Ở tuổi 46, Hoàng Việt vẫn còn giữ được vóc dáng đẹp của người nghệ sĩ múa. Dù đã là một biên đạo, nhưng khi cần anh sẵn sàng đảm nhận những vai múa chính, đòi hỏi kỹ thuật cao. Cũng đã gần 28 năm qua, Hoàng Việt lặng lẽ cống hiến hết mình cho nghệ thuật múa…
|
Nghệ sĩ Hoàng Việt và Kim Giang trong tác phẩm múa "Đất võ". |
Nghệ sĩ Hoàng Việt sinh ra tại vùng đất tuồng Hòa Nghi (xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn). Cha của anh là NSƯT Hoàng Chinh, mẹ anh nghệ sĩ Hồng Thu cũng là một trong hai đào hát tuồng nổi tiếng nhất thời ấy (đã từng diễn cho Vua Bảo Đại coi và được vua ban thưởng). Thừa hưởng được năng khiếu hát tuồng từ cha mẹ, nhưng Hoàng Việt lại duyên nợ với nghệ thuật múa. Năm 17 tuổi, anh đã theo học múa tại trường Nghiệp vụ Văn hóa - Thông tin tỉnh. Ra trường, Hoàng Việt về phục vụ ở Đoàn ca - múa - nhạc Nghĩa Bình. Anh được cử đi học tập huấn ở Sài Gòn và Hà Nội, dưới sự giảng dạy của các nghệ sĩ tên tuổi như NSND Đặng Hùng, NSND Thái Ly… Hoàng Việt đã cố gắng học hỏi cái hay của từng thầy, tiếp nhận và sàng lọc để hình thành nên một phong cách múa đa dạng cho riêng mình. Anh đặc biệt thể hiện rất thành công các động tác múa Chăm. Bậc thầy về múa Chăm lúc ấy là NSND Đặng Hùng cũng đã dành lời khen tặng cho cậu học trò người Bình Định: "Hoàng Việt sinh ra là để múa Chăm…".
Điểm nổi bật nhất của biên đạo Hoàng Việt là anh đi sâu vào khai thác những đề tài mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định. Đối với anh, kho tàng văn hóa dân gian luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác. Nhưng người ta biết nhiều đến Hoàng Việt với tư cách là người tiên phong đưa múa Chăm về Bình Định. Anh đã biên đạo thành công tác phẩm múa Chăm đầu tay "Huyền thoại tháp Đôi". Để hoàn thành tác phẩm Hoàng Việt bỏ công nghiên cứu kĩ các động tác múa của những bức phù điêu trên hai tòa tháp, kết hợp với sự sáng tạo của riêng mình để tạo nên những động tác múa phù hợp với thời gian và không gian sống cụ thể. Chính vì vậy "Huyền thoại tháp Đôi" đã thể hiện được những bản sắc riêng của múa Chăm Bình Định. Tác phẩm đã giành được Huy chương vàng năm 1997. Ngoài ra, anh còn tìm tòi và khai thác nhiều mảng đề tài dân gian khác như các đề tài về miền biển, diễn tả những cảnh sinh hoạt, những lễ hội dân gian của ngư dân miền biển… Đặc biệt từ những cái thúng bơi của ngư dân, Hoàng Việt dựng thành những động tác múa độc đáo được giới chuyên môn đánh giá cao.
Không chỉ tham gia múa, biên đạo múa, nghệ sĩ Hoàng Việt còn rất tâm huyết với công việc "trồng người" cho múa Bình Định. Ngay từ năm 1985, anh đã tự đứng ra mở lớp dạy múa miễn phí để tuyển chọn diễn viên cho tỉnh Nghĩa Bình. Lứa diễn viên múa do anh đào tạo đã trở thành hạt nhân của đoàn nghệ thuật Chim Yến tươi trẻ và đầy sức sống sau này. Nhờ đó, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã quyết định mở lớp đào tạo múa ở Bình Định trong 4 khóa liền. Thành công như thế, Hoàng Việt vẫn rất khiêm tốn khi nói về bản thân mình: " Tôi chỉ là cậu học trò nhỏ của sân khấu. Được múa trên sân khấu là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời tôi. Vì vậy, tôi sẽ không bao giờ quay lưng với sân khấu". Trải qua nhiều thăng trầm với nghề múa, nhưng nghệ sĩ Hoàng Việt chưa bao giờ tắt ngọn lửa lòng đam mê của mình. Gần 50 tuổi, anh vẫn cần mẫn như người thợ xây lát từng viên gạch cho con đường đi của múa Bình Định.
. Hoài Thu |