Nhớ bác Võ Sĩ Thừa
8:59', 21/7/ 2005 (GMT+7)

Tôi biết bác Thừa từ thời còn Nghĩa Bình nhưng thật sự được hầu chuyện bác thì chỉ một lần, cách nay đã ba năm.

NSND Võ Sĩ Thừa tại nhà riêng năm 2002 (ảnh: Trần Đăng)

Thời Nghĩa Bình, tôi biết bác từ một khoảng cách rất xa - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này: Ông là một nghệ sĩ lớn, tiếng tăm lừng lẫy, còn tôi là một nhân viên quèn ở Sở Văn hóa - Thông tin nên chẳng bao giờ tôi dám mơ sẽ được hầu chuyện ông. Cũng là một kiểu "mặc cảm vặt" con trẻ thế thôi, chứ ông nào có tự đặt mình đứng xa người khác bao giờ! Năm 1989, kỷ niệm 200 năm Quang Trung đại phá quân Thanh, tôi được nhìn thấy ông trong dáng lẫm liệt, ngồi trên lưng ngựa, tay cầm đao, không phải tiến vào Thăng Long mà là tiến về… sân vận động Phú Phong.

Ông nguyên là con nhà võ nhưng vóc dáng của ông chỉ có thể so sánh với bác Nguyễn Kiểm - Nghệ sĩ Ưu tú, chuyên gia về hát bài chòi, cũng là đồng nghiệp với tôi ở Sở Văn hóa - Thông tin. Ấy vậy mà, giọng nói của ông, nhất là khi đọc hịch của Quang Trung: "Đánh cho chúng chích luân bất phản; đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn…" thì hàng ngàn người trong sân vận động Phú Phong hôm ấy phải lặng phắc. Tôi cứ ước ao một lần được gặp con người ấy, chộ mặt được "ông vua" ấy.

Tôi "loáng thoáng" ở Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình được vài năm rồi chia tỉnh, cũng có nghĩa là "ước mơ" được gặp ông dạo nào cứ dần xa. Thật may mắn, một bước rẽ ngoặt của cuộc đời đã giúp tôi gặp lại ông, với tư cách là nhà báo phỏng vấn nghệ sĩ. Nghe tôi kể chuyện cũ, ông cười rất… tuồng: "Có gì đâu mà quan trọng dữ dzậy?". Ừ, thì cũng do tôi tưởng tượng ra thôi chứ ngồi trước mặt tôi hôm ấy là một ông già tóc trắng xóa như một vùng sương mờ, dáng người nhỏ nhắn, đi lại khó khăn, yếu đuối chứ không oai phong như khi ngồi trên yên ngựa 13 năm trước.

Thú thật là lúc diện kiến, tôi hơi thất vọng về ông. Trong trí tưởng tượng của tôi, Nghệ sĩ Nhân dân Võ Sĩ Thừa phải là một người quắc thước, ăn nói hùng biện chứ không phải là một ông già trông có vẻ lờ đờ mệt mỏi. Tôi đã nhầm! Vì chỉ cần nhắc đến tuồng, "khiêu khích" ông về số phận của tuồng trong thời buổi công nghệ thông tin đã hiện diện ngay trong buồng ngủ của mỗi người là ông như "lên cơn" như kẻ "nhập đồng" ngay: "Ai bảo cậu nói rằng tuồng chết, hử? Cả ngàn năm dân tộc mình bị giặc ngoại xâm nó vần vầy cho xơ xác, nhà cửa có thể thành tro bụi, các công trình kiến trúc có thể bị san bằng nhưng trong mỗi lũy tre làng, giọng hát chèo, hát xẩm, hát tuồng vẫn vang lên mỗi tối đấy. Chết đâu, hử?". Giọng ông chợt hào sảng một cách bất ngờ. Tôi thì cứ co rúm lại trước những động tác huơ tay của ông.

Tôi nghiệm ra rằng, những nghệ sĩ lớn như ông bao giờ cũng tiềm ẩn một khả năng bùng vỡ. Ông đã thôi miên rồi dẫn dắt tôi đi qua bao miền cổ tích về tuồng. Sau mỗi nhận định về tuồng là ông lại hát minh họa. Nói đâu là dẫn chứng đó. Mà những dẫn chứng ấy được ông chắt ra từ một đời lao tâm khổ tứ với nghệ thuật tuồng chứ không phải nói khơi khơi. Tôi trộm nghĩ, giá ông là một thầy giáo dạy nghề thì không ai bằng. Một anh bạn đi cùng, cũng là diễn viên của Nhà hát tuồng Đào Tấn nói rằng, ông chính là người thầy lớn nhất trong những người thầy mà anh được học.

Ông không những là người thầy mà còn là người giữ lửa, thổi vào lòng số anh chị em nghệ sĩ niềm say mê về bộ môn nghệ thuật tuồng. Với một người "ngoại đạo" về tuồng như tôi mà ông đã níu chân tôi gần hai giờ để nghe ông nói về tuồng. Tôi đã nghe ông nói về tuồng, về nghề nghiệp như một cậu học trò lần đầu tiên đọc chuyện cổ tích vậy. Và, đó cũng là cuộc "gặp gỡ cuối tuần" mà tôi ưng ý nhất được đăng trên báo Lao Động.

Sáng 18-7, một đồng nghiệp ở Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi thông báo với tôi rằng bác Thừa vừa mất đêm qua. Sự ra đi của ông đã được báo trước, song vẫn có một điều gì đó thật ngùi ngùi. Phận người cát bụi, nhưng với NSND Võ Sĩ Thừa, những gì mà ông gửi lại cho hậu thế sẽ còn vang vọng đến muôn sau. Xin được vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ tài hoa, người con của miền đất tuồng, đất võ Bình Định mến thương.

. Trần Đăng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
NSND Võ Sĩ Thừa - người nghệ sĩ tuồng bậc thầy đã ra đi  (18/07/2005)
Vú biển  (17/07/2005)
Bóng tịch dương trên những tòa thành cổ  (15/07/2005)
Sẽ nâng cấp Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hàng năm thành Festival Tây Sơn  (15/07/2005)
"Báu vật nhân văn" đang ở đâu?  (14/07/2005)
Sự tỏa sáng âm thầm  (14/07/2005)
Làng văn hóa An Ngãi  (14/07/2005)
"Dọc đường thơ" của các nhà báo Quảng Ngãi …  (13/07/2005)
Sẽ diễn ra Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi toàn tỉnh lần thứ VIII  (13/07/2005)
Về hai chữ Tường Đông trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều  (12/07/2005)
Kỳ III: Kiến trúc sư đang ở đâu ?  (12/07/2005)
Những bức ảnh đi cùng năm tháng  (11/07/2005)
Văn Cao - nghệ sĩ của tương lai  (10/07/2005)
Rước họa vào thân  (08/07/2005)
Kỳ II: Công trình: Chất chưa theo kịp lượng  (08/07/2005)