Nghệ nhân Chí Hiếu: Một đời đam mê bài chòi
9:56', 22/7/ 2005 (GMT+7)

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương (Hoài Nhơn), niềm đam mê nghệ thuật bài chòi của ông Hiếu lớn dần theo thời gian. Hát bài chòi, viết lời, sưu tầm rồi đào tạo bài chòi cho lớp trẻ... hết một đời người, ông miệt mài theo đuổi niềm đam mê ấy...

Nghệ nhân Nguyễn Chí Hiếu với chiếc đàn cò.

Sinh năm 1947, xuất thân từ một gia đình có truyền thống bài chòi, năm 8 tuổi, Nguyễn Chí Hiếu đã được làm quen với loại hình nghệ thuật này qua những lần theo cha đi hát ở gánh bầu Hưng rất nổi tiếng. Khi xã Hoài Hương được giải phóng (1964), Chí Hiếu đang học ở Bồng Sơn đã trở về quê nhà làm đội phó văn nghệ xã, gầy dựng phong trào hát bài chòi. Đội văn nghệ xã Hoài Hương lớn mạnh, được mời đi diễn ở Tam Quan, Hoài Châu, Hoài Thanh… Đến cuối năm 1968, trên đường đi hát bài chòi tuyên truyền cho cách mạng, ông đã bị địch bắt giam ở nhà lao Bình Định. Với tài hát bài chòi của mình, Chí Hiếu đã làm cho không khí đấu tranh trong tù luôn sôi động. Ông hát rất hay những bài hát cách mạng như "Ba Tơ đất mẹ anh hùng", "Nhớ khu 5"… Những làn điệu bài chòi như tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ trong tù, giúp cho họ kiên định con đường cách mạng. Năm 1970, mãn hạn tù, ông lại bị đẩy đi lính. Trong những đêm sinh hoạt ở trại lính ông vẫn ung dung hát "Khúc ruột miền Trung", "Nhớ khu 5"… những bài hát tuyên truyền cho cách mạng.

Năm 1972, Nguyễn Chí Hiếu trở về quê nhà, thành lập lại đội văn nghệ xã. Đây là giai đoạn ông cho ra đời nhiều tác phẩm bài chòi nổi tiếng như: "Em bé đánh giày", "Con đường sống", "Về với mẹ", "Dậy sóng khu dồn"…

Trong suốt mấy chục năm qua, nghệ nhân Chí Hiếu đã viết lời cho rất nhiều tác phẩm bài chòi. Nổi bật nhất là những bài ca về các gương anh hùng như: "Nhớ mãi tên anh" (về anh hùng Ngô Trọng Thiên), "Người mẹ quê hương" (về mẹ Ruộng). Ông đã tập hợp những tư liệu về bà mẹ anh hùng ở Hoài Nhơn để viết nên tác phẩm bài chòi diễn ca "Bà mẹ Hoài Nhơn" rất được yêu thích. Những năm gần đây, ông vẫn viết lời bài chòi gởi cộng tác với Đài PTTH Bình Định. Ngoài ra ông còn sáng tác và dàn dựng ca kịch bài chòi giúp các đơn vị, trường học tham gia các liên hoan nghệ thuật quần chúng trong tỉnh, nhiều tác phẩm của ông đã đạt giải cao.

Khi được hỏi về tâm nguyện của mình đối với nghệ thuật truyền thống này, nghệ nhân Chí Hiếu trầm tư: "Phần lớn những người hát bài chòi đều đã lớn tuổi, trong khi lớp trẻ không mấy ai chịu tập. Ngay như việc đánh ghi ta phím lõm, giờ cũng chẳng còn mấy ai biết. Tôi muốn làm một băng ghi âm hát bài chòi về Hoài Nhơn để có thể lưu lại những tinh hoa văn hóa dân gian, nhưng đã bao nhiêu lần đề xuất vẫn chưa được duyệt".

Tạm biệt nghệ nhân Chí Hiếu, tôi chợt hiểu rằng đối với người nghệ sĩ, được sống trọn đời với nỗi đam mê của mình là điều hạnh phúc nhất bởi với ông thì chẳng có danh hiệu nào bằng sự yêu mến trong lòng người dân địa phương.                                   

. Hoài Thu

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ Nguyễn Đình Lương, Đào Duy Anh   (22/07/2005)
Phim Hàn Quốc: Thành công từ bản sắc văn hóa  (22/07/2005)
Một số "tờ báo" ở Bình Định trong chiến tranh  (21/07/2005)
Những thế lực tội ác trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ"  (21/07/2005)
Cô bé mù và ước mơ chữ nghĩa  (21/07/2005)
Nhớ bác Võ Sĩ Thừa  (21/07/2005)
NSND Võ Sĩ Thừa - người nghệ sĩ tuồng bậc thầy đã ra đi  (18/07/2005)
Vú biển  (17/07/2005)
Bóng tịch dương trên những tòa thành cổ  (15/07/2005)
Sẽ nâng cấp Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hàng năm thành Festival Tây Sơn  (15/07/2005)
"Báu vật nhân văn" đang ở đâu?  (14/07/2005)
Sự tỏa sáng âm thầm  (14/07/2005)
Làng văn hóa An Ngãi  (14/07/2005)
"Dọc đường thơ" của các nhà báo Quảng Ngãi …  (13/07/2005)
Sẽ diễn ra Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi toàn tỉnh lần thứ VIII  (13/07/2005)