Theo dấu Tây Sơn trên miền Thượng đạo
13:45', 12/8/ 2005 (GMT+7)

Tây Sơn Thượng đạo nay thuộc địa bàn thị xã An Khê và hai huyện K’bang, Kon Ch’ro (tỉnh Gia Lai), là căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn. Bắt đầu từ số báo này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết về các di tích gắn liền với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn trên miền Thượng đạo…

Kỳ 1: Nơi cờ đào dựng nghiệp

An Khê cao vút/ Núi lạnh rừng buồn/ Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây… Câu thơ của Trần Mai Ninh vang lên trong đầu tôi khi đặt chân đến đầu địa giới An Khê. Nhưng thị xã An Khê hiện ra trước mắt: nhà cao, đường rộng. Đến trung tâm thị xã, rẽ trái, sang đường Quang Trung đi thêm vài trăm mét, chúng tôi đã đặt chân lên đất An Lũy cũ (thuộc xã Phú An), xưa là đất Tây Sơn Nhất nay thuộc phường Tây Sơn, thị An Khê, vùng căn cứ buổi đầu của nhà Tây Sơn.

 

                            Ngôi nhà có từ thời Tây Sơn của ông Bùi Meo.

 

* Căn cứ địa buổi đầu

Truyền rằng, sau khi được tôn làm Tây Sơn Vương, Nguyễn Nhạc và bộ tham mưu nhận thấy địa thế của vùng Tây Sơn hạ (huyện Tây Sơn hiện nay) không được an toàn, bèn dời tổng hành dinh và các cơ quan trọng yếu lên vùng Tây Sơn thượng.

Anh Lê Khắc Thiện, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao thị xã An Khê, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh An Lũy. Nhìn địa thế của một vùng rừng núi, chúng tôi hiểu cái thiên nhãn của vị vua Áo vải khi quyết định dời "chiến khu". Này nhé, ấp Tây Sơn Nhất như một lòng chảo được vây kín bởi quần sơn Ngọc Linh ở phía Bắc, hai dãy núi chạy song song theo hướng Bắc Nam là dãy đèo Mang (đèo An Khê) và đèo Mang Yang, nối liền với dãy Trụ Lĩnh trùng điệp phía Đông - Đông Nam kéo dài từ con đường độc đạo xuống sông Ba. Sông Ba và suối Cái như hai con hào tự nhiên bao bọc lấy mặt Tây - Tây Nam và Đông Nam của lũy. Một phần phía Đông và toàn bộ phía Tây là ruộng trũng và hồ nước che chở cho khu vực đồn lũy bên trong. Toàn bộ khu vực lại một lần nữa được bao bọc bởi một vành đai đồn lũy kiên cố án ngữ phía đông trên các hòn ông Bình, hòn ông Nhạc, hòn Tào. Và đèo Mang khi ấy sẽ như một bức bình phong che chở cho vùng thượng đạo nhưng cũng là bậc thang nối liền thượng đạo với hạ đạo, vừa thuận tiến công, vừa thuận cho phòng thủ.

Luồn qua những con đường hẻm nhỏ, dốc, chưa được bê tông hóa nên khá trơn trong mùa mưa cao nguyên, chúng tôi ghé An Khê Đình. Ngôi đình nằm trên một ngọn đồi thấp, giữa những tán cây cổ thụ. Đình đang được tháo dỡ để xây mới, kinh phí đâu chừng 250 triệu đồng, mà theo những người thợ đang thi công thì mới khởi công non tháng. Trước đình có ba miếu nhỏ cũng bằng gỗ, mà theo ông Thiện thì dùng để thờ ba anh em Tây Sơn, còn theo một tài liệu khác thì lại nói là thờ bà chúa Tiên ở giữa và thần bổn xứ hai bên. Qua bộ khung còn lại, cho thấy ngôi đình không thật lớn, có lẽ phản ánh dáng vẻ của sơn trại trong buổi đầu dựng nghiệp. Nghe tôi hỏi thăm dấu tích bờ lũy cũ, mà cách đây chục năm, vẫn còn những đoạn dài hàng chục mét, cao trên dưới 1m, anh Lưu, người trông coi khu di tích, lắc đầu: "Chẳng còn dấu tích gì đâu!". Rồi anh Lưu cho biết, nguyên đây là một bờ lũy kín, hình 7 cạnh, mở ra theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, có chu vi gần 2km. Nhưng rồi thời gian, cả sự tác động của con người, bờ lũy nay chẳng còn dấu vết. Vật đổi sao dời!

An Khê Trường nay vẫn còn cả cổng tam quan, bình phong và bàn thờ chính, nơi đại điện thờ ba ngài Tây Sơn, hai bàn kế bên thờ tiền hiền, hậu hiền của làng. Thời Nguyễn, việc thờ các ngài Tây Sơn là điều cấm kỵ, nên dân làng vẫn phải thờ dưới hiệu chung là Bạch mã. Việc cúng tế ở đình trong và đình ngoài được tiến hành trọng thể vào ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm. Theo lời các bô lão thì đây chính là ngày mừng khao quân thưởng tướng sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa nhưng dưới thời Nguyễn thì ẩn dưới danh nghĩa là cúng khai sơn. Việc cúng khởi từ đình trong từ 23 giờ 30 phút ngày 9 rồi sang đến rạng ngày 10-2 âm lịch thì ra cúng ở đình ngoài. Không chỉ người dân An Lũy mà cả người Bahnar ở các làng xung quanh vẫn mang theo lễ vật và dàn cồng chiêng ra cúng ba ngài.

 

                                                     An Khê Trường.

 

Từ An Khê Trường nhìn lên, ngọn Mò O sừng sững. Ngọn núi này gắn với những câu chuyện về tài thu phục nhân tâm của Nguyễn Huệ. Chuyện rằng, trên ngọn núi này, Nguyễn Huệ đã cho người thân tín viết bằng mỡ lên lá cây tám chữ "Nguyễn Nhạc vi vương, Nguyễn Huệ vi tướng" (Nguyễn Nhạc làm vua, Nguyễn Huệ làm tướng) để kiến kéo đến ăn, khoét thành chữ trên lá; lại sai người rèn tám chữ ấy thật to bằng sắt, lấy vải tẩm nhựa quấn vào khung, rồi cứ những đêm tối trời lại đem thắp sáng trên đỉnh đèo. Cũng ở đây, Nguyễn Huệ đã chinh phục đàn ngựa nhà trời để từ đó thu phục chúa Xà Đang...

* Ngôi nhà có từ thời Tây Sơn

Những dấu tích vùng căn cứ buổi đầu của nghĩa quân Tây Sơn nay không còn nhiều. Nhưng có một địa điểm đặc biệt ở An Khê mà người hành hương không thể không ghé thăm, đó là một ngôi nhà có từ thời Tây Sơn. Ngôi nhà này thuộc tổ 15 phường An Phú, thị xã An Khê. Sống sót qua những cuộc chiến tranh, nhiều lần giặc Pháp, Mỹ muốn dỡ bỏ vì sợ chứa chấp Việt cộng nhưng chủ nhân kiên quyết giữ lại. Nay đây là một trong 5 ngôi nhà cổ còn lại ở An Khê và là ngôi nhà cổ nhất. Nhưng điều đặc biệt là ngôi nhà chỉ cách An Khê Trường vài trăm mét và theo lời cụ Bùi Meo, năm nay 82 tuổi, chủ nhân đời thứ 7 của ngôi nhà, thì ngôi nhà được làm từ trước khi ba anh em Tây Sơn lên An Khê lập căn cứ địa một năm, tức vào năm 1770. Nguyên những chủ nhân ngôi nhà này là người gốc Bắc, sau di cư vào Quảng Ngãi rồi lên An Khê lập nghiệp, nhưng khi tạo dựng ngôi nhà thì mời thợ ở vùng Bình Định lên làm. Có lẽ bởi vậy nên khi bước qua hai cánh cửa bằng gồ kền kền nặng, trước mắt chúng tôi không gì khác chính là một ngôi nhà lá mái truyền thống của Bình Định. Ngôi nhà cất theo kiểu tam đoạn, 3 gian hai chái, dài khoảng 16m, ngang 8m, gồm 6 vì, mỗi vì có 5 hàng cột ngang và 6 hàng cột dọc. Toàn bộ các cột làm bằng gồ kền kền, riêng 8 cây cột nhất làm bằng cây thò đo, khá vững chãi. 

Ngôi nhà cổ, nay chính là vật chứng cho những năm tháng khi mà ba anh em nhà Tây Sơn lên vùng thượng đạo bàn nhau việc đắp lũy xây thành, chiêu mộ hiền tài, dưỡng nuôi chí lớn. Hẳn trong những năm tháng ấy, những nghĩa quân áo vải cờ đào cũng đã nhiều lần ghé, bước qua bậc cửa này, hay đứng dưới chiếc vì kèo giá chiêng nơi hôm nay tôi đang đứng? Chợt trong lòng, ta thấy rưng rưng, cảm cái công đức tiền nhân. 

. Lê Viết Thọ

Kỳ II: Trong lòng người Bahnar

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những điệu múa mang hồn dân gian  (12/08/2005)
Chỗ khả ái của bài thơ "Những phút xao lòng"  (11/08/2005)
Nét đẹp vùng cao qua triển lãm ảnh  (11/08/2005)
Thơ buồn cho biển  (10/08/2005)
Có một cuốn sách best seller  (09/08/2005)
Một nhà nghệ sĩ sử học  (09/08/2005)
Một biểu tượng đẹp cho Quy Nhơn  (09/08/2005)
Hồn quê giữa lòng thành phố  (08/08/2005)
Về cách hiểu câu thơ "Người ra đi đầu không ngoảnh lại" của Nguyễn Đình Thi  (07/08/2005)
Phục hồi vẻ đẹp cho tháp Cánh Tiên  (05/08/2005)
Viên ngọc thô đã tỏa sáng  (05/08/2005)
Phát hiện mới chưa nhiều  (05/08/2005)
"Ươm mầm trên sóng" của Võ Ngọc Thọ  (04/08/2005)
BTV phát sóng Tháng phim Việt Nam  (04/08/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (06/08/2005)