Từ lâu, bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi đã có mặt trong sách giáo khoa nhưng cho đến nay, câu thơ trên vẫn còn tồn tại hai cách hiểu khác nhau.
Có ý kiến cho rằng đó là "chân dung tự họa của tác giả", cụ thể hơn "những người thanh niên trí thức vừa từ biệt thành phố thân yêu để lên đường tham gia kháng chiến" (Sách GV Văn học 12, tập 1 - Sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000).
Có ý kiến ngược lại, "không thể hiểu là người ra đi kháng chiến" nếu đặt câu thơ này trong khổ thơ hoài niệm về "những ngày thu đã xa" của Hà Nội trước cuộc chiến tranh (Sách GV Văn học 12, tập 1, Ban KHXH).
Một câu thơ nhưng các tác giả của sách giáo viên không chỉ hiểu khác mà còn đối lập nhau.
Trong tiếp nhận văn học, hiểu khác nhau về một câu thơ, bài thơ là chuyện bình thường. Mọi cách hiểu đều có thể chấp nhận nếu tôn trọng tính toàn vẹn của văn bản, lắng nghe tiếng nói nghệ thuật của tác phẩm để nhận ra ý nghĩa của nó. Hai cách hiểu trên đều có căn cứ từ văn bản nhưng cách hiểu thứ nhất e không hợp lý bởi mấy lẽ sau:
- Người ra đi vào mùa thu không phải là người lên đường tham gia kháng chiến vì cuộc kháng chiến nổ ra vào mùa đông năm 1946.
- Trong dụng ý nghệ thuật của mình, nhà thơ muốn ngợi ca mùa thu mới của đất nước nên so sánh mùa thu nay với "những ngày thu đã xa". Theo tác giả, "đã xa" là đã xa trong kỷ niệm, không phải đã xa trong một thời gian cụ thể nào. Và "những ngày thu" ở đây cũng không phải là một mùa thu cụ thể năm nào.
Từ chỗ xác định thời gian nghệ thuật, tác giả Nguyễn Đình Thi giải thích: "Người ra đi này cũng không phải là tác giả hoặc một người cụ thể nào - người ấy ra đi, có thể là đi làm cách mạng hoặc vì một lẽ khác, vì một bi kịch chung hoặc riêng… dù sao đấy cũng là một người bỏ nơi ở, bỏ nơi mình quen sống để ra đi, người ấy có nhiều nông nỗi, nhiều tâm trạng… Người ra đi ấy có một cảnh ngộ nào đấy ta không biết rõ." (Báo Văn nghệ số 53-1994).
Như vậy, Nguyễn Đình Thi muốn diễn tả một người giã từ Hà Nội ra đi với tâm trạng buồn để từ đó làm rõ niềm vui của con người ở mùa thu nay: "Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi". Nhưng sáng tạo văn chương còn có phần tiềm thức, vô thức. Có lẽ hình ảnh những tráng sĩ, những khách chinh phu, hình ảnh Kinh Kha… ẩn sâu trong tâm hồn người trí thức tiểu tư sản Nguyễn Đình Thi giờ sống lại, hóa thân vào người ra đi và hiện ra trong tư thế "đầu không ngoảnh lại".
Các tác giả của Đáp án đề thi môn Văn khối D năm 2003 viết một cách rất thận trọng: "Nhà thơ đã ghi lại hình ảnh của những người Hà Nội phải rời thành phố rất đỗi thân yêu ra đi, dứt khoát nhưng cũng đầy lưu luyến".
Cái khó của người dạy Văn là phải phấn đấu hiểu thấu đáo áng văn để hướng dẫn học sinh thâm nhập vào chiều sâu hình tượng nghệ thuật, nắm bắt thông điệp thẩm mỹ của tác giả. Trước những áng văn có nhiều cách hiểu khác nhau, người giáo viên buộc phải cân nhắc, lựa chọn cách hiểu hợp lý nhất.
Về trường hợp câu thơ Nguyễn Đình Thi, chúng ta có thể tham khảo ý kiến của chính nhà thơ trên báo Văn nghệ số 53 (31-12-1994).
. Đỗ Em |