Thơ buồn cho biển
14:26', 10/8/ 2005 (GMT+7)

         Biển Quy Nhơn (ảnh: Ngọc Lối)

Tôi nhớ có lần, nhà văn người Mỹ Allan Egar Poe viết rằng "Gam buồn là gam chủ đạo của thơ ca", ngay đến Nguyễn Du cũng từng cảm khái "Văn chương tiếng thở như lời tơ than" (Bản dịch của Bùi Giáng). Nỗi buồn gần lắm với thơ ca vậy thay! Nếu nỗi buồn kết hợp với không gian bao la của biển, với ánh hoàng hôn của một ngày tàn và nỗi đau bệnh tật của nhà thơ thì chắc hẳn bài thơ ấy sẽ vô cùng xót xa, thấm thía. Một bài thơ như vậy có thể tạo được nhiều nỗi xúc động và cảm thông nơi tâm hồn người đọc.

Tôi muốn nhắc đến người con gái tuổi đôi mươi, đồng thời cũng là thi sĩ mang mặc cảm tật nguyền Hàn Lệ Thu và bài thơ "Biển chiều".

Theo sách "Thi ca Miền Trung" của Lương Trọng Minh, Hàn Lệ Thu tên thật là Nguyễn Thị Thu Cúc, sinh ngày 12-4-1944 tại Tuy Phước, Bình Định, con út của cụ Nguyễn Thế Anh - tức Đại đức Thích Quảng Nguyện. Hàn Lệ Thu mắc bệnh phong và đã từng vào Bệnh viện Quy Hòa, sau đó lại rời Quy Hòa để vào Nha Trang…

Cuộc đời của Lệ Thu sớm chìm trong khổ đau với căn bệnh quái ác, và có thể nói, cùng với Hàn Mặc Tử, tiếng thơ của Hàn Lệ Thu đã "vượt được đèo bay ra ngoài bao la dịu vợi" (Ai có về Quy Nhơn - Trần Đình Thái) để đến với rất nhiều trái tim người yêu thơ.

Có lẽ, sẽ không cần một lời bình nào cho bài thơ "Biển chiều". Tiếng lòng khổ đau và tâm trạng cô đơn cùng cực của nhà thơ đã nói lên tất cả. Để rồi tự nó có sức mạnh lay động hồn người. Nếu như Chế Lan Viên từng nhận định về đời và thơ Hàn Mặc Tử: "Biển tựa thơ anh và giông bão tựa đời anh", thì tôi nghĩ, Hàn Lệ Thu - chỉ với riêng bài "Biển chiều" cũng đã là một tiếng thơ thật đáng quý.

Vì suy cho cùng "Thơ là tiếng lòng" (Diệp Tiếp) và nỗi khổ đau kia cũng chính là sự phân thân cho khát vọng sống mãnh liệt. Chính bằng nỗi đau ấy, thi sĩ đã viết nên những vần thơ - buồn - cho - biển, cho cả cuộc đời mình…

. Lê Minh Kha

 

Biển chiều

Em đi thơ thẩn trên bờ cát

Giương mắt u buồn ngắm biển khơi

Từng ngọn gió nồm ươm thấm mát

Vành môi mằn mặn nước đưa hơi

 

Sóng liếm chân em làm ớn lạnh

Rùng mình em xịch bước vào trong

Em ngồi trên cát sầu cô quạnh

Nghe sóng hòa âm điệu nhớ mong

 

Kề em ai cũng ngồi im lặng

Chiếc áo phong sương đã bạc màu

Bên vai một túi thơ đầy nặng

Không nói nhưng mà cảm mến nhau.

 

Thì ra anh cũng là thi sĩ

Đi tắm hoàng hôn lạc đến đây

Mi ướt long lanh tràn ngập ý

Đường đời đã gặp lắm chua cay

 

Mở túi thơ ra tìm vị đắng

Bài thơ trên cát: nếm đau thương

Cảm thông sóng nhạc như trầm lắng

Đêm phủ từ từ chốn viễn phương.

 

. Hàn Lệ Thu

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có một cuốn sách best seller  (09/08/2005)
Một nhà nghệ sĩ sử học  (09/08/2005)
Một biểu tượng đẹp cho Quy Nhơn  (09/08/2005)
Hồn quê giữa lòng thành phố  (08/08/2005)
Về cách hiểu câu thơ "Người ra đi đầu không ngoảnh lại" của Nguyễn Đình Thi  (07/08/2005)
Phục hồi vẻ đẹp cho tháp Cánh Tiên  (05/08/2005)
Viên ngọc thô đã tỏa sáng  (05/08/2005)
Phát hiện mới chưa nhiều  (05/08/2005)
"Ươm mầm trên sóng" của Võ Ngọc Thọ  (04/08/2005)
BTV phát sóng Tháng phim Việt Nam  (04/08/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (06/08/2005)
Cổ thụ - vật chứng của lịch sử  (02/08/2005)
Tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật năm 2005  (02/08/2005)
Vợ nhặt (*) - một nhan đề hàm súc  (02/08/2005)
Hai lớp đại học mỹ thuật và âm nhạc khóa đầu ra trường  (02/08/2005)