Phục hồi vẻ đẹp cho tháp Cánh Tiên
14:17', 5/8/ 2005 (GMT+7)

Với sự tài trợ của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức thông qua Tổng lãnh sự quán Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua, dự án trùng tu tôn tạo tháp Cánh Tiên đã chính thức khởi công. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2,7 tỉ đồng…

         Tháp Cánh Tiên chuẩn bị được trùng tu.

Tháp Cánh Tiên thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 25km về phía Tây - Bắc. Trong 13 cổ tháp hiện còn ở Bình Định thì Cánh Tiên là ngôi tháp có vị trí đặc biệt nhất vì nằm ở trung tâm thành Đồ Bàn. Vẻ đẹp hoành tráng của Cánh Tiên với các cột ốp, các vòm cửa vút cao hình mũi giáo rõ nét, các trang trí góc vươn lên chắc khỏe, tháp lại nằm ngay trên đỉnh đồi ở trung tâm nên tạo thành một điểm nhấn giữa cổ thành. Theo sự phân định của P. Stern (nhà nghiên cứu nghệ thuật người Pháp) thì tháp Cánh Tiên cùng nhóm niên đại với các tháp Thủ Thiện và Bánh Ít, hợp thành một nhóm điển hình nhất của phong cách Bình Định, nhưng lại khác biệt với Hưng Thạnh và Dương Long nên có khả năng được xây dựng sau, có thể thuộc thế kỷ XIII.  

Qua thời gian, tháp Cánh Tiên đã xuống cấp trầm trọng. Ngay từ đầu thế kỷ XX, toàn bộ vòm cửa dẫn của tháp đã hoàn toàn sụp đổ, mặt tường trong lòng tháp và đế tháp đã sạt lở. Năm 1972 và 1973, vòm cửa dẫn vào chân tháp được gia cố bằng xi măng nhưng đến nay đã có hiện tượng bong tróc các mảng. Các khối xây gia cố này lại không bảo đảm về mỹ quan, chưa được nghiên cứu về tỷ lệ kiến trúc và sự hòa nhập về chi tiết trang trí. Ngày càng xuất hiện nhiều vết nứt, mảng vỡ và rêu mốc xâm thực bề mặt tháp. Có những vết nứt dọc dài đến 9m chạy qua độ dày tường tháp, làm chuyển vị trí kiến trúc, kết cấu bị cắt vụn, dễ sụp đổ. Các tầng trên của tháp đã bị sạt lở nặng, góc các tầng đã mất nhiều chi tiết cấu tạo đầu cột, các chi tiết đá trang trí góc rơi vỡ nhiều.

Để trả lại vẻ đẹp cho cổ tháp, trước tiên, những người trùng tu sẽ tiến hành khai quật khu vực xung quanh chân móng tháp, xử lý các hiện vật thu được và gia cố bảo vệ nền móng được phát lộ. Đồng thời, tiến hành làm sạch mặt tường tháp và diệt cây cỏ nấm mốc, gia cố vết nứt, neo giữ các khối xây bị sạt lở; xử lý chống phong hóa, làm cứng bề mặt, ngăn chặn quá trình bong tróc lớp mặt và tái định vị các thành phần rơi vỡ. Với các thành phần chưa có đủ căn cứ phục hồi sẽ bảo vệ nguyên gốc. Ngoài ra, còn tiến hành dọn dẹp mặt bằng di tích, cải tạo mặt nền gò đất xung quanh chân tháp, tôn tạo cảnh quan, xây dựng tường rào bảo vệ và các công trình phụ trợ như cổng, sân vườn, hệ thống điện nước phục vụ cho việc phát huy giá trị của di tích.

Việc tu bổ, phục hồi sẽ vừa giúp tháp có được sự ổn định về kết cấu, hoàn thiện về thẩm mỹ, gần hơn với hình ảnh vốn có, đồng thời góp phần giữ gìn những yếu tố kiến trúc và nghệ thuật nguyên gốc. Các khối xây phục hồi và gia cố được xây thành hai phần. Với phần lõi, gạch sẽ được mài phẳng, có vữa mỏng liên kết; với phần vỏ, gạch mài phẳng bằng phương pháp mài chập, sử dụng chất kết dính là nhớt cây ô dước hoặc bời lời. Gạch phục chế làm theo kiểu gạch Chăm, được đánh dấu niên đại và nơi sản xuất.

Với dự án trên, hẳn Cánh Tiên sẽ được phục hồi lại vẻ đẹp vốn có và sớm phát huy giá trị.

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Viên ngọc thô đã tỏa sáng  (05/08/2005)
Phát hiện mới chưa nhiều  (05/08/2005)
"Ươm mầm trên sóng" của Võ Ngọc Thọ  (04/08/2005)
BTV phát sóng Tháng phim Việt Nam  (04/08/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (03/08/2005)
Cổ thụ - vật chứng của lịch sử  (02/08/2005)
Tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật năm 2005  (02/08/2005)
Vợ nhặt (*) - một nhan đề hàm súc  (02/08/2005)
Hai lớp đại học mỹ thuật và âm nhạc khóa đầu ra trường  (02/08/2005)
Văn Công Cường đạt giải nhất  (01/08/2005)
Khởi công công trình bảo tồn, tôn tạo Tháp Cánh Tiên  (31/07/2005)
Ly này tiễn một mối tình vừa tan  (02/08/2005)
Chuyện tấm tôn cũ  (29/07/2005)
Họa sĩ Bình Định liệu có "vượt vũ môn" ?  (29/07/2005)
Thử nghiệm thành công những dụng cụ dùng đuổi chim  (29/07/2005)