Những thế lực tội ác trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ"
8:55', 21/7/ 2005 (GMT+7)

Ai đã đọc truyện ngắn Vợ chồng A Phủ hẳn đều nhận ra số phận đau thương của người dân miền núi Tây Bắc những năm dưới chế độ thực dân phong kiến. Hiện thân cho những số phận đau thương đó là cuộc đời của Mỵ và A Phủ. Không chỉ miêu tả các cung bậc khổ đau, nhà văn Tô Hoài còn chỉ ra các thế lực tội ác của người dân miền núi Tây Bắc.

Nhà văn Tô Hoài - tác giả truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (ảnh báo Văn Hóa)

Trên đại thể, có ba thế lực tội ác: kim tiền, thần quyền và cường quyền. Mỗi thế lực đày đọa con người theo những cách riêng. Trước hết là thế lực kim tiền. Như đã biết, đồng tiền trong bất kỳ xã hội nào cũng đều có sức mạnh to lớn trong việc chi phối các mối quan hệ của con người. Ngay từ thế kỷ XVI, nhà nho Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phải than thở: "Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử - Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi". Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng nói đến sức mạnh khủng khiếp của đồng tiền: "Trong tay đã sẵn đồng tiền - Dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì". Ở miền núi Tây Bắc, trong những năm dưới chế độ thực dân phong kiến, người dân cũng đã chịu biết bao cay đắng bởi thế lực đồng tiền. Trong Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đề cập tới hai số phận: Mỵ và A Phủ. Bố mẹ Mỵ vay bạc nhà thống lý Pá Tra, năm này qua tháng khác không thể trả được món nợ. Kết cục, Mỵ bị thống lý Pá Tra cho người bắt về để "trừ nợ". Trường hợp A Phủ cũng tương tự. A Phủ đánh nhau với A Sử, bị thống lý Pá Tra phạt vạ tới 100 đồng bạc trắng. Một kẻ nghèo khó như A Phủ làm sao có được một số bạc lớn như thế để nộp phạt. Lợi dụng hoàn cảnh đó, thống lý Pá Tra đã cho A Phủ vay rồi bắt A Phủ làm con trâu, con ngựa nhà hắn: "Mày không có trăm bạc thì tao cho mày vay để mày ở nợ. Bao giờ có tiền trả thì tao cho mày về, chưa có tiền trả thì tao bắt mày ở làm con trâu, con ngựa cho nhà tao. Đời mày, đời con mày, đời cháu mày tao cũng thế…". Cho vay rồi bắt người ở nợ, có thể nói là một hình thức bóc lột có tính chất đặc trưng của tầng lớp thống trị miền núi Tây Bắc. Hệ quả là A Phủ, Mỵ và biết bao nhiêu con người đáng thương khác đã phải lao động quần quật để phục vụ mục đích làm giàu của thống lý Pá Tra. Chỉ cần đọc đoạn văn sau nói về công việc thường ngày của Mỵ ở nhà thống lý ta sẽ hình dung được những nỗi thống khổ đó: "Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời như thế".

Tình trạng lao động không được nghỉ ngơi không chỉ đày đọa Mỵ về mặt thể xác mà còn cả tinh thần. Đã không ít lần Mỵ chua chát nghĩ mình không bằng được con trâu, con ngựa. "Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc cả đêm, cả ngày". Tệ hại hơn, đời sống tinh thần của Mỵ còn bị chi phối sâu sắc bởi thế lực thần quyền. Thế lực này được hình thành trên cơ sở sự mê tín của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất nghèo khó, trình độ dân trí thấp khiến quần chúng nhân dân sùng bái, phục tùng một lực lượng vô hình gọi là "ma". Thống lý Pá Tra đã triệt để khai thác điều này, bày ra hình thức cúng trình ma khi bắt Mỵ về làm dâu, khi cho A Phủ vay bạc. Kết quả, Mỵ và A Phủ - nhất là Mỵ - dần dần có thái độ cam chịu, chấp nhận làm con rùa trong xó cửa nhà thống lý. Thái độ này đeo bám Mỵ suốt một thời gian dài. Khi cắt dây trói cứu A Phủ, Mỵ vẫn còn ý nghĩ đó. "Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi…". Thế lực thần quyền đưa đến sự hủy hoại cuộc sống tinh thần, khiến Mỵ dần mất đi thái độ phản kháng với thực tại.

Đọc Vợ chồng A Phủ, chúng ta thấy các thế lực kim tiền, thần quyền đều liên quan tới nhân vật thống lý Pá Tra. Nhân vật này là hiện thân của thế lực cường quyền. Chính là nhờø quyền lực chính trị với sự hậu thuẫn của thực dân, cha con thống lý Pá Tra đã không từ một thủ đoạn nào để đàn áp, bóc lột người dân lao động nghèo khó. Trong bối cảnh xã hội như thế, những cuộc đời như Mỵ, A Phủ không thể tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc. Vạch trần các thế lực tội ác, tác phẩm của Tô Hoài đạt tới tận cùng của sự miêu tả số phận con người. Giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm nhờ vậy càng được nâng cao…

. Lê Nhật Ký

(Đại học Quy Nhơn)

(*) Vợ chồng A Phủ giảng dạy trong chương trình văn học lớp 12.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cô bé mù và ước mơ chữ nghĩa  (19/07/2005)
Nhớ bác Võ Sĩ Thừa  (19/07/2005)
NSND Võ Sĩ Thừa - người nghệ sĩ tuồng bậc thầy đã ra đi  (18/07/2005)
Vú biển  (17/07/2005)
Bóng tịch dương trên những tòa thành cổ  (15/07/2005)
Sẽ nâng cấp Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hàng năm thành Festival Tây Sơn  (15/07/2005)
"Báu vật nhân văn" đang ở đâu?  (14/07/2005)
Sự tỏa sáng âm thầm  (14/07/2005)
Làng văn hóa An Ngãi  (14/07/2005)
"Dọc đường thơ" của các nhà báo Quảng Ngãi …  (13/07/2005)
Sẽ diễn ra Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi toàn tỉnh lần thứ VIII  (13/07/2005)
Về hai chữ Tường Đông trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều  (12/07/2005)
Kỳ III: Kiến trúc sư đang ở đâu ?  (12/07/2005)
Những bức ảnh đi cùng năm tháng  (11/07/2005)
Văn Cao - nghệ sĩ của tương lai  (10/07/2005)