"Ra đi để giữ vững ngọn cờ độc lập" là chủ đề tác phẩm Đài kỷ niệm tập kết ra Bắc trên bãi biển Quy Nhơn vào năm 1954 của tác giả Lâm Quang Nới (thành phố Hồ Chí Minh) đã được chọn và hiện đã qua chỉnh lý bước 2.
|
Phối cảnh phác thảo tác phẩm Đài kỷ niệm tập kết ra Bắc trên bãi biển Quy Nhơn.
|
* Cuộc ra đi để trở về
Cuộc tập kết trên bãi biển Quy Nhơn vào năm 1954 là một sự kiện chính trị ghi dấu trong lịch sử và trong lòng người dân. Nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, nguyên Phó ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, là một trong những người đi trên chuyến tàu tập kết cuối cùng trên biển Quy Nhơn, đã từng ghi lại cảm xúc của mình trong giờ tạm biệt: Có cái cảm giác một đêm Quy Nhơn không ngủ. Có cái thao thức của những người lính tập kết trước giờ từ biệt thành phố cảng để lên đường. Ấy cũng là đêm không ngủ của người dân Quy Nhơn chia tay bộ đội. Ấy là đêm sống dậy trong lòng người lính trước giờ lên đường những kỷ niệm, về những chặng đường tranh đấu của Quy Nhơn. Quy Nhơn những năm 1930, 1931 lần đầu tiên xuất hiện những truyền đơn truyền đạt đến nhân dân lời kêu gọi chiến đấu của Đảng. Quy Nhơn những ngày bị chiếm chiến đấu với hầm chông, cạm bẫy. Và Quy Nhơn sau những ngày giải phóng trở thành nơi tập kết cuối cùng của Liên khu…
Cảm động nhất trong bài viết này vẫn là hình ảnh một em bé Quy Nhơn ôm lấy anh bộ đội khóc nức nở vì "Trong 8, 9 năm kháng chiến đã có khi nào xa các anh lâu thế đâu? Huống hồ, các anh đi, chúng nó sẽ đến!".
Trên con tàu rời bến Quy Nhơn, những lời nói ấy vẫn còn văng vẳng trong tâm trí, như gây thêm trong người chiến sĩ cách mạng niềm tin tưởng, phấn chấn: "Tôi hít mạnh không khí trong lành của biển cả, nhìn mặt trời hừng sáng, nhìn gương mặt trầm ngâm nhưng chứa đựng một niềm phấn khởi lắng sâu trong lòng mọi người, lòng tràn đầy hy vọng ở ngày thắng lợi, ở ngày về". Và phải chăng, đó cũng là lời ước hẹn của những người ra đi, giờ tạm biệt.
"Các anh ra đi, nhưng nhất định sẽ về" - người chiến sĩ ấy đã hứa như vậy. Và, họ đã trở về với những đoàn quân đêm đêm băng qua lửa đạn của kẻ thù, diệt ấp phá kìm, giải phóng thôn làng, giải phóng quê hương bằng mốc son lịch sử ngày 31-3-1975: ngày trở về toàn thắng.
* Một biểu tượng đẹp cho Quy Nhơn
Với ý nghĩa quan trọng của sự kiện ấy, chủ trương xây dựng đài kỷ niệm tập kết ra Bắc trên bãi biển Quy Nhơn nhận được sự đón đợi của nhiều người. Theo dự kiến, đài kỷ niệm sẽ được dựng trên mảnh đất có diện tích 800m2 (dài 40m, rộng 20m), nằm ở phía trước Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn. Đài kỷ niệm dài khoảng 8m, trong đó riêng phần phù điêu dài 7,5m, còn lại là khối biểu tượng cao 9,5m, thể hiện hình ảnh chiếc mũi tàu vươn ra trên sóng, trên đó, thay cho cột buồm là hai cánh tay giương cao ngọn cờ, thể hiện rõ chủ đề tác phẩm: giữ vững ngọn cờ độc lập. Khối phù điêu cao 2,5m, tái hiện hình ảnh nhân dân miền Nam, trong đó có gia đình, lưu luyến tiễn con em của mình lên đường tập kết ra miền Bắc, ánh mắt như muốn gửi gắm niềm tin vào một ngày đoàn tụ trong độc lập.
Nhìn chung, tác phẩm của tác giả Lâm Quang Nới có bố cục đẹp, tuy đơn giản nhưng đã thể hiện khá rõ chủ đề tác phẩm. Nhiều chi tiết công phu như hình ảnh mũi tàu được thể hiện ấn tượng, rắn rỏi. Qua hai lần góp ý, tác giả cũng đã có chỉnh lý, nhất là trong phần phù điêu, thể hiện rõ hơn hình ảnh nhân dân miền Nam tiễn những người con, em mình lên đường. Đài kỷ niệm lại được thể hiện trên cả hai mặt đá hoa cương nên khi đặt trong khuôn viên chung, có đài hoa trang trí, bệ tam cấp đá, sẽ có sức thu hút và lay động lòng người.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, thời gian tới, trên con đường Xuân Diệu, trước mặt bãi biển Quy Nhơn, sẽ có thêm một đài kỷ niệm đẹp, có ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc.
. Lê Viết Thọ |