Cuốn sách ấy không được viết bởi một nhà văn chuyên nghiệp, thậm chí không phải viết ra để in, để dự thi, để được giải thưởng, và dĩ nhiên, không phải để trở thành "cuốn sách bán chạy nhất" (best seller).
Cuốn sách ấy, người viết chỉ viết riêng cho 1 người đọc, là chính mình. Đó là cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm hiện đang trở thành một trong hai cuốn sách bán chạy nhất tại Việt Nam, dù mới được in ra chưa đầy 1 tháng.
Các phương tiện thông tin đại chúng đã nói rất nhiều về hành trình kỳ lạ của cuốn nhật ký này 35 năm sau ngày tác giả của nó hy sinh tại chiến trường Đức Phổ. Cuốn nhật ký chỉ chịu dừng 2 ngày trước lúc chị Thùy Trâm hy sinh, và sau đó là gần 35 năm lưu lạc tận đất Mỹ.
Số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký có thể gây tò mò cho một số người, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định để trở thành một cuốn sách best seller một khi được in ra.
Nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết những trang nhật ký ấy ngay giữa chiến trường, ngay dưới bom đạn và trước sức ép những trận càn của giặc. Viết để tâm sự với chính mình, để gửi gắm những yêu thương đến gia đình, những nỗi đau khổ dằn vặt đến người mình yêu, những tình cảm sâu sắc và vô tư đến đồng đội đồng chí bạn bè mình. Viết để sẻ chia những điều không dễ gì chia sẻ, không biết cùng ai chia sẻ. Viết như một nhu cầu nội tại, hơn cả những nhu cầu bình thường hàng ngày của con người.
Xuất thân từ một gia đình trí thức có nền, có văn hóa cao, bản thân là một trí thức trẻ nên dù không theo nghiệp văn chương nhưng chị Thùy Trâm là người viết "rất có văn". Chất văn thấm đẫm trong từng trang nhật ký, như chính tình yêu thương con người mênh mang của chị. Đó là người làm chủ được ngôn ngữ viết, diễn đạt được những gì mình muốn bằng những lời chữ, hình ảnh xác thực và đầy xúc cảm.
Không phải vô cớ mà nhiều người Mỹ khi đọc qua bản dịch cuốn nhật ký này đã không tin rằng đó là do một người bình thường, không phải nhà văn viết ra. Họ ngạc nhiên như thế là đúng. Không hề có ý định làm văn học, không viết nhật ký theo kiểu một nhà văn viết nhật ký, nhưng cũng giống như "Nhật ký Anne Frank", cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm đã thực sự là một tác phẩm văn học.
Ở đây, phải chú ý đến tính thể loại đặc biệt của nhật ký, tạm gọi là "nhật ký-văn học". Nó thu hút, thuyết phục, thậm chí chinh phục người đọc không phải bằng "cách viết", "lối viết", mà bằng sự chân thành đến tuyệt đối khi viết, sự vô tư tuyệt vời khi viết. Như qua một tấm gương trong trẻo, toàn bộ con người của người viết nhật ký hiện rõ qua nhật ký. Nếu chị Thùy Trâm may mắn còn sống, sẽ chẳng bao giờ chị cho in cuốn nhật ký này, dù nó có lưu lạc 35 năm tại Mỹ đi nữa, dù được bao nhiêu người đọc hâm mộ đi chăng nữa. Bản tính nhạy cảm, đầy tự trọng và vô cùng khiêm nhường của Thùy Trâm cho ta đoán như vậy.
Nhưng bây giờ, khi chúng ta đã mất một con người, một người con gái thiên thần như vậy, thì may mắn thay, ta lại còn cuốn nhật ký như minh chứng cho sự bất tử của tâm hồn và tình yêu thương. Bài học mà cuốn nhật ký này để lại cho những người viết văn, theo tôi, là người viết phải sống hết mình, yêu thương và căm giận hết cỡ, và tuyệt đối chân thành với chính mình, cũng là chân thành với cuộc đời.
Cứ như thế, cộng với cái "trời cho" là tài năng, nhà văn sẽ có tác phẩm, dù không "ngang tầm thời đại" gì đó như người ta hay nói, thì đơn giản nhất, cũng khiến người viết không phải ngượng với chính mình.
. Thanh Thảo |