Một cô bé mù, bị bỏ rơi từ nhỏ, chưa được đi học ngày nào lại biết làm thơ. Những vần thơ tuy chưa vần điệu nhưng có ý. Cô bé là Trương Thị Trúc Phương ở khu vực 9, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn.
Nghe tôi hỏi nhà Phương, một phụ nữ đang lui cui ngoài vuông muối dẫn đến tận nhà. Cái cô bé mù thích làm thơ lại "nổi tiếng" vậy? Hóa ra không phải. "Tui có biết nó làm thơ gì đâu, nhưng cuộc đời, số phận của con bé thì cả khu vực này ai chẳng biết" - chị giải thích.
* Tấm lòng cưu mang
|
Ngày ngày, Trúc Phương vẫn đọc để Nam chép lại những bài thơ mới làm. |
Hơn chục năm trước, một buổi sáng, có một bà góa nghèo (bà Quý) đi chợ Tháp Đôi. Ngang qua một góc phố, bà nghe có tiếng trẻ con khóc. Hóa ra là một bé gái hơn một tuổi bị ai bỏ lại. Thấy con bé đói, bà Quý mua cho ổ bánh mì gặm tạm, rồi bỏ ngang buổi chợ, cắp về. Đến nhà, mới biết con bé bị mù.
Bà Quý rụt rè bàn với anh Trương Văn Tuấn, anh nuôi của bé Phương bây giờ, khi ấy mới 19 tuổi: "Hay là mình nuôi làm phúc...". Anh Tuấn đồng ý. Cô bé trở thành thành viên của gia đình từ đó. Họ đặt tên cho cô bé là Trúc Phương.
Ngày Phương mới về nhà, gia cảnh anh Tuấn nghèo lắm. Cả hai mẹ con ở trong căn nhà mái lợp tôn, che tạm bằng mấy tấm cót bên đồng muối. Cô bé Phương bị mù, gầy đét, lại bị phù thủng. Chạy chữa mãi, chủ yếu là thuốc Nam, rồi cô bé cũng khỏi bệnh và dần khôn lớn. Bà Quý thì ngày ngày đi chăm con, làm việc nhà cho người ta, rồi mò cua bắt phễn; anh Tuấn thì hết vác muối, lại đốt than, có lúc làm ghe... Những con người bé mọn nương vào nhau.
Bé Phương nay đã là cô bé 16 tuổi. 16 tuổi, nhưng chỉ có cái miệng là mau mắn, tía lia, cái mặt cũng già dặn, còn thân hình vẫn nhỏ thó như đứa trẻ hơn chục tuổi. Hàng ngày, Phương chỉ coi nhà, phụ thêm một số việc vặt và coi ngó ba đứa con anh Tuấn.
Vài năm nay, anh Tuấn được nhận vào làm công nhân cho một cơ sở khai thác khoáng sản ở Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Chị Nga, vợ anh thì làm công nhân Công ty Môi trường Đô thị Quy Nhơn. Năm 2004, gia đình anh Tuấn được Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng để cải thiện nhà ở đơn sơ, rồi vay mượn của cơ quan, bà con phía vợ, gia đình anh Tuấn đã cất được căn nhà đàng hoàng, gác xép, lát gạch men, có chỗ cho mấy đứa nhỏ học hành.
* Và ước mơ chữ nghĩa
Anh Tuấn kể: "Hồi nhỏ, nhà nghèo, bé Phương bị mù, nhà lại khó khăn, nên không dám nghĩ đến chuyện tìm nơi dạy chữ nổi cho bé Phương theo học. Hàng ngày, con bé chỉ biết bầu bạn với cái Ra-đi-ô, rất thích nghe chương trình văn nghệ thiếu nhi, nhất là nghe thơ thiếu nhi và thích làm thơ. Từ hồi đó, con bé đã ước được đi học để ghi lại những bài thơ nó thích. Mỗi sáng, nó ngồi nghe tiếng cười nói của mấy đứa nhỏ trong xóm đi học mà mặt mày buồn xo, tui nhìn mà ứa nước mắt".
Còn Trúc Phương thì kể: "Em cứ nghe đọc thơ trên đài, rồi tự dưng đang làm việc nhà hay đi ngủ, trong đầu lại nảy ra mấy câu, chắp lại thành bài. Em cũng biết là chưa hay đâu. Em có đọc cho mấy cô chú nghe, họ khen, nhưng bảo chưa vần điệu mấy. Mà em thì có biết vần điệu là gì đâu. Làm xong bài nào, hồi đầu em còn nhớ, nhưng lâu thì lại quên. Mãi sau này, khi cháu Nam (con anh Tuấn) đi học lớp ba, lớp bốn, thỉnh thoảng về lại nói: chị đọc đi em ghi lại cho. Hồi trước, những bài thơ em làm Nam chép đầy cả một cuốn vở. Năm ngoái làm nhà, cuốn sổ lạc đâu mất. Mấy bài sau này là em mới làm".
Rồi Phương đọc cho tôi nghe những bài thơ em mới làm tối qua. Những vần thơ đã có ý, có tứ, nhưng chưa ăn khớp về vần điệu. Một điều lạ là những cảnh ấy, vật ấy, màu sắc ấy, hẳn nhiên là cô bé chưa bao giờ nhìn thấy, chỉ có thể cảm nhận bằng xúc giác của đôi bàn tay, cộng với sự tưởng tượng: "Hôm qua chỉ là nụ/Hé mắt nhìn nắng vàng/ Liền khép đôi mi lại/ Trôïn lẫn vào lá xanh/ Chỉ qua một đêm ngắn/ Bé ngủ say giấc nồng/ Sáng nay vừa tỉnh giấc/ Thành hoa thắm nhụy vàng"- Phương viết về bông hoa. Hay những bài em viết về tình mẹ, tình cha - những tình cảm mà Phương vắng thiếu suốt cả thời thơ thiếu. Lại có bài em viết về người chị nuôi ngày ngày quét rác... "Con bé lạ lắm. Nó chỉ nghe là nhớ. Như bài vở của mấy đứa nhỏ trong nhà đi học, nó chỉ nghe em chỉ dẫn một lần, rồi em đi làm, ở nhà mấy đứa đọc sai chỗ nào Phương đều nhắc hết"- chị Nga nói.
Nghe tôi hỏi về mơ ước, Phương nói, em chỉ ước được đi học. Trước là học chữ để có thể làm thơ. Sau là học lấy cái nghề để còn tự lập cho bản thân sau này. "Bây giờ anh chị còn thì dựa vào anh chị, chứ nay mai… "- cô bé giải thích. Nhưng ước mơ ấy chẳng biết bao giờ cô bé có thể thực hiện được. Vì như Phương nói, mới đây, em được đưa đến một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật hỏi về thủ tục, chi phí. Muốn vào học, mỗi tháng, em phải nộp 400.000 đồng, gồm tiền ăn và học phí, chưa kể một số khoản lặt vặt khác. "Với thu nhập của anh chị nuôi, lại đang nuôi 3 đứa cháu tuổi ăn tuổi học, thì dù rất thương em cũng làm sao có đủ khoản tiền ấy đều đặn hàng tháng"- Phương nói, giọng chùng hẳn xuống.
Nghe Phương nói, tôi như cảm thấy có vị muối mặn chát trên môi. Ngút dưới tầm mắt Phương đang ngẩng lên, tôi thấy lóe lên chút ánh sáng màu bạc, ánh xạ của những giọt muối đọng trên những vuông ruộng sau nhà, hay màu của ánh sáng, màu của hy vọng…
. Lê Viết Thọ
|