Tôi choáng ngợp khi đặt chân vào gian phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tại shop hàng lưu niệm "Quà Quê" của anh. Này là bến nước, con đò, ngọn lau, cọng rơm, bó rạ, con trâu… kia là mái nhà, khung cửi, võng ru… Tất cả đều làm bằng mây, tre, nứa lá, rất sống động và mang đậm hồn quê Việt.
* Từ rẻo gỗ đến ý tưởng
|
Lúa về. |
Sinh ra giữa vùng quê nghèo xã Cát Chánh (Phù Cát), anh Nguyễn Văn Long (1967) có quãng đời dài gắn bó với lũy tre làng, cây đa, bến nước, con đò… trước khi về sống ở TP Quy Nhơn. Chuyện anh đến với việc sản xuất hàng mỹ nghệ cũng khá bất ngờ, bởi vốn dĩ anh đã làm rất nhiều công việc khác như: sửa chữa đồng hồ; gia công mỹ nghệ vàng, bạc; buôn bán hàng tàu, nhân viên tiếp thị và cả mở quán nhậu... Trong thời gian mở quán nhậu, ở gần nhà anh (đường Nguyễn Duy Trinh - Quy Nhơn) có một xưởng mộc, các loại gỗ rẻo dư thừa bỏ ra từ đây được vợ chồng anh xin về đun nấu bán quán. Đôi lúc ngồi nhặt nhạnh những miếng gỗ rẻo, anh Long ngắm nghía thấy có những hình dáng hay hay, ý tưởng tạo hình trong anh trỗi dậy. Anh bắt đầu để ý hơn đến những khúc gỗ rẻo, đi trên đường mà bất chợt nhìn thấy những hình thù là lạ là anh lại "tha" về… Rồi anh vừa phụ vợ buôn bán, vừa tạo hình các mảnh gỗ chơi theo sở thích của mình. Về sau, thấy chất liệu gỗ thô cứng quá, không gần gũi với đời sống thế là anh quyết định đi tìm chất liệu thuần túy của quê hương như mây, tre, nứa, lá cọ, mo cau, sọ dừa… để thể hiện ý nghĩa tác phẩm mà anh thích làm. Anh đã ngược về các vùng quê ở huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát để tìm kiếm nguyên liệu. Và mỗi chuyến đi tìm vật liệu này, anh đều không quên mang theo cái máy ảnh để chụp đồng quê, những hình ảnh nói lên nỗi vất vả của người nông dân… rồi phát sinh ý tưởng. Cùng lúc ấy, anh cất công nghiên cứu, tìm hiểu những mặt hàng lưu niệm trên thị trường. Cảm nhận của anh là các sản phẩm mỹ nghệ bán ở thị trường hầu hết là sự trùng lặp, đơn điệu, mang tính thực dụng nhiều hơn là nghệ thuật; lại ít có hồn, chiều sâu. Vậy là anh bắt đầu một lĩnh vực hàng mỹ nghệ mới. Những tác phẩm bằng chất liệu đồng quê của anh chất chứa tâm huyết, một tình yêu quê hương sâu đậm. Bạn bè, anh em xa quê về thăm nhà, nhìn thấy những tác phẩm của anh đã rất đỗi ngạc nhiên.
Anh Long tâm sự: "Thú thực, ban đầu tui chỉ ngẫu hứng làm chơi thôi. Sau được mọi người khuyến khích nên tui quyết làm. Mà đã làm thương mại thì cần nhiều tiền để mua vật liệu, máy móc hỗ trợ mới có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác… Do vậy, với tui bây giờ vốn rất cần thiết…".
* Mỗi tác phẩm là một bài thơ
|
Anh Long trong phòng trưng bày tác phẩm. |
Bắt đầu từ tháng 1-2005, anh bắt tay vào việc. Máy móc, thiết bị được đầu tư ngày một nhiều. Trên diện tích gần 70 m2, với vốn ban đầu 20 triệu đồng đầu tư trang thiết bị, nguyên vật liệu gồm: máy khoan bàn, máy khoan tay, máy cưa lộng, máy chà nhám, máy cưa và máy bào... Cả thảy công việc cho 4 người: anh, người em trai và hai thợ. Tác phẩm anh làm ra có hai loại: tôn tạo tự nhiên để thành một tác phẩm nghệ thuật và sáng tạo hoàn toàn. Loại thứ 2 có thể làm phiên bản được, chứ loại đầu chỉ có một. Sản phẩm là một bức tranh đồng quê thu nhỏ của không gian ba chiều, chất liệu dân dã. Từ giếng nước, bó rơm, bến đò, mo cau, lau lách… cho đến những mái nhà tranh, hàng rào, chum nước… hay bất cứ một thứ gì của quê hương cũng có thể đi vào tác phẩm của anh. Điều đặc biệt là mỗi sản phẩm tượng trưng đều có tên gọi, có chủ đề và còn có hai câu thơ do anh sáng tác kèm theo để minh họa. Như tác phẩm "Nhọc nhằn" thể hiện người phụ nữ đi mót lúa, trên đầu đội nia lúa… lại được anh minh họa bằng hai câu thơ: "Mẹ về bó rạ bên hông/ Đầu đội nia lúa, lưng còng nắng mưa". Tác phẩm "Chờ", đó là hình ảnh người phu kéo xe thời Pháp thuộc, xe ế khách, ông phu ngồi gục đầu, vắt chân, dáng người ủ rũ. Tác phẩm này lại được anh dùng hai câu đối minh họa: "Khách vắng chiều nay xe mỏi đợi/ Người thưa hôm trước mắt mòn trông". Hay như tác phẩm "Chốn xưa" hình ảnh chuồng bò, ụ rơm kết hợp, chỉ nhìn qua đã khiến người xem nhớ quê hương da diết: "Người đi xa xứ phương trời/ Chốn xưa ghi dấu muôn đời chẳng quên". Tác phẩm "Mẹ ru con" thì thơ minh họa là "Ầu ơ, dăm tiếng mẹ ru/ Bao lời mơn ngọt thắm sâu giấc nồng". Tác phẩm "Hồ trường" là hình ảnh một người trượng phu vác chiếc bao bố, tựa lưng vào bao uống rượu. Hay như tác phẩm "Đợi" - chỉ cần vài cọng mây, vài lá cọ thì đã có một bức tranh diễn tả cảnh con thuyền cắm sào đợi khách… Tác phẩm tự nhiên mang tên "Đồng hành" là hai khúc cây, anh tự thêm vào một quả bầu, diễn tả được một người đàn ông cầm bình rượu dắt người vợ đi suốt cuộc đời đã được một Việt kiều ở Mỹ rất yêu thích và chọn mua. Bán xong, anh lại tiếc ngẩn ngơ. Hiện nay, tác phẩm "Lúa về" đang bán chạy nhất, vì bối cảnh sinh động, hình ảnh quá thật với những chất liệu: nứa, tre, mây, cọ và vải bố… Mỗi bận làm xong một tác phẩm anh thường dừng lại hít hà, chiêm ngưỡng với tâm trạng lâng lâng vui sướng, rồi lại nghĩ ra hai câu thơ minh họa.
Vợ anh, chị Thái Thị Xuân Thiện, tâm sự: "Ảnh có duyên nợ với cái nghề mỹ nghệ này nên làm việc rất hăng say. Dù sớm hay khuya, chỉ cần nghĩ ra ý tưởng là ảnh quyết làm cho xong tác phẩm để xem nó ra thế nào. Quán nhậu đông, tui muốn ảnh ra phụ nhưng ảnh thì cứ chăm chú mãi với công việc của mình nên đôi lúc cũng bực mình. Nhưng lúc nghĩ lại thấy ảnh thật đáng thương. Về sau thấy bán quán nhậu ảnh hưởng nhiều đến công việc của anh quá, nên tôi đã quyết định nghỉ quán để phụ làm cho ảnh. Tháng 6 vừa qua, tôi đã quyết định nghỉ hẳn quán để anh tập trung đầu tư vào công việc này…".
* "Quà Quê" cho người ở phố
|
Đi lưới. |
Để sản phẩm có thể tiêu thụ được, với vốn liếng học được từ nghề tiếp thị, tháng 5-2005, anh đã làm chuyến khảo sát thị trường đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt và quyết định đưa sản phẩm của mình thâm nhập vào các thị trường này. Đây là những nơi có tiềm năng du lịch mà cũng là những nơi chuyên sản xuất hàng mỹ nghệ nên cuộc cạnh tranh cũng đầy khốc liệt. Tuy vậy, hiện tại anh đã có hai hợp đồng lớn bao tiêu sản phẩm ở hai thành phố du lịch này. Mỗi lần đặt hàng phải sản xuất cả trăm sản phẩm, giới hạn làm trong một tháng. Với anh, đây là bước thử thách đầu tiên để làm bệ phóng về sau. Nhưng do không có vốn nên cơ sở anh chỉ có người nhà làm là chính, chưa dám khuếch trương. Anh tha thiết muốn mở rộng hoạt động nhằm tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo ở Bình Định cũng đồng thời giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều người, tiếc là điều kiện vốn bây giờ không cho phép.
Cái tên cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ "Quà Quê" cũng có nghĩa là món quà quê hương, chỉ cần nhìn thấy quà là nhớ quê. Dẫu vậy hiện tại anh vẫn quá thiếu thời gian để tập trung nghĩ mẫu cho tác phẩm. Bởi vì tất cả mọi khâu, từ nghĩ mẫu mã, kích thước, đến catalogue, bao bì đựng sản phẩm cũng đều do một mình anh nghĩ; và cả khâu vật liệu rất quan trọng, cũng chỉ có anh mới biết để tìm mua… Rồi còn thời gian chào hàng… Giá mà Quà Quê có cả một tập thể để thể hiện ý tưởng hẳn rằng việc sáng tạo mẫu mã sẽ đa dạng, phong phú hơn, góp phần làm đẹp hơn cuộc sống đời thường, dân dã của làng quê Việt Nam… và tạo thêm tiếng nói riêng cho mặt hàng mỹ nghệ Bình Định.
. Hải Âu
|