* Báo "Pơ Ling"
Sau khi lãnh đạo nhân dân Vĩnh Thạnh làm cuộc khởi nghĩa tháng 5-1959 thắng lợi, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ V (tháng 6-1960), ông Nguyễn Trung Tín, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh được bầu vào Tỉnh ủy, phụ trách Ban Dân tộc của Tỉnh ủy (ông Nguyễn Trung Tín sau này nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định). Cơ quan đóng tại Tu Kroong, huyện Vĩnh Thạnh.
Trong thời gian này, ông Tín đã có sáng kiến xuất bản Bản tin phát hành bằng tiếng Bana để tuyên truyền trong đồng bào dân tộc.
Hình thức là Bản tin nhưng lúc ấy mọi người đều gọi là "tờ báo" có tên là Pơ Ling. "Pơ Ling" theo tiếng dân tộc Bana có nghĩa là vui vẻ, phấn khởi, sung sướng.
"Ban biên tập" có ông Nguyễn Trung Tín, phụ trách, cùng hai anh cán bộ là anh Trường, anh Đinh Yuân và một số anh em người dân tộc thiểu số ở bộ phận "phát hành". Với nhiệm vụ của mình, "tờ báo" đã chuyển tải những Nghị quyết của Đảng bộ đến với đồng bào dân tộc; vạch rõ cho đồng bào thấy, hiểu được những âm mưu thâm độc của địch chống phá cách mạng, chia rẽ Kinh - Thượng; vận động bà con theo cách mạng chống kẻ thù, bảo vệ quê hương; biểu dương những việc làm tốt của đồng bào. Tờ báo còn có tác dụng hướng dẫn đồng bào học chữ, học hát bằng tiếng dân tộc…
Tuy "tờ báo" chỉ phát hành một kỳ trong tháng, nhưng nó thật sự đã trở thành vũ khí sắc bén của Đảng bộ Bình Định trong công tác tư tưởng, tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
* Bản tin Quy Nhơn
Qua nhiều năm hoạt động, nhất là thời gian làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách khu Đông, phụ trách bộ phận Tỉnh ủy tiền phương…, trong công tác tuyên truyền, ông Nguyễn Trung Tín luôn nung nấu một ý nghĩ là làm sao xuất bản được một tờ báo cho thị xã Quy Nhơn phát hành bí mật trong vùng địch để có điều kiện tuyên truyền, phát huy thanh thế của cách mạng trong vùng đô thị.
Ý tưởng đó ngày càng hình thành rõ nét trong những suy nghĩ và nó đã trở thành ước mơ không nguôi của ông. Và ước mơ có một "tờ báo" cho Quy Nhơn đã thành hiện thực khi "duyên may" đến. Tháng 5-1972, ông Nguyễn Trung Tín gặp nhà báo Phạm Việt Long và nhà văn Cao Duy Thảo từ miền Bắc vào chiến trường khu V. Anh Chín Toàn - tên thường gọi của ông Nguyễn Trung Tín lúc đó - đã trao đổi cùng hai "nhà" này về ước mơ của mình và đề nghị các anh giúp Tỉnh ủy tiền phương thực hiện.
Nhà báo Phạm Việt Long, quê ở Ninh Bình, là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam đã vào khu V tham gia chiến đấu từ sau Tết Mậu Thân năm 1968. Nhà văn Cao Duy Thảo, quê ở Phù Cát, là học sinh được Đảng đưa ra Bắc từ năm 1954, được học nội trú trong trường học Học sinh miền Nam trên đất Bắc, trưởng thành về lại quê hương phục vụ chiến trường.
Gặp được hai "nhà" này, anh Chín rất mừng và càng mừng hơn khi cả hai đều đón nhận lời đề nghị của anh với tình cảm và trách nhiệm cao, sẵn sàng hỗ trợ cùng với một số anh em cán bộ Ban Tuyên huấn Bình Định do anh Mai Ái Trực phụ trách, quyết tâm lên phương án xuất bản cho bằng được "Tờ báo" Quy Nhơn.
Ý tưởng là muốn ra được "tờ báo", nhưng vì chiến tranh không đủ điều kiện cho phép, anh em chỉ cố gắng làm sao để có được "Bản tin Quy Nhơn" phục vụ nhiệm vụ chính trị của Tỉnh ủy tiền phương.
Trong thời gian đầu tháng 6-1972, tỉnh Bình Định nổ ra một sự kiện làm cho bọn địch kinh hoàng kêu trời. Đó là vụ nổ đánh sập hầm ngầm Sở chỉ huy trung tâm hành quân Tiểu khu Bình Định của ngụy tại thị xã Quy Nhơn.
Lúc 8 giờ sáng ngày 2-6-1972, sau mấy tiếng nổ long trời lở đất, hầm ngầm này bị phá banh, bốn mươi sĩ quan vừa Mỹ, ngụy, Nam Triều Tiên chết và bị thương, trong đó có tên đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tiên - một tên chống cộng khét tiếng bị thương nặng, chết hụt lần thứ hai.
Hầm ngầm này nằm trong khu Tỉnh đường, có một đại đội lính bảo an trên một trăm tên bảo vệ, được tuyển chọn với tiêu chuẩn khắt khe, phải đảm bảo "ba không" là: không có người trong gia đình, nội, ngoại đi tập kết; cha, mẹ, anh em không phải là đảng viên cộng sản và không có ai làm việc cho cách mạng. Ai bị "dính" các đối tượng trên đều bị loại ra khỏi danh sách "bảo vệ". Hầm ngầm luôn được đóng kín bằng cửa sắt kiên cố, người ra vào phải có tín hiệu riêng…
Báo chí Sài Gòn đã đưa tin trang nhất "Đặc công Việt Cộng đã đặt bom đánh sập trung tâm hành quân Tiểu khu Bình Định, thiêu rụi 97%".
Tin thắng lợi vang dội này đã thúc đẩy tinh thần quyết tâm của các thành viên trong Ban biên tập Bản tin Quy Nhơn. Các anh Phạm Việt Long, Cao Duy Thảo và Mai Ái Trực đã khẩn trương đi khai thác tin tức và viết bài. Mấy ngày sau, Bản Tin Quy Nhơn đầu tiên được lưu hành bí mật trong vùng địch kiểm soát.
Đứa con tinh thần "Bản tin Quy Nhơn" được sinh ra chính từ lực lượng "tổng hợp" đó, và số đầu tiên đã đăng tải ngay những tin tức nóng hổi về chiến công vang dội đánh sập hầm ngầm Sở chỉ huy trung tâm hành quân Tiểu khu Bình Định.
. Xuân Mai |