Ly này tiễn một mối tình vừa tan
11:3', 31/7/ 2005 (GMT+7)

Lâu nay tôi biết Văn Trọng Hùng như một nhà viết kịch, một nhà soạn giả kịch bản tuồng ở tỉnh Bình Định. Anh từng có nhiều kịch bản tuồng đoạt giải sân khấu quốc gia như các vở Nước mắt Diêm Vương, Tiết Giao trả ngọc, Đi tìm chân chúa, Anh hùng với giai nhân... Nào ngờ mới đây, khi gặp nhau ở Hà Nội anh tặng cho tôi tập thơ Bóng trúc. Anh nói đây là tập thơ thứ hai của anh. Và tôi đọc Bóng trúc như đi tìm một người bạn tri âm.

Thơ Văn Trọng Hùng phóng túng và hào hoa lắm, hào hoa như chính con người anh vậy. Anh hay nói những lời "nói ngược", suy xét và đánh giá những giá trị đã định danh, định hình trong tâm thức của một người đương đại, hiện đại nhằm định giá lại những gì tiền nhân đã viết. Chẳng hạn như trong bài lục bát Gởi Thúy Kiều, anh lên tiếng chê Kim Trọng:

Phải chi Kim Trọng là ta

thì nàng đâu phải phong ba một đời

Dẫu không khuấy nước chọc trời

Lật nhào cung điện, đổi ngôi sơn hà

Thì nàng vẫn mãi bên ta

Tiết trinh đâu phải chỉ là tiết trinh.

Không chỉ có thế, Văn Trọng Hùng còn bốc đồng hơn và đẩy câu thơ lên chót vót cực đoan:

Yêu như ai đó bằng thừa

Lấy em thay chị lại vừa làm quan

Ta đây quyết chí tìm nàng

Dẫu xơ xác nhụy dẫu tàn tạ hương.

Những câu nói rất tuồng, đầy vẻ đại ngôn ấy, đọc xong cứ phải tủm tỉm cười, và không hiểu sao vẫn cứ đồng cảm được. Có lẽ đồng cảm được với nhà thơ là nhờ ở cái thái độ dứt khoát, cái triết lý mạnh mẽ và sâu sắc này chăng:

Thủy chung vẫn vẹn yêu thương

Thói đời như lớp mờ sương sá gì

Thơ đàn một gánh ta đi

Cách xa cái chốn thị phi tầm thường.

Thi pháp ấy lạ lùng thay mà cũng minh triết thay.

Cũng với hành trang phong cách và tư duy ấy, Văn Trọng Hùng nhìn đâu cũng thấy nghịch lý. Vốn xuất thân là một nhà soạn kịch, soạn tuồng, thơ Văn Trọng Hùng chứa đầy mâu thuẫn, đầy những nút thắt và cao trào. Nhân xem vở tuồng cổ Nguyệt Cô hóa cáo anh viết những câu thơ cảm thương và uất hận. Những câu thơ nếu hát lên trong một làn điệu tuồng, nhiều người sẽ phải rơi nước mắt cảm thương:

Bỗng sụp đổ cả dinh cơ thành quách

Đêm giao duyên chết lặng giữa dối lừa

Em hiện lên ngơ ngác bơ phờ

Thân quằn quại, mái tóc mềm rũ rượi...

Rồi nhà thơ viết tiếp quằn quại hơn, u uất hơn:

Giá thân trước biết lòng kia đen bạc

Thì bây giờ đâu quặn thắt thân sau

Giá lúc trước biết tâm người xem ngọc

Thì bây giờ đâu uất uất nỗi niềm đau...

(Nguyệt cô)

Thơ Văn Trọng Hùng nghiêng về mô tả nội tâm và suy tưởng, vì vậy đọc anh ta muốn được sẻ chia và đồng cảm. Nhiều khi, trong một đề tài và tình huống không có gì mới, anh cũng có được những nghĩ suy sâu sắc và những câu lục bát đột phá:

Đêm qua uống rượu một mình

Bạn thơ cách trở, bạn tình xa xôi...

Trong nỗi cơ đơn đến cô độc ấy, những câu thơ vụt hiện:

Ly này cạn với sao trời

Ly này trách giọt sương rơi vô tình

Ly này buồn nợ ba sinh

Ly này tiễn một mối tình vừa tan.

(Uống rượu một mình)

Người thơ ấy là người thơ nặng tình, nặng nghĩa. Thơ ấy là thơ của tiếng lòng day dứt khôn nguôi. Trước cuộc đời rộng lớn, nhà thơ luôn cảm thấy mình như một người mắc nợ, mắc nợ cuộc đời, mắc nợ nhân gian.

Đầu tiên là nợ bạn:

Bạn trải một manh chiếu rách

Bày ra xị rượu nhà quê

Rồi kể về Hồng Lâu Mộng

Mơ màng như tỉnh như mê...

Rồi kịch tính được đẩy lên cao trào:

Bỗng đâu mưa gió tràn về

Giật mình nhìn lên nhà bạn

Trống huênh trống hoác sao khuê

Vua chúa mờ trong hơi nước

Thi nhân gió giật bốn bề

(Bạn tôi)

Nợ bạn đã vậy, nợ vợ thì sao? Nhà thơ đã viết những câu thơ hài hước, hóm hỉnh nhưng cũng đầy chua xót:

Biết bao nhiêu bậc tài hoa

Sao em lại chọn chính ta làm chồng?

Dài lưng tốn vải lại ngông

Áo cơm lớt phớt, lông bông cười khà

Khi kịch cọt, lúc thi ca

Chén thù chén tạc la đà thâu canh...

(Chọn chồng)

Nợ vợ, nợ bạn đã kinh hãi thế, còn nợ tình thì sao? Xem ra thi sĩ là một con nợ khó đòi, rất ít khả năng chi trả. Chỉ có nhớ thương đem gán nợ mà thôi:

Khoảnh khắc này anh càng nhớ về em

Nhớ Tháp Rùa, nhớ Hồ Gươm da diết

Xuân đã đến nào ai ngăn cản được

Gió tương tư thổi tím mặt sông Hồng...

Công cuộc "trả nợ đời" của thi sĩ Văn Trọng Hùng xem chừng còn gian truân lắm, bởi trong thẳm sâu tâm hồn, anh là kẻ đa mang. Anh tự thú nhận rằng:

Bây giờ chúng mình là những mảnh đá ở trần gian

Tiếc chăng em những ngôi sao lạc ở thiên đàng?

Vậy mà ngay sau đó anh lại đắm say:

Thanh thản ta dắt nhau vào mộng

Toan tính làm chi những được thua

Trăng đã lặn xin tạc vào mây trắng

Trái tim yêu mãi mãi với nghìn xưa

(Phút suy tư)

Thơ Văn Trọng Hùng đắm say mà tung tẩy, hài hước trong suy tư, ngất ngưởng mà tỉnh rụi. Người thơ ấy mang trong mình một dòng máu nghệ sĩ rạo rực, khát khao yêu thương và tung phá, nhưng lại biết khuôn mình trong cuộc sống quan phương. Người thơ ấy mâu thuẫn lắm thay, mâu thuẫn ngay trong thơ và trong kịch. Vậy nên trước một tình vừa chớm nở, anh đã linh cảm rằng: Ly này tiễn một mối tình vừa tan...

. Trịnh Thanh Sơn

 

Nhớ Hà Nội

Đêm giao thừa anh muốn gởi cho em

Những vần thơ từ Quy Nhơn - Ghềnh Ráng

Ôi cái phút đất trời giao cảm

Ngọn cỏ bên đường cũng hóa thiêng liêng

Khoảnh khắc anh càng nhớ về em

Nhớ Tháp Rùa, nhớ Hồ Gươm da diết

Xuân đã đến nào ai ngăn cản được

Gió tương tư thổi tím mặt sông Hồng

Chắc em buồn và khắc khoải chờ mong

Lại nhớ về anh với tháp Chàm dịu vợi

Trời đất rộng hỏi ai chờ, ai đợi

Ánh trăng nào run rẩy bến My Lăng

Khuya lắm rồi, Hà Nội rét không em

Giá được gần nhau chung làn hơi ấm

Thôi hãy ngủ cho giấc mơ nồng thắm

Mình sẽ gặp nhau

giữa huyền thoại Quy Nhơn

 

. Văn Trọng Hùng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện tấm tôn cũ  (29/07/2005)
Họa sĩ Bình Định liệu có "vượt vũ môn" ?  (29/07/2005)
Thử nghiệm thành công những dụng cụ dùng đuổi chim  (29/07/2005)
Ca sĩ Hơ Linh hát bằng cả con tim  (29/07/2005)
Hát ru - chìa khóa mở cửa tâm hồn  (28/07/2005)
Ngày hội của núi rừng  (28/07/2005)
Truyền hình cáp Quy Nhơn tăng thêm 3 kênh chương trình  (27/07/2005)
Về hình tượng con tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ (*)  (26/07/2005)
Khôi phục Lễ hội Đổ giàn   (25/07/2005)
Hai đội An Lão và Vân Canh đoạt giải nhất toàn đoàn về văn hóa   (25/07/2005)
"Hằng năm" của Trần Thị Huyền Trang   (24/07/2005)
Hương nguyệt quế   (22/07/2005)
Quy hoạch Hoàng thành   (22/07/2005)
Nghệ nhân Chí Hiếu: Một đời đam mê bài chòi   (22/07/2005)
Thơ Nguyễn Đình Lương, Đào Duy Anh   (22/07/2005)