Các tiết mục hát ru xuất hiện khá dày trong Lễ hội (LH) Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định lần thứ VIII. Đây là một nét mới, góp phần tạo nên chất dân gian khá đậm trong LH.
Ông Nguyễn An Pha, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Trưởng ban Giám khảo LH, trong bài tổng kết LH, đã khẳng định: những LH lần trước, những bài dân ca, hát ru còn là một khoảng trống thì LH này xuất hiện đã nhiều hơn. Có đoàn tham gia tới 2 bài hát ru như An Lão, Tây Sơn, đoàn ít nhất thì cũng góp vào chương trình một tiết mục hát ru. Lời những bài hát ru khá cổ, có bài hãy còn chưa được dịch ra tiếng Việt. Còn các diễn viên: Đinh Thị Liên, Đinh Thị Tuyết (An Lão), Mí Loan (Hoài Ân), Ngọc Thơm (Vân Canh)… hầu hết khá trẻ, từ 20 đến 30 tuổi, nhưng lời hát ru đã thấy sâu lắng, mượt mà.
Những câu hát, họ nhập tâm từ thuở còn thơ, hay có khi được bà, mẹ truyền lại, hay như bạn Đinh Thị Nguyệt Thu (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn) thì lại học qua người bạn cùng xã đang cùng học ở Trường Dân tộc Nội trú tỉnh. Dẫu nguồn từ đâu thì bước đầu đã có một phần nhỏ trong kho tàng phong phú các bài hát ru các dân tộc trên đất Bình Định. Những khúc hát ru cất lên, làm tâm hồn người xem xao xuyến lạ.
Hãy nghe lời hát ru của người Ba na đã được Nguyệt Thu dịch ra tiếng Việt: "Ru em em ngủ cho ngoan/ Ru em em hãy ngủ đi em/ Mẹ lên rẫy bẻ bắp non về cho em/ Mau mau về cho em bú/ Hãy nín rồi mẹ sẽ đến cùng em/ Đừng khóc nữa em ơi/ Nhanh nhanh về mẹ ơi/ Thương em mau về mẹ ơi".
Nhiều thế hệ đã lớn lên trong từng lời ru ngọt ngào ấy, tiếng hát tiếp mạch nguồn văn hóa cộng đồng vào những tâm hồn bé bỏng. Và nuôi lớn những tâm hồn bé bỏng, hãy còn như một chú Chim non chưa biết bay/ Chim non hót chưa hay/ Trong vòng tay chị yêu như lời một bài hát ru khác của người Ba na do Mí Loan (đoàn Hoài Ân) trình bày. Đó là khi chị ru em, còn khi mẹ ru con thì lại dỗ dành bằng lời nựng nịu. Đó là tôi đang nhớ đến lời một bài hát ru của người mẹ H’re: "À ơi con yêu của mẹ/ Như hoa Klông đầu mùa/ À ơi con quý của cha/ Như hoa Pé mùa xuân/ Mùa đông có lạnh/ Mẹ ủ con trong chăn thêu/ Mùa xuân vui chơi/ Mẹ đưa con trong chăn mới dệt/ Nhớ cha con đừng khóc nhiều".
Sự xuất hiện khá dày những bài hát ru tại LH lần này, cho thấy kho tàng hát ru các tộc người miền núi khá phong phú. Kho tàng ấy chưa được ai bỏ công sưu tầm, nghiên cứu. Viết đến đây, tôi nghĩ đến công trình ngót 500 trang về Hát ru Việt Nam của Lê Giang và Lư Nhất Vũ vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Ở Bình Định, nếu có những người, những cơ quan tập hợp được đội ngũ cộng tác viên nhiệt thành sưu tầm thì hẳn cũng sẽ có những công trình phong phú và dày dặn không kém. Có vậy, mới tiếp thêm lực cho câu hát ru còn mãi trong hành trang tinh thần của cộng đồng. Bởi lời hát ru không chỉ để mà ru, chúng còn là chìa khóa mở cửa tâm hồn và trí tuệ các tộc người.
. Khải Nhân |