhận đoạn trích "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng  (05/07/2005)
Kiến trúc Bình Định: Khuôn mặt không chân dung  (05/07/2005)
Nên bảo vệ ngay các di tích vừa được khai quật  (04/07/2005)
Live 8 nối liền thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo  (03/07/2005)
Lộ dần bóng dáng Cấm thành  (01/07/2005)
Chuyện về một con sâu xanh  (01/07/2005)
Thơ Xuân Mai  (30/06/2005)