Những phát hiện khảo cổ học hai năm 2004 và 2005 về thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn) đã dấy lên mối quan tâm của xã hội và giới chuyên môn với tòa thành gắn cùng lịch sử vương triều Tây Sơn này. Tuy nhiên, điều đáng nói là Bình Định không chỉ có thành Hoàng Đế mà còn những phế thành khác chưa được nghiên cứu đúng mức…
* Nền cũ lâu đài
|
Voi đá ở thành Đồ Bàn (An Nhơn). |
Thật ra, ngay trên mảnh đất một thời là thành Hoàng Đế của vương triều Thái Đức - Nguyễn Nhạc, cũng đã hằn in dấu tích của một tòa thành khác, nổi danh không kém: thành Đồ Bàn. Theo khảo cứu của H. Parmentier, tiến hành vào đầu thế kỷ XX, thì: "Thành dài 1.400m, rộng 1.100m… Trong thành còn vết tích một con đường dường như nối liền giữa mặt đông đến một quả đồi trung tâm, nơi có ngọn tháp Đồng. Ngoài ra, ở góc Tây Nam thành có một ngọn đồi hai tầng, trên đó có những mảnh phế tích, có lẽ là của một cung điện hoặc hoàng cung". Tháp Đồng, dân gian quen gọi là Cánh Tiên, mang vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát hiếm thấy của kiến trúc tháp Chămpa. Tuy nhiên, Cánh Tiên cũng chỉ là một trong những kiến trúc nằm trong tổng thể kiến trúc tháp dày đặc ở khu vực quanh thành Đồ Bàn. Ngoài ra, trong thành còn lưu giữ một số tác phẩm điêu khắc đá lớn của Chămpa là hai con voi đá, hai con sư tử đá. Trong đó, voi đá là tượng voi lớn nhất trong lịch sử điêu khắc tượng voi Chămpa, niên đại vào khoảng thế kỷ XII. Có nhà nghiên cứu đã hình dung tháp Cánh Tiên có vai trò như một "đền núi" (như kiểu đền Bayon nằm giữa Ăng Co Thom ở Campuchia cùng thời).
Theo ghi chép, Nguyễn Nhạc đã tận dụng tòa thành này để xây dựng thành Hoàng Đế. Hai đợt khai quật vừa qua chưa phát hiện dấu tích tường bao cũng như các kiến trúc phụ khác của thành Đồ Bàn. Trong tương lai, nếu tiến hành khai quật ở quy mô lớn hơn thì hy vọng chúng ta sẽ bóc tách thấy dấu tích của tòa thành nghìn tuổi này.
Cách thành Đồ Bàn chừng 7km là thành Cha (xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn) cũng là một thành cổ của Chămpa. Khu thành nằm trên một vùng đất cao, rộng, ven bờ nam sông Kôn. Qua những dấu tích để lại có thể hình dung đây là một khu thành gồm hai tòa thành lớn nhỏ nằm liền kề nhau. Thành lớn bình đồ hình chữ nhật chạy dài theo trục Đông - Tây. Tường thành, nay chỉ như một bờ đất, có đoạn dài gần cả ngàn mét. Tường thành còn lại, rộng nhất từ 10-15m, nhiều chỗ tường bao hiện còn cao 4m. Khu thành nhỏ chiều dài hơn 200m, rộng 134m, có tác dụng như một tiền đồn của thành lớn. Thành Cha, cùng với tháp Thủ Thiện hẳn là dấu tích của một khu vực kiến trúc lớn gồm cả thành lũy, khu dân cư, đền tháp theo mô hình thường thấy. Dưới lòng đất những phế tích này có thể vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều điều thú vị cần được khám phá.
Cạnh tháp Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) còn có một tòa thành cổ khác mà theo TS Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) thì đây là "một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh của một trung tâm hành chính có trước và khác trung tâm Đồ Bàn xuất hiện vào thế kỷ XII…" (Văn hóa cổ Chămpa). Nguyên là do sự xâm thực của con sông Gò Tháp đã làm lộ ra một vỉa thành hơn 200m, nằm cách tháp Bình Lâm chừng 400m.
|
Tháp Phú Lốc (Nhơn Thành - An Nhơn). |
Có một tòa thành khác, muộn hơn nhưng không kém phần đặc biệt, đó là thành Chánh Mẫn (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát). Nguyên tòa thành này là một tiền đồn bảo vệ mặt đông thành Hoàng Đế của vương triều Tây Sơn. Hình dung theo truyền tụng trong dân gian thì thành có hình chữ nhật, mặt Bắc là bờ thành bằng đá, mặt Tây và Nam có hai ngọn núi thấp chắn nằm vuông góc nhau thành hai dãy lũy cao. Trong thành xưa có ao vuông, với câu chuyện truyền tụng rằng mỗi khi đất nước có thay đổi lớn lao thì sen mọc lên xanh mướt, bông nở thắm ao. Nay ao sen, thành lũy chỉ còn là những mảnh ruộng và những bờ đất. Nhưng những câu chuyện kể của người già về nỗi niềm của hai võ tướng Trần Quang Diệu, Trần Văn Kỷ trong giai đoạn thoái trào của triều Cảnh Thịnh vẫn có sức lay động lớn lao với lòng người hôm nay.
* Tìm trong "bóng tịch dương"
Có dịp ngang qua những miền đất, xưa là những thành cổ, trong lòng người không khỏi những tự hào. Bóng dáng những tòa thành cổ ấy, một mặt chứng tỏ cái nhìn biệt nhãn của người xưa dành cho vị thế đặc biệt của mảnh đất này, mặt khác, chứng tỏ lịch sử bền bỉ và dài lâu của biết bao thế hệ tiền nhân từng đứng chân nơi đây.
Ít có mảnh đất nào có nhiều dấu tích cổ thành như ở Bình Định. Và Bình Định, vốn nổi danh với những ngọn tháp hợp thành một bảo tàng ngoài trời về nền điêu khắc và kiến trúc Chăm, vang danh bởi những lò gốm cổ: Gò Sành, Gò Hời và Gò Cây Me, thì những cổ thành lại tạo thành một nét độc đáo, hấp dẫn khác trong những dấu tích văn hóa Chăm trên đất Bình Định. Một mai, nếu cùng với thành Hoàng Đế, những phế thành này có sự đầu tư, chí ít là khảo sát và nghiên cứu bài bản hơn, thì đây sẽ là một điểm đến có sức cuốn hút lớn, trước tiên là với các du khách trong những tour du lịch văn hóa được tổ chức bài bản, hợp lý.
. Lê Viết Thọ |