Chuyện tấm tôn cũ
15:46', 29/7/ 2005 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Ngô Hồng Sơn

Hôm đó đám tang Thiện. Thiện là con ông chú ruột tôi, giáo viên dạy toán giỏi, đã 38 tuổi mà chưa có vợ. Nhiều người đến phúng điếu nói rằng từ nay không còn thấy thầy Thiện hói, thầy Thiện bác học, hiền như Bụt đi dạy vào mỗi buổi sáng nữa rồi. Đã bao năm rồi, cứ bảy giờ kém mười lăm phút, Thiện lại dắt xe ra ngõ đến trường, hình ảnh đó đã trở thành quen thuộc đối với cái xóm chợ Phú Trung này. Tôi cảm thấy đôi khi ranh giới giữa cái sống và cái chết thật mong manh. Mới cách đây 3 tháng thôi, tôi còn ngồi uống cà phê với Thiện, nói chuyện vợ con sao muộn màng, sắp U bốn mươi rồi mà người tình trong mộng vẫn nằm trong mộng, mẹ già thì mong mỏi từng ngày. Mà Thiện đâu phải loại người khô khan, dạy toán nhưng chơi ghi ta mô đẹc giỏi, trong bụng đầy những nhạc Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Trần Tiến nữa... Có đêm tôi cùng Thiện và mấy đứa bạn vừa nhâm nhi ly rượu, vừa đàn hát thâu đêm, suốt sáng. Vậy mà, Thiện đau, khám ra mới biết hai quả thận rữa nát tự hồi nào, tiền bạc kiếm được bấy lâu không đủ chữa bệnh; họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp góp lại cũng hết; thận chạy không ra, mà có chạy được thận thì tiền đâu mà chi cho mổ xẻ, cắt ghép. Trong bệnh viện, đau quá sức chịu đựng, Thiện nói với chị: "Em chưa vợ con, không ân hận gì, cho em chết đi, đừng chạy chữa nữa, vô ích thôi, em đau quá, đau quá chị ơi!".

Thế mà nay, ai đó đã đeo những dải băng trắng lên cành những chậu kiểng Thiện trồng trước nhà. Sáng giờ, người đến chia buồn nhiều, bà con, bạn bè, rồi đồng nghiệp, học trò. Từng người, từng người thắp hương vĩnh biệt Thiện, khói nhang nghi ngút, khói tỏa nỗi buồn, lan tỏa nỗi buồn vào không gian rồi tan vào những ngọn tre lắt lay trong gió.

Khoảng mười giờ, Cẩm bước vào đốt nhang lạy Thiện. Cẩm người hàng xóm, thợ đá chẻ, ở cách vài nhà phía trong gò. Cái vẻ cầm nhang, đứng cúng thật nghiêm cẩn, đầy vẻ tôn kính của Cẩm làm tôi chú ý. Về tuổi tác, Cẩm thuộc bậc đàn anh Thiện, lâu nay không thấy họ quan hệ, giao lưu, lại không bà còn, dòng họ với nhau, có lẽ theo phong tục thôi, hàng xóm đến chia buồn lúc tang gia là chuyện bình thường.

* *  *

Tối nay, đi làm về, ăn cơm tối xong, tôi lên quán Địa Đàng, một quán cà phê vườn khá đẹp, uống cà phê. Mỗi khi mệt mỏi, cần giải trí, tôi lại đến quán này, ở nông thôn còn biết giải trí ở đâu kia chứ. Đang ngồi nhâm nhi ly cà phê nghe nhạc, tôi thấy Cẩm bước vào quán. Thấy tôi, Cẩm bước đến, lấy ghế ra ngồi cùng bàn. Thú thật tôi hơi khó chịu vì biết nói chuyện gì đây với Cẩm, tôi chỉ thích ngồi một mình nghe nhạc, mà đứng dậy về lại mất lịch sự quá, tôi đành ngồi im.

Sau khi chủ quán bưng cà phê ra, Cẩm nói:

- Thầy Thiện "đi" đã một tháng rồi phải không ông?

- Ờ... nhanh quá, mới mà một tháng rồi. Tôi trả lời.

Nhớ lại chuyện hôm đám tang Thiện tôi hỏi:

- Ông với Thiện quen sao?

- Biết thôi! Cùng xóm mờ. Nhưng tui hàm ơn Thiện.

Câu nói của Cẩm làm tôi tò mò, tôi hỏi:

- Sao mà hàm ơn?

Im lặng một lúc, nhấp ly cà phê, Cẩm gãi đầu, nói:

- Chuyện dài lắm. Hầu giờ tui chưa kể ai, mà kể ra xấu hổ lắm. Tui nghĩ ông là người có học, ông hiểu và thông cảm cho tui, nhưng ông đừng kể ai khác nghe.

Rồi Cẩm kể:

"Ông biết không, cả đời tui tránh làm chiện xấu, nhưng nghèo khó nó bắt mình làm chiện xấu. Khi mình nghĩ lại thì chiện xấu đã làm rồi, nó cứ cứa vào lòng, buồn lắm ông biết không. Khi la chửi con cái vì tụi nó hư, mình cứ cắn rứt vì mình có ra gì đâu.

Hôm đó buổi chiều khoảng ba giờ, tui qua nhà Thiện mượn cái xà beng để cạy mấy viên gạch xây cho xong cái nhà bíp. Nhà vắng ngắt, Thiện đi dạy, còn mẹ Thiện chắc lụi hụi ở nhà trên. Tui lẳng lặng đi ra sau. Tui thấy cây xà beng cắm cạnh bên dò nước. Tui nhổ câybeng định bụng sẽ lên thưa với mẹ Thiện rồi về. Lúc đó gió thổi mạnh, dựt tấm tôn che dò nước muốn bật ra. Tự dưng tui nhớ tới cái bíp xây gần xong, còn thiếu một tấm tôn, mà tui thì hết sạch tiền rồi. Tui cầm xà beng, đẩy tấm tôn chỉ còn dính một cây đinh lên rồi đem tấm tôn về nhà. Tui lợp mái liền, đào gạch xây kín mấy đường hồ còn trống. Cái bíp có chút xíu mà tui để dành tiền cả năm trời mới xây được. Dợ tui nó than hoài, bíp lợp tranh, cứ mưa dột là không thể nào nhen lửa nấu cơm, nấu cháo heo được. Xong cái bíp, nó mừng lắm. Việc xong tui cũng không trả lại xà beng cho Thiện, tui thấy dị quá!

Sáng hôm sau, lúc đó còn sớm lắm. Tui lụi hụi dắt xe đạp chở đồ nghề đi làm thì thấy thầy Thiện đứng chần ngần trước mặt. Tui run quá. Đứa con gái lớn tui cũng chuẩn bị đi học, đang đi ra ngõ. Thiện nhìn tui chằm chằm nhưng không nói tiếng nào. May quá, ổng lẳng lặng bỏ về. Còn tui đứng như trời trồng hột hồi. Hồi người lại tui nghĩ không hiểu sao ổng biết mình trộm. Hay là ổng chỉ nghi thôi. Tui nhìn xuống đất thì thấy lá me rụng kéo thành hàng từ ngõ đến nhà bíp. Tui lần ngược ra ngõ thì thấy lá me rụng kéo thành vệt dài thẳng về phía nhà Thiện. Thôi chết rồi! Ổng biết mình lấy rồi. Chứng cớ rành rành ra đó. Nhà Thiện trồng nhiều me, lá rụng xuống mái tôn, khi đem tấm tôn về nhà, tôi vô ý để lá me rụng kéo thành đường vào tận nhà bíp. Nhưng tại sao ổng không bắt quả tang tui, tui không sao hiểu được. Sau này nhậu với anh em trong xóm, họ kháo nhau chuyện thầy Thiện mất tấm tôn, có mấy chục ngàn nhưng mẹ Thiện buồn, cứ càm ràm luôn làm Thiện bực mình và lo cho sức khỏe mẹ già. Nghe nói tấm tôn đó do ba Thiện lợp hồi ổng còn sống để mẹ Thiện rửa chén khỏi mưa. Mất tấm tôn, mẹ Thiện nhớ lại hình ảnh người chồng đã khuất núi, bả bảo tấm tôn Thiện mới lợp có hơi lạ, khó chịu lắm, mưa rơi xuống tôn nghe cứ như nước mắt ai đó rơi xuống. Người già nhiều khi họ nghĩ lạ lắm ông à. Người già, như má tui đó, có chuyện buồn là càm ràm, rồi thức suốt đêm. Tấm tôn mất làm mẹ Thiện nhớ tới chồng bà, chắc bả khóc nhiều. Giờ Thiện "đi rồi", bả còn một mình, nhìn tấm tôn mất, bả nhớ chồng, nhớ con, bả làm sao sống nổi...".

Kể đến đó giọng Cẩm nghẹn đi. Tôi cũng không biết nói gì, im lặng hút thuốc. Tôi thấy thương và mến Cẩm, bề ngoài bình thường nhưng con người Cẩm lại sâu sắc và tinh tế. Tôi tôn trọng những người biết tự vấn lương tâm như Cẩm, sự tự vấn làm tâm hồn con người ta trong trẻo lại, như cơn mưa phủi sạch bụi đường.

Cẩm nói tiếp sau khi nguôi cơn xúc động: "Tui định bụng hôm nào đó gặp thầy Thiện xin lỗi, có xin lỗi mới hết ray rứt ông à. Tui ơn ổng nhiều. Nếu hôm đó mà ổng làm dữ, tui mất mặt với con, với anh em xóm làng, tui làm sao sống nổi ở cái xóm này. Danh dự con người ta lớn lắm. Thế mà tui có kịp nói đâu, thầy Thiện đã đi rồi. Sao người tốt lại chết sớm như vậy!

Trên đường đi về nhà, tôi nha nhẩn đi thật chậm để cái cảm giác nhẹ nhàng, trong trẻo, bay bổng cứ lan tỏa trong lòng. Tôi biết chắc là Thiện đã hành động đúng trong trường hợp của Cẩm. Tôi và Thiện nhiều lần nói về chuyện cái nghèo, thói tật xấu tàn phá tâm hồn con người khủng khiếp như thế nào. Yên nghỉ nhé, hỡi thầy giáo hiền lành với cái trán hói loe hoe vài sợi tóc, ngày mai anh và Cẩm sẽ ra mộ thăm em. 

. N.H.S

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Họa sĩ Bình Định liệu có "vượt vũ môn" ?  (29/07/2005)
Thử nghiệm thành công những dụng cụ dùng đuổi chim  (29/07/2005)
Ca sĩ Hơ Linh hát bằng cả con tim  (29/07/2005)
Hát ru - chìa khóa mở cửa tâm hồn  (28/07/2005)
Ngày hội của núi rừng  (28/07/2005)
Truyền hình cáp Quy Nhơn tăng thêm 3 kênh chương trình  (27/07/2005)
Về hình tượng con tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ (*)  (26/07/2005)
Khôi phục Lễ hội Đổ giàn   (25/07/2005)
Hai đội An Lão và Vân Canh đoạt giải nhất toàn đoàn về văn hóa   (25/07/2005)
"Hằng năm" của Trần Thị Huyền Trang   (24/07/2005)
Hương nguyệt quế   (22/07/2005)
Quy hoạch Hoàng thành   (22/07/2005)
Nghệ nhân Chí Hiếu: Một đời đam mê bài chòi   (22/07/2005)
Thơ Nguyễn Đình Lương, Đào Duy Anh   (22/07/2005)
Phim Hàn Quốc: Thành công từ bản sắc văn hóa  (22/07/2005)