Trong Tầm nhìn 2010 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam có mục tiêu quan trọng là phong tặng những nghệ nhân dân gian và sưu tầm văn nghệ dân gian - những "báu vật nhân văn sống". Theo đó, câu hỏi đặt ra cho Bình Định là những "báu vật nhân văn sống" này đang ở đâu?
* "Vàng mười" của dân gian
|
Hô bài chòi là một thú chơi đầu xuân ở Nam Trung bộ (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Bình Định tự hào là đất võ, đất của nghệ thuật hát bội, ca kịch bài chòi và những làn điệu dân ca Nam Trung Bộ. Trên mảnh đất từng là chốn phiên trấn, nơi kinh kỳ, thảo dã, trầm tích văn hóa đã tụ lại thành kho tàng văn hóa dân gian khá phong phú mà người lưu giữ chính là những nghệ nhân dân gian.
Những "báu vật nhân văn" như vậy, có thể là vốn liếng tích tụ một đời của một lão võ sư trong những bí kíp, những bài thảo, đường quyền, bài roi. Cũng có khi, là những nghệ nhân dân gian mà vốn liếng lưu giữ là một vài câu hát, một vài làn điệu. Tất thảy đều mang một phần hồn của văn hóa dân gian mảnh đất này, đều đáng trân quý...
Bà Lý Ngọc Mai (hiện ở phường Đống Đa - Quy Nhơn) đã có hơn 40 năm lăn lộn với hát bội, bài chòi truyền thống. Kỷ niệm về thời thơ nhỏ, với bà, là hình ảnh người cha (cụ Lý Chấn), với chiếc khăn vắt vai, hô bài chòi. 14 tuổi, bà đã đứng chân trên sân khấu hát bội. Rồi một lần, được nghe lại câu bài chòi trên, những làn điệu tự tuổi thơ, tưởng đã ngủ quên, bỗng bừng thức dậy. Với điệu bài chòi, nghệ sĩ linh cảm sâu xa rằng: đây mới là niềm hạnh phúc và an ủi sau cùng của một đời làm nghề. Và Mai hát bội đâm ra mê say học bài chòi từ bạn diễn, thậm chí bỏ ngang cả việc làm bầu đoàn hát bội Lê Hồng Phong (thành phố Quy Nhơn), và chuyển hẳn sang bài chòi.
Ký ức của bà "Mai hát bội", dường như vẫn chưa phai nhòa kỷ niệm về những ngày tháng lăn lộn trên sàn diễn. Lang thang theo những đoàn bài chòi nghiệp dư, đi diễn khắp các huyện trong tỉnh, ra các tỉnh lân cận. "Đến địa phương nào cũng phải xin từng ít một để có tiền diễn. Có ngày cả đoàn chỉ được vài chục ngàn đồng, diễn viên được 7.000-8.000 đồng/người. Những hôm trời mưa, không diễn được, đoàn không có cả tiền thuê xe về. Có năm, 23 tháng Chạp mới mò mặt về đến nhà, còn mỗi bộ đồ đang mặc trên người. Đấy! Cái nghiệp này nó gắn với mình như thế, hỏi làm sao mà bỏ đứt ngang được"- nghệ nhân nói.
Mé trên chợ Cây Bông (xã Nhơn Khánh - huyện An Nhơn), chúng tôi gặp cụ bà Phan Thị Trang, nay đã tròm trèm tuổi 80. Điều đặc biệt nhất là trong hành trang cuộc đời bà có hàng vài trăm câu hát tích tụ từ những năm tháng trường trải suốt các hội xuân, trong đó không ít những câu có tuồng, có tích. Hồi nhỏ bà đã mê và ham tìm nghe, rồi thuộc những câu hát từ ngày còn bé rồi tham gia các cuộc hát hò khắp các miền quê. Bà kể: "Kẻ trên nguồn xuống, người dưới biển lên, biết hát thì ráp lại mà hát với nhau. Ngoài những đoạn chào hỏi, đối đáp, những bài có tuồng tích thì người vào vai này, kẻ vào vai khác, rồi cũng bỏ bộ sơ sơ trên sân khấu và hát. Mỗi bài hát như vậy, phải hát tới cả nửa tiếng đồng hồ". Điều đặc biệt là trong trí nhớ bà có hàng vài trăm câu hát lẻ, vài chục bài hát có truyện, có tích như vậy.
|
Một vở tuồng truyền thống do các nghệ sĩ CLB tuồng không chuyên Sông Kôn biểu diễn. |
Bên cạnh đó, ở các làng võ trên miền đất võ này, không thiếu những lão võ sư, tuổi đã cao nhưng vốn liếng võ nghệ của họ, từ những bài thảo, đến những đường quyền, bài võ chưa phải đã được trao truyền đầy đủ cho những thế hệ sau. Một Hà Trọng Sơn Hùm xám miền Trung, một Phan Thọ hay Phi Long Vịnh, Hồ Sừng... là những "báu vật nhân văn" rất quý của miền đất võ, cần được trân trọng và tạo điều kiện cho họ truyền thụ cho thế hệ sau.
* Đừng để quá muộn
Nghệ nhân chính là những "báu vật nhân văn sống". Sự thưa vắng của những nghệ nhân theo thời gian trở thành một nỗi xót xa khi mà sự vắng bóng đó đồng nghĩa với sự biến mất của những vốn quý, của những kinh nghiệm tích lũy trong những cuộc đời làm nghệ thuật.
Trong Tầm nhìn 2010, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đề ra mục tiêu quan trọng là phong tặng những nghệ nhân dân gian và sưu tầm vốn văn nghệ dân gian. Người được phong tặng phải là người thực hành với trình độ cao nhất, nắm vững những bí quyết tinh tế nhất của một lĩnh vực văn hóa- văn nghệ dân gian nào đó; ngoài ra, họ cần có học trò và học trò đã thành đạt. Việc phong tặng vừa mang ý nghĩa như một sự tôn vinh, thể hiện sự quan tâm của xã hội, cũng như một hồi chuông cảnh báo về sự mai một của các giá trị văn hóa dân gian. Nhưng trước có sự phong tặng từ phía Hội hay Nhà nước, thiết nghĩ chúng ta hãy gấp rút bảo lưu những "báu vật nhân văn sống" bằng việc đẩy mạnh công tác sưu tầm thẩm định trước khi quá muộn. Bởi chỉ một, hai chục năm nữa, thế hệ nghệ nhân này rồi cũng sẽ ra đi.
. Lê Viết Thọ |