Chuẩn bị Triển lãm Mỹ thuật khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên:
Họa sĩ Bình Định liệu có "vượt vũ môn" ?
14:1', 29/7/ 2005 (GMT+7)

Ngày 22-8, tại Quy Nhơn, sẽ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên. Tác phẩm của họa sĩ 10 tỉnh trong khu vực sẽ tham dự triển lãm. Bên cạnh sự tất bật trong công tác chuẩn bị, điều người xem quan tâm là liệu lần này, họa sĩ Bình Định có vượt qua mức... tặng thưởng như các lần triển lãm trước đây.

* Tất bật công tác tổ chức

Triển lãm tranh của 3 họa sĩ Lâm Triết, Đặng Mậu Tựu, Phạm Trinh tại Hội VHNT Bình Định (ảnh: Duy Quyên)

Năm 1999, Bình Định đã từng đăng cai hoạt động này. Nhưng khi đó, địa điểm được chọn triển lãm là Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh thì năm nay, địa điểm tổ chức lại là Trung tâm Hội chợ Triển lãm tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, lý giải: "Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh không gian hơi hẹp, khó trưng bày. Do vậy, lần này chúng tôi quyết định chọn Trung tâm Hội chợ Triển lãm để rộng rãi hơn". Tuy nhiên, để biến cái địa điểm chỉ chuyên dùng để tổ chức hội chợ thương mại này trở thành phòng trưng bày tranh thì Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phải thiết kế mô hình triển lãm, tạo không gian, ánh sáng phù hợp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, do bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, làm Trưởng ban, với sự tham gia một số ngành liên quan của tỉnh và đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam làm thành viên. Ban tổ chức do ông Hoàng Ngọc Đình, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh làm trưởng ban.

Theo dự kiến, đến ngày 12-8, Ban tổ chức mới bắt đầu nhận tranh của các họa sĩ để đến chiều ngày 20-8 sẽ họp hội đồng chọn tác phẩm dự triển lãm. Theo quy định, mỗi họa sĩ hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ được tham gia triển lãm 2 bức, còn các họa sĩ là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh thì chỉ được 1 bức. Tuy vậy, với con số khoảng 50 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tại 10 tỉnh, cùng hàng trăm họa sĩ khác thì số tranh cũng sẽ lên đến hàng trăm bức. Không gian Trung tâm Hội chợ Triển lãm khá rộng, đủ sức "tải" số lượng tranh như vậy và theo mô hình dự kiến, mỗi tỉnh sẽ có một gian trưng bày riêng trong triển lãm.

* Và đầu tư về tác phẩm

 

Một tác phẩm của họa sĩ Quốc Hùng chuẩn bị để tham gia triển lãm.

Để chuẩn bị cho các họa sĩ có tác phẩm tham gia triển, lãm cuối tháng 5 vừa qua, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tạo điều kiện cho 5 họa sĩ của Bình Định tham gia trại sáng tác tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại (Hà Nội) trong 10 ngày. Đến tháng 6, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh lại tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các họa sĩ đi thực tế sáng tác và đầu tư thêm về vật liệu sáng tác tác phẩm. Các họa sĩ trong tỉnh đã đi thực tế theo từng nhóm và hiện đang xây dựng tác phẩm để dự triển lãm. Do đó, nét mới lần này là số họa sĩ trong tỉnh tham gia triển lãm sẽ nhiều hơn. Chẳng hạn, họa sĩ Lương Lu sau nhiều năm vắng bóng, tháng 5 vừa rồi cũng đã tham gia trại sáng tác và hiện đang xây dựng tác phẩm. Có họa sĩ chưa phải là hội viên, có họa sĩ tuy vẫn bươn chải kiếm sống nhưng vẫn tích cực đầu tư thời gian sáng tác. "Nhìn chung triển lãm đã có tác động tích cực với không khí sáng tác của anh em họa sĩ"- ông Nguyễn Quốc Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam) khẳng định. Họa sĩ này còn tiết lộ là đang chuẩn bị 4 tác phẩm, đi vào những mảng đề tài khác nhau, ngoài đề tài truyền thống như tháp Chăm, hình tượng Quang Trung, còn mạnh dạn đi vào đề tài thời sự như việc thi công công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội để từ đó chọn ra 2 tác phẩm ưng ý dự triển lãm.         

* Liệu có "vượt vũ môn"?

Trong các lần triển lãm khu vực từ trước đến nay, mức giải thưởng cao nhất mà Bình Định giật được chỉ là... tặng thưởng. Ngay lần đăng cai vào năm 1999 cũng vậy. Tất nhiên, giải thưởng không phải là tất cả, nhưng hiện tượng này cũng đã phản ánh rõ chất lượng của hoạt động sáng tác mỹ thuật Bình Định còn nhiều hạn chế. 

Nhìn chung, hoạt động mỹ thuật ở Bình Định vẫn ở mức bình bình "một ngày như mọi ngày". Đáng lo nhất là mức bình bình ấy lại chỉ nằm trên cái nền chung của một nền mỹ thuật còn khá "thua chị kém em" ngay cả khi so sánh với các tỉnh khác trong khu vực. Sáng tác mỹ thuật Bình Định vẫn dừng lại ở mức đèm đẹp, có chút dân tộc, có chút hiện đại. Dân tộc thì chủ yếu sinh hoạt các đồng bào thiểu số, hay nét làng quê yên ả. Hiện đại thì mang chút trừu tượng, chút biểu hiện. Và rồi cũng chỉ dừng lại ở đấy, hay hay mà không được đẩy đến tận cùng của những tìm tòi, chiêm nghiệm.

Sáng tác thì vậy trong khi thị trường mỹ thuật chưa xuất hiện. Một thời gian trước, sự ra đời của gallery mỹ thuật Golden Life, nhiều người đã khấp khởi và hy vọng về sự ra đời của thị trường mỹ thuật ở Bình Định. Nhưng rồi hy vọng ấy cũng sớm tàn khi mà ngay cả giới họa sĩ cũng chưa mấy hồ hởi. Thị trường mỹ thuật chưa xuất hiện, một lớp người thưởng ngoạn chưa thật sự định hình, thì sẽ thật khó để nói về sự khởi sắc trong sáng tác mỹ thuật.  

Liệu lần này, họa sĩ Bình Định có "vượt vũ môn" (tất nhiên là không phải bằng sự ưu ái dành cho tỉnh đăng cai)? Chúng ta hãy chờ đợi và... hy vọng. 

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thử nghiệm thành công những dụng cụ dùng đuổi chim  (29/07/2005)
Ca sĩ Hơ Linh hát bằng cả con tim  (29/07/2005)
Hát ru - chìa khóa mở cửa tâm hồn  (28/07/2005)
Ngày hội của núi rừng  (28/07/2005)
Truyền hình cáp Quy Nhơn tăng thêm 3 kênh chương trình  (27/07/2005)
Về hình tượng con tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ (*)  (26/07/2005)
Khôi phục Lễ hội Đổ giàn   (25/07/2005)
Hai đội An Lão và Vân Canh đoạt giải nhất toàn đoàn về văn hóa   (25/07/2005)
"Hằng năm" của Trần Thị Huyền Trang   (24/07/2005)
Hương nguyệt quế   (22/07/2005)
Quy hoạch Hoàng thành   (22/07/2005)
Nghệ nhân Chí Hiếu: Một đời đam mê bài chòi   (22/07/2005)
Thơ Nguyễn Đình Lương, Đào Duy Anh   (22/07/2005)
Phim Hàn Quốc: Thành công từ bản sắc văn hóa  (22/07/2005)
Một số "tờ báo" ở Bình Định trong chiến tranh  (21/07/2005)