Ngày hội của núi rừng
7:34', 28/7/ 2005 (GMT+7)

Lễ hội (LH) Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi lần thứ VIII, vừa diễn ra từ ngày 20 đến hết ngày 22-7 tại An Lão, là cuộc hội ngộ mang đậm bản sắc văn hóa của các tộc người trên đất Bình Định.

Lễ hội cúng mừng sức khỏe của người Chăm H’Roi (Vân Canh).

Mở màn phần hội là hai già làng người H’re dẫn đầu đoàn cồng chiêng và đội múa đã tiến vào trước cây nêu dựng giữa sân. Chỉnh lại trang phục, già làng Đinh Văn Nhôi cất giọng khấn: "Ớ Giàng! Hôm nay người H’re, người Ba na, người Chăm tụ hội về đây dự hội. Giàng hãy phù hộ cho cái tay, cái chân được mạnh, cho mọi người con mắt sáng…".

* Ngày hội dưới bóng đại ngàn

Khu trại của đoàn An Lão gồm ba nếp nhà sàn được dựng bằng tre, mái lợp tranh cẩn thận, các mô hình chòi lúa, chòi canh, có cả chiếc mõ gió khua lắc cắc, thêm chiếc bể nước sạch và cần ăng ten ti vi, như hiện thân cuộc sống mới trên buôn làng. Hai cột nêu dựng trước sân, một của người Ba na và một của người H’re - hai dân tộc đang cùng chung sống trên mảnh đất đại ngàn An Lão này. Các trại Hoài Ân, Vân Canh thì còn có thêm phần trưng bày một số vật dụng, nhạc cụ của đồng bào, tạo thêm nét độc đáo, hấp dẫn. Những trại khác có phần đơn giản hơn, có cảm giác "hiện đại hóa với những tấm bạt ni lông được sơn, vẽ màu mè. Dẫu vậy, đứng trước những hoa văn ấy, những mô hình ấy ta như đang được sống trong không gian cư trú khác nhau của mỗi tộc người. Cảm giác ấy càng hiện rõ, khi bên những cây nêu nhịp cồng chiêng đã trỗi, những ché rượu cần cứ đầy cứ vơi…

Bá Đinh Văn Nhôi, 77 tuổi, người H’re, đến từ An Toàn không nói rõ được tiếng Kinh, phải nhờ bá Đinh Văn Hữu, 68 tuổi, người cùng làng, phiên dịch hộ, nói với chúng tôi: "Người già tụi tui được dự hội, vui, vui lắm. Cũng không phải tập luyện gì nhiều vì những cái này đã nằm trong máu mình cả rồi". Còn với bạn Đinh Văn Khơ, 19 tuổi, đã từ An Toàn xuống đây từ đầu tháng để tập múa, thì "đây là lần đầu tiên mình dự LH cấp tỉnh nên rất náo nức, rất vui".

* Hội tụ những sắc màu văn hóa

Sôi động nhất vẫn là chương trình văn nghệ. Đậm chất dân gian là ấn tượng đầu tiên. Nếu LH lần thứ VII, người xem thấy "chỏi" vì có đoàn chơi hẳn... organ để đệm, thì nay tình trạng ấy không còn. Các màn trình diễn, nhất là diễn tấu cồng chiêng, LH dân gian được sân khấu hóa mang đậm chất dân gian đích thực. Thu hút nhất là lễ mừng sức khỏe người Chăm H’roi Vân Canh, lễ cưới mà cô dâu chú rể đều trong cùng một làng của người Ba na Vĩnh Thạnh, lễ mừng năm mới của người H’re An Lão… tuy chỉ gói theo thời gian quy định là 15 phút nhưng tình tiết khá đầy đủ. Có lẽ, chủ trương khuyến khích việc sưu tầm các LH dân gian, bài chiêng cổ của Ban tổ chức đã có tác dụng định hướng tích cực cho các đoàn trong việc tập trung giới thiệu nét tinh túy của vốn nghệ thuật dân gian truyền thống các tộc người.

Người xem cảm nhận rõ nhất nét riêng của văn hóa các tộc người chính là ở phần diễn tấu cồng chiêng. Trầm hùng là tiếng cồng chiêng của người Ba na, thanh âm của đại ngàn. Hay tiếng trống kơ-toang rộn rã, người diễn tấu vừa đánh vừa bật nhảy, quay người, ngã người ra đằng sau một cách thành thạo. Trống kơ-toang hòa cùng tiếng chiêng 5, cồng 3 gieo vào lòng người như thủ thỉ, như tâm sự, như thổ lộ niềm vui trong ngày hội lớn. Nhịp chiêng của người H’re dội vào lòng người, như tiếng vọng về từ cội nguồn. Cùng với âm điệu trầm hùng ấy là đội hình múa với những động tác dũng mãnh, dứt khoát, phối hợp nhịp nhàng cả đội hình. Yêu biết mấy những thanh âm, nhịp điệu ấy. Ở đó, trú ngụ một nét bản sắc văn hóa tộc người.

Người già thì thích thú với những LH dân gian và những sinh hoạt văn hóa làng. Đám trẻ mê nhất vẫn là chương trình thi người đẹp miền núi và phần trình diễn trang phục. Những thiếu nữ H’re giản dị trong chiếc áo màu xanh hay hồng, váy hai tầng màu chàm, nhẹ nhàng bằng đường viền màu đỏ, trắng ở lai váy. Người phụ nữ Chăm dịu dàng với chiếc áo chui đầu màu trắng, cổ áo tròn, tay dài, hầu như không có hoa văn. Thiếu nữ Ba na lại rực rỡ trong những hoa văn hình học.  

* Và một chút "giá như"...

Chen lẫn trong cái náo nức, xôn xao, cái rộn ràng của một người đi hội, đôi khi chúng tôi không khỏi suy nghĩ: giá như… Giá như mái các trại được làm bằng tranh thay vì phủ những tấm bạt xanh lè. Giá như già làng người H’re cúng khai lễ không khoác chiếc áo veste bên ngoài. Giá như trước lễ khai mạc không có cảnh các ca sĩ từ Quy Nhơn 3, 4 giờ chiều mới đáp xe lên, và vội vàng tập luyện vài tiết mục cho kịp giờ khai mạc. Giá như phần văn nghệ chào mừng đêm khai mạc thay vì những tiết mục ầm ào, những ca khúc gọi là có âm hưởng Tây Nguyên, mà lại là những tiết mục đậm chất dân gian hơn. Giá như có thêm nhiều nghệ nhân am hiểu những nhạc cụ, bài cồng chiêng cổ bên cạnh những diễn viên trẻ và có thêm những LH dân gian, những bài chiêng cổ được sưu tầm…

. Viết Thọ - Hoài Thu

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Truyền hình cáp Quy Nhơn tăng thêm 3 kênh chương trình  (27/07/2005)
Về hình tượng con tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ (*)  (26/07/2005)
Khôi phục Lễ hội Đổ giàn   (25/07/2005)
Hai đội An Lão và Vân Canh đoạt giải nhất toàn đoàn về văn hóa   (25/07/2005)
"Hằng năm" của Trần Thị Huyền Trang   (24/07/2005)
Hương nguyệt quế   (22/07/2005)
Quy hoạch Hoàng thành   (22/07/2005)
Nghệ nhân Chí Hiếu: Một đời đam mê bài chòi   (22/07/2005)
Thơ Nguyễn Đình Lương, Đào Duy Anh   (22/07/2005)
Phim Hàn Quốc: Thành công từ bản sắc văn hóa  (22/07/2005)
Một số "tờ báo" ở Bình Định trong chiến tranh  (21/07/2005)
Những thế lực tội ác trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ"  (21/07/2005)
Cô bé mù và ước mơ chữ nghĩa  (21/07/2005)
Nhớ bác Võ Sĩ Thừa  (21/07/2005)
NSND Võ Sĩ Thừa - người nghệ sĩ tuồng bậc thầy đã ra đi  (18/07/2005)