Ca sĩ Hơ Linh hát bằng cả con tim
7:35', 29/7/ 2005 (GMT+7)

Được xem Hơ Linh trình diễn trên sân khấu, người ta có cảm giác những câu hát của cô phát ra tận đáy lòng. Mới 26 tuổi, Hơ Linh đã có một bảng thành tích nghệ thuật thật đáng nể: 3 Huy chương vàng và 1 Huy chương bạc qua các hội thi…

Hơ Linh là con gái của cố nhà thơ Đinh Xăng Hiền từng đạt giải đặc biệt cuộc thi các nhà thơ người dân tộc thiểu số. Tên thật của Hơ Linh là Đinh Thị Mỹ Linh, cái tên Hơ Linh là do người cha đặt cho để nhớ về nguồn gốc người dân tộc H’re của mình.

Mang dòng máu nghệ sĩ của người cha, Hơ Linh đã sớm bộc lộ năng khiếu về nghệ thuật. Từ thuở nhỏ, cô bé Linh đã được rất nhiều người khen có giọng hát hay. Năng khiếu này càng bộc lộ rõ hơn vào những năm học cấp ba, khi Linh tham gia vào đội văn nghệ của trường Dân tộc nội trú tỉnh và đoạt giải cao trong những lần dự thi tiếng hát học sinh sinh viên. Tốt nghiệp phổ thông, Hơ Linh theo học chuyên ngành Thanh nhạc tại trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật, thường xuyên được các trung  tâm văn hóa thông tin tỉnh, thành phố mời đi hát. Ra trường, Hơ Linh về làm việc tại Nhà Thiếu nhi thành phố Quy Nhơn, phụ trách mảng ca khúc thanh niên, dạy cho các bạn trẻ hát những ca khúc cách mạng. 

Hơ Linh chỉ thật sự bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp vào năm 2003 khi về công tác ở phòng Chính trị, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng. Hơ Linh đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi của ngành. Với chất giọng alto ấm và truyền cảm, sở trường của Hơ Linh là hát nhạc cách mạng. Hơ Linh cũng rất trẻ trung và sôi nổi trong các bài hát mang âm hưởng núi rừng Tây Nguyên. Nhiều lúc, khán giả lại bắt gặp một Hơ Linh trữ tình, sâu lắng với các sáng tác của Trịnh Công Sơn. Điểm nổi bật của ca sĩ Hơ Linh là diễn đạt rất tốt những bài hát mang tính chất tự sự. Hơ Linh đạt Huy chương vàng đầu tiên với bài hát Karamata (kỷ vật trao anh), một  bài hát theo làn điệu Chăm. Nhưng bài hát thành công và được nhiều người biết đến nhất của Hơ Linh chính là bài "Trái tim người chiến sĩ", ca ngợi vẻ đẹp của người lính tân binh: "Là người chiến sĩ giản dị đáng yêu. Một chiếc ba lô, một khẩu súng trường, một chiếc sao trên mũ…". Thể hiện một cách xuất sắc cái "hồn" của bài hát này, Hơ Linh nhận thêm chiếc Huy chương vàng nữa. Chị khiêm tốn cho biết: " Tôi hát bài này với tất cả niềm tự hào của người lính. Khi đã đứng trên sân khấu là tôi dồn hết tâm tư tình cảm vào bài hát. Tôi luôn ý thức mình là một ca sĩ quân đội, phải có trách nhiệm thể hiện một cách tốt nhất vẻ đẹp của người lính".

Không chỉ tham gia các hội thi, nhiệm vụ chính trị của Hơ Linh là cùng với đồng đội đi hát tuyên truyền, phục vụ văn nghệ cho các đơn vị bộ đội biên phòng trong đất liền và nơi đảo xa. Nhắc đến kỷ niệm những lần đi diễn cho bộ đội, Hơ Linh hào hứng kể: "Kỷ niệm vui thì có nhiều nhưng tôi nhớ nhất là lần đi diễn ở xã đảo Nhơn Châu. Cả đoàn dự định sáng đi tối về nên không ai đem quần áo theo, hôm đó đột xuất có bão nên không về được. Trong suốt 4 ngày, mọi người chỉ mặc toàn đồ diễn, cứ nhìn nhau mà cười". Vô tư là thế, nhưng khi hỏi về nguyện vọng của mình với sự nghiệp ca hát, giọng Hơ Linh bỗng như chùng xuống: "Đời ca sĩ tuổi thọ của nghề không cao. Mình lại là người lính có nhiệm vụ đi hát phục vụ vùng sâu vùng xa. Vì vậy mình chỉ có mong muốn được hát phục vụ càng lâu càng tốt. Đến lúc không còn được đi hát nữa, chắc mình buồn lắm…".

. Hoài Thu

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hát ru - chìa khóa mở cửa tâm hồn  (28/07/2005)
Ngày hội của núi rừng  (28/07/2005)
Truyền hình cáp Quy Nhơn tăng thêm 3 kênh chương trình  (27/07/2005)
Về hình tượng con tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ (*)  (26/07/2005)
Khôi phục Lễ hội Đổ giàn   (25/07/2005)
Hai đội An Lão và Vân Canh đoạt giải nhất toàn đoàn về văn hóa   (25/07/2005)
"Hằng năm" của Trần Thị Huyền Trang   (24/07/2005)
Hương nguyệt quế   (22/07/2005)
Quy hoạch Hoàng thành   (22/07/2005)
Nghệ nhân Chí Hiếu: Một đời đam mê bài chòi   (22/07/2005)
Thơ Nguyễn Đình Lương, Đào Duy Anh   (22/07/2005)
Phim Hàn Quốc: Thành công từ bản sắc văn hóa  (22/07/2005)
Một số "tờ báo" ở Bình Định trong chiến tranh  (21/07/2005)
Những thế lực tội ác trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ"  (21/07/2005)
Cô bé mù và ước mơ chữ nghĩa  (21/07/2005)