Tìm về những chốn linh địa, hay những địa danh đã hằn trong tâm thức cộng đồng, người ta vẫn không quên ghé đến bên những gốc cổ thụ. Ngồi dưới tán cây, ta cảm thấu nhịp biến chuyển của lịch sử, biến đổi thời gian hằn in trên từng nếp vỏ cây...
|
Cây cừa tại Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (Tam Quan Nam, Hoài Nhơn). |
Gốc cổ thụ mà nhiều người trong chúng ta từng ghé bước dừng chân khi thăm Bảo tàng Quang Trung, viếng điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, đó là cây me. Ấy cũng là điều hợp lẽ, bởi trong những di tích gắn với ba anh em nhà Tây Sơn, thì ngôi nhà của cụ Hồ Phi Phúc đã bị nhà Nguyễn phá hủy. Ngay đình Kiên Mỹ, nơi dân làng xây để bí mật thờ ba ngài Tây Sơn cũng đã bị phá, chỉ còn điện Tây Sơn mới được dựng lại vào năm 1961. Vậy là di tích quý giá nhất còn lại chính là cây me và giếng nước tương truyền đã có từ thời cụ Hồ Phi Phúc. Bởi vậy, nhắc đến Kiên Mỹ, người ta nhớ ngay đến câu ca dao đượm màu lịch sử: Cây me cũ, bến trầu xưa/ Dẫu không nên tình nghĩa, thì cũng đón đưa cho trọn niềm. Cây me đã trở thành một trong những biểu tượng gắn liền với người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hàng năm, những cây me con được ươm trồng từ gốc me này vẫn thường được khách thập phương xin mang về trồng.
Dừng bước ở Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn), nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Bình Định vào năm 1930, ai lại không một lần đứng bên gốc cây cừa. Dưới bóng cây này, những chiến sĩ cộng sản đã họp để tiến tới thành lập Chi bộ Cửu Lợi. Gốc cây trước đây khá to, nhưng do nâng nền khi sửa chữa nhà lưu niệm nên một phần gốc hiện đã nằm dưới mặt cát. Hiển hiện trước mắt ta, nay chỉ còn những nhánh nhỏ, mới nảy sau này. Dẫu vậy, những tán cừa vẫn như chở che, tỏa bóng... Người trông nom nhà lưu niệm cho biết: "Hôm xây nhà lưu niệm, mọi người nhắc nhau đã phải rất cẩn trọng, trồng cột làm hàng rào cũng trồng thiệt xa... Lỡ cây có mệnh hệ nào thì mình mang tội...".
|
Cây khế cổ thụ ở Hòn Chùa (Nhơn Mỹ, An Nhơn). |
Từ thị trấn Bình Định đi lên phía Tây chừng 13km, đến thôn Đại An (xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn), rẽ lên hướng bắc, ta gặp dãy đồi gọi là Đại An, còn có tên khác là Hòn Chùa. Hòn Chùa là nơi thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh, một trong những chi bộ cộng sản đầu tiên ở Bình Định. Địa điểm xây nhà lưu niệm hiện nay không nằm trên nền di tích cũ. Ngôi chùa cổ trên núi chẳng còn dấu tích, nhưng ngay dưới chân đồi, gần bên tấm bia di tích, có một cây khế cổ thụ. Hỏi các cụ già địa phương, mới biết cây khế này đã có hơn 200 năm tuổi. Cây khế đã bị tỉa bớt cành nhánh, nhưng gốc vẫn to, dáng vẻ sần sùi. Đi qua bao biến động, chứng kiến những thời điểm lịch sử, chắc rằng gốc khế cổ thụ còn vang vọng thanh âm vó ngựa Tây Sơn thồ vũ khí ở lò rèn ông Long về đánh giặc, rồi những tháng ngày đấu tranh cách mạng mà ngọn lửa được thắp lên ở chính nơi này từ tháng 10-1936(?)
Mỗi gốc cổ thụ gắn với những di tích ấy đều là những vật chứng bền lâu của những sự kiện lịch sử, đã là những dấu ấn trong tâm thức của nhiều thế hệ và trở thành niềm tự hào của những miền đất.
. Khải Nhân
|