Võ Ngọc Thọ làm thơ cứ điềm tĩnh và cần mẫn như một người thợ làm vườn. Sau 3 năm kể từ tập thơ Sợi tóc và vầng trăng, anh lại trình làng tập thơ mới Ươm mầm trên sóng*. Cả một quá trình vun bón, xén tỉa công phu để chọn ra 57 mầm thơ, cũng là điều đáng nể ở một người làm thơ không chuyên nghiệp mà nặng lòng với thơ.
Anh có giọng thơ của một người từng trải sự đời, đúc kết thành những triết lý thơ. Theo một truyền thống thi ca, người thơ thường tìm về hoa, trăng, cây cỏ để tìm một sự đồng điệu, suy ngẫm về những giá trị: sống - chết, hạnh phúc - khổ đau, ký thác vui buồn. Thế nhưng trong tập thơ này, Võ Ngọc Thọ đã gửi vào rất nhiều yêu thương nồng nàn như sóng trùng khơi. Trong một ý thức về thời gian đời người, anh chắt lọc nâng niu những mầm sống, chạy đua cùng thời gian:
Sẽ đáng tiếc
khi không còn đóa hoa nào
kịp nở từ cuộc đời của chính anh
(Hoa và gai)
Có thể xem những lời thơ sau là một tâm niệm của Võ Ngọc Thọ chăng:
Hoa im lặng tỏa hương
Cây im lặng ra quả
Đất lặng lẽ
Ươm mầm sự sống
Đêm lặng im
Thai nghén mặt trời!
Lặng lẽ
Trái tim
Chăm chỉ làm người
(Lặng lẽ)
Giữ một trái tim để chăm chỉ làm người giữa bao bộn bề cuộc sống bây giờ thật khó. Tôi nghĩ, thơ đã giúp anh có những khoảng cân bằng, để anh có thể mang những vần thơ - những cánh hồng tặng cuộc đời:
Từ ấy tôi yêu hoa hồng
ước mong thơ tôi mang tặng con người
những đóa hồng
làm vơi đi bao nhọc nhằn, bất hạnh.
(Từ ấy tôi yêu hoa hồng)
Những bài thơ triết lý đời người chiếm số lượng khá nhiều trong tập thơ này, có lẽ cũng là điều dễ hiểu ở một người đã vượt qua tuổi tri thiên mệnh. Nhưng tôi lại có nhiều cảm tình với mảng thơ anh viết cho bạn bè, viết về những người xung quanh: Người đưa thư, Người mẹ. Khi vượt ra khỏi những trầm ngâm chiêm nghiệm về cuộc sống, ít nhiều mang sắc thái tư biện, hướng về những cảnh đời, phát hiện những vẻ đẹp và nhận ra những niềm đau nhân thế, anh tạo được thơ rất tự nhiên, giàu tình cảm.
Bài Sống trên đá tặng cho nhà thơ Đào Viết Bửu là một bài thơ thành công, có những câu rất thơ và rất tri âm:
Suối trong mát hồn thi sĩ
Sống trên đá - sống như đùa
Đêm xuống nằm nghe đá thở
Tình đằm gửi tận phương xa
Ráng chiều còn vương mái tóc
Bạc phơ một ánh trăng tà.
Cái hay của bài thơ không nằm ở vần điệu mà chính là ở tấm lòng bè bạn. Võ Ngọc Thọ không phải là người chịu gò mình vào trong khuôn khổ mà anh thường chọn cho mình một lối diễn đạt ít nhiều trúc trắc, gập ghềnh. Lối tự sự ấy có thể giúp anh dễ diễn giải hết các ý tưởng thơ của mình, tuy rằng có một số bài còn lộ tứ nhưng có thể chắt lọc được những ý thơ đọng lại ở độc giả. Hãy nghe anh nói về màu tím trong một bài thơ tình:
Tôi đã qua thời tím giấc mơ
Mà nghe tóc bạc đến thẫn thờ
Chiều nay bỗng gặp bằng lăng tím
Lặng lẽ bên đời tím ngẩn ngơ
(Tím)
Cấu tứ thất ngôn ấy so với một bài lục bát được cắt dòng cũng tình và điệu không kém:
Một bên em
một bên thơ
Phần say
Phần tỉnh
Phần ngơ ngẩn tình
(Một nửa)
Tôi nghĩ, thơ Võ Ngọc Thọ đứng được là nhờ những liên tưởng độc đáo từ những điều tưởng khó thành thơ:
Cây ớt cho đời nếm vị cay
ứa nước mắt
thương con người;
một so sánh âm thanh:
Dậy sớm
Nấu ấm nước
Nghe tiếng reo
biết nước sôi
Nấu tình em
Cứ reo hoài
Chẳng chịu sôi
Tập thơ thứ hai của Võ Ngọc Thọ tiếp tục một hướng tìm tòi của riêng anh về quê hương đất nước, đời người tình người. Anh còn nhiều trăn trở với thơ, với đời lắm! Tôi chợt nghĩ về tên gọi Ươm mầm trên sóng anh đặt chung cho tập thơ cùng lời tự nhủ:
Thử ươm mầm trên sóng
Hãy tin
Có ngày sóng nở hoa
Hóa ra, sóng đâu chỉ phù du, bồng bềnh, bọt bèo. Cuộc đời đâu chỉ có những dòng xô đẩy bất tận cuốn kiệt đi sức sống. Anh hãy ươm mầm thơ, ươm mầm sống cho đời bằng tấm lòng bền bỉ. Hãy tin có ngày sóng nở hoa. Tôi cũng tin như vậy!
Xin chúc mừng anh!
. Trần Hà Nam
Quy Nhơn, tháng 7 năm 2005
* NXB Đà Nẵng 2005 |