Nếu như kết quả khai quật Tử Cấm Thành - Hoàng Đế năm 2004 cho thấy dấu tích một số công trình quan trọng của kinh thành Hoàng Đế được xây dựng dưới vương triều Thái Đức nhà Tây Sơn vẫn được bảo tồn trong lòng đất, thì kết quả cuộc khai quật khu vực Tử Cấm Thành năm 2005 lại giúp hiểu thêm về quy hoạch Hoàng thành và thẩm định lại những tư liệu đã được ghi chép trong lịch sử.
* Bên trong ba hố
|
Một phần kiến trúc hồ bán nguyệt được khai quật năm 2005. |
Dựa vào những dấu hiệu xuất lộ trên mặt đất, và qua điều tra về dân tộc học, cuộc khai quật Tử Cấm Thành năm 2005 quyết định mở tiếp 3 hố tại 3 khu vực khác nhau.
Hố thứ nhất, nằm ở phía tây khu lăng mộ Song Trung. Dân gian cho rằng đó là dấu tích của một giếng cổ bị vùi lấp. Hiện tượng trên bề mặt "khu giếng cổ" còn thấy những tảng đá lớn lấp đầy và một bờ xây vôi vữa lộ ra. Diện tích hố đào chỉ 42 m2, bóc một lớp đất dày 15 - 20cm hình dáng của kiến trúc đã xuất lộ. Sau khi nhận diện toàn bộ kiến trúc, tiếp tục cho đào sâu thì thấy, phần lớn đá dùng để lấp có xuất xứ khác nhau, ngoài đá trắng hoa cương là nguyên liệu đá địa phương, còn thấy đá xanh dạng thạch nhũ trong các hang động, đây là loại đá vôi không có tại vùng Bình Định. Làm sạch bên trong lòng hố đến lớp đất cuối cùng, hình dáng kiến trúc của "giếng cổ" đã được nhận diện: sâu 1,6m, rộng 4,05m, dài 5,25m, đáy được xử lý đầm một lớp đất sét mịn có tác dụng để chống thấm nước trong hồ ra bên ngoài, mặt nền lòng hồ lát gạch vuông 30 x 30cm. Điều khẳng định, kiến trúc này không phải là giếng cổ mà là một chiếc hồ gần giống hình êlíp, trên bờ còn dấu tích gắn trang trí một số chi tiết đá vôi hoặc san hô để tạo cảnh. Kỹ thuật xây dựng là làm khuôn và trộn hồ đổ theo dáng đã định trước. Chất liệu "tam hợp" gồm cát, vôi, và đường mật - một loại vật liệu xây dựng phổ biến thời Lê - Trịnh, thế kỷ 18.
Hố thứ 2 nằm ở phía đông lăng Song Trung. Việc mở hố thứ 2 là nhằm kiểm tra nhận định ban đầu về quy luật đối xứng trong kiến trúc. Diện tích hố đào thứ hai là 56 m2. Đúng như dự đoán, sau khi bóc lớp đất mặt với độ sâu 35-45cm đã bắt gặp dấu vết kiến trúc hình dáng hồ trăng khuyết xuất lộ. So sánh với hố khai quật năm 2004, hồ thứ hai này về cơ bản giống hồ thứ nhất từ hình dáng đến chất liệu và kỹ thuật xây dựng, chỉ có khác biệt đôi chút đó là bờ tường ngoài gần như bị phá dỡ lớp mặt trên. Nhưng điều rất lạ là sau khi bờ tường được phá dỡ ra thì lại được ghép sít lại, dáng bờ xếp rất có ý thức uốn cong theo thành bờ tường hồ. Một chiến lũy đề kháng chăng? Chưa giải thích được! Chờ khi bóc tách toàn bộ, may ra đủ cơ sở để lý giải được hiện tượng này. Điều khác biệt là trong khi lòng hố khai quật năm 2004 được lấp đầy gạch, ngói và một số hiện vật khác, thì trong lòng hố thứ hai khai quật năm 2005 lại lấp đất.
Về công năng, đây là hai hồ cảnh, một công trình văn hóa được xây đăng đối hai đầu điện bát giác, có tác dụng điều hòa khí hậu, tạo nên cảnh thủy mặc thơ mộng bên ngoài cung điện, những kiến trúc này chưa thấy tư liệu nào ghi chép.
|
Phù điêu đá ngọc - hiện vật cung đình thời Tây Sơn. |
Hố thứ ba được khai quật ngay dưới góc phía tây lăng mộ Song Trung. Theo như tư liệu "Đồ Bàn thành ký" của Nguyễn Văn Hiển thì chính địa điểm này, nhà Tây Sơn đã cho xây điện Bát Giác làm nơi thiết triều và tiếp kiến các quan văn võ, trên khu vực này nay là lăng mộ Võ Tánh, một viên quan cận thần có công lớn của triều Nguyễn.
Diện tích hố đào 24 m2, sau bóc lớp đất mặt sâu 30cm, xuất hiện nền gạch vuông kiểu Bát Tràng, làm sạch lớp đất nhận diện được hình dáng phần kiến trúc, trên mặt nền xuất hiện 3 lỗ cột đường kính 18 cm là loại cột chôn. Phần lộ ra nền hiên đo được 7,75m, dựa vào dấu vết lỗ cột để lại, chúng tôi xác định phần lộ ra chưa phải là nền chính mà là một lối đi chạy quanh phần bên ngoài kiến trúc, trong dân gian gọi là phần hiên, dãy cột đỡ chạy quanh gọi là cột hiên. Cách nền hiên 22cm còn có một lớp nền bằng cũng được gạch lát, nhưng kỹ thuật lát theo kiểu lát chéo, có lẽ đó là nền sân. Kích thước gạch lát nền hiên và sân là 35 x 35cm dày 4cm.
Hiện vật thu được năm 2005 không sai khác với loại hình đã tìm thấy trong lần khai quật năm 2004, với trên 100 hiện vật các loại có thể phân ra các loại hình gồm vật liệu kiến trúc (ngói âm dương, gạch), hỏa khí (gồm đạn thần công đá, gang và chì, giáo hình búp đa, mũi tên sắt có ngạnh; đồ gia dụng gồm bát đĩa sứ Trung Hoa, gốm Chăm, gốm Đàn gốm Việt dân gian) và đồ sành. Đặc biệt trong lần này, tìm thấy được một phù điêu bằng đá ngọc trắng, đục chạm lộng nhiều lớp, trong khắc chạm gọi kiểu "bong kênh", đề tài hoa dây, kiểu dây nho và sóc. Có thể gọi là bảo vật cung đình liên quan đến triều Tây Sơn, lần đầu tiên phát hiện được trong tầng văn hóa - Nơi khai sinh ra triều đại Tây Sơn.
* Và phía sau...
Từ trước đến nay, khi nghiên cứu, đánh giá về triều đại Tây Sơn, các nhà nghiên cứu gần như chỉ mới đề cập đến phần ngọn của phong trào này. Tức là chỉ đề cao vai trò của triều đại Quang Trung mà gần như quên đi vai trò của Nguyễn Nhạc. Giới sử học hầu hết cho ông là người thực dụng, không nhìn xa thấy rộng, chỉ bằng lòng với cái gì mà mình đạt được. Từ nhận thức này đã lấp bằng gần như tất cả vai trò ban đầu của Nguyễn Nhạc đối với phong trào Tây Sơn.
Qua những kiến trúc xuất lộ trong hai lần khai quật ở thành Hoàng Đế, cũng cần rút ra một vài nhìn nhận. Theo Nguyễn Văn Hiển, trong kiến trúc của vương triều Thái Đức có hai kiến trúc bát giác: điện Bát Giác và lầu Bát Giác; điện Bát Giác ở chính trung tâm thành. Tuy nhiên thực tế khai quật cho thấy nền kiến trúc Bát Giác lại nằm ở phía gần như cuối Tử Cấm Thành. Cho nên, theo chúng tôi chưa vội khẳng định đó là nền điện Bát Giác mà nên gọi là nền hình Bát Giác cho đến khi làm lộ rõ được toàn bộ kiến trúc trong Tử Cấm Thành.
Qua hiện vật, cũng đã xác định được những ngành nghề được hình thành dưới thời Tây Sơn, đó là nghề sản xuất vật liệu xây dựng và một số nghề thủ công khác, phục vụ cho nhu cầu xây dựng kinh thành. Đủ biết, để việc lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Nhạc đã huy động một lực lượng khá đông đảo thợ thủ công như rèn, đúc, đục đá và nhân công tại chỗ (chủ yếu là người Bình Định) để xây dựng kinh thành, đắp đàn Nam Giao rất quy chuẩn để tế trời đất. Cũng có nghĩa là việc lên ngôi Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc là có sự chuẩn bị chu đáo chứ không phải "bằng lòng" hoặc "an phận" như một số học giả nhìn nhận...
. TS. Đinh Bá Hòa
|