Chẳng biết tự bao giờ, thu được nhắc đến như mùa sầu, mùa của những cuộc chia tay, mùa của giọt lệ tiễn đưa và màu "quan san" biền biệt ngút ngàn. Thu lưu giữ trong mình cái lạnh của đất trời, của lòng người, của chiếc lá xa cành một chiều gọi về làm thân cát bụi. Thơ thu từ Đông sang Tây mãi mãi buồn và càng buồn hơn khi mùa thu ấy gắn liền sự tan rã hạnh phúc lứa đôi.
Với Phlorian - một nhà thơ người Séc, mùa thu cuộc đời thi sĩ bắt đầu từ khi người yêu ra đi:
Thế là đã mùa thu, mùa thu như chiếc lá
Sáng hôm nay anh thấy, nhặt sau nhà
Anh đứng đọc những dòng mưa buồn bã
Như những dòng vĩnh biệt của ngày qua…
Vậy đó, một sớm mai kia bỗng thấy mùa thu đã đến bên chiếc lá nhặt sau nhà. Có cái gì vừa bâng khuâng, tiếc nuối, vừa như một tiếng thở dài: "Thế là đã mùa thu". Lòng người chao nhẹ trong chiếc lá thu, mùa thu thoáng chốc trở nên mong manh, phai tàn như chính lá thu kia. Để rồi từ một chiếc lá, đôi mắt người trai "đọc" cả cơn mưa: "Anh đứng đọc những dòng mưa buồn bã/ Như những dòng vĩnh biệt của ngày qua…".
Câu thơ sống dậy bằng cách cảm nhận mới mẻ, "đọc" mưa để rồi liên tưởng đến "những dòng vĩnh biệt", chỉ có một người yêu say đắm, một tình yêu thẳm sâu mới có được cách nhìn, cách cảm như thế.
Quá khứ như một vầng sáng hạnh phúc, êm đềm, đã khép lại thật rồi. Những "ngày qua" tác giả không nói ra nhưng ta chắc đó phải là những ngày tươi đẹp dường nào, những ngày còn em ở bên, những ngày anh và em được sống trong ánh cầu vồng hạnh phúc của tình yêu. Hiểu như vậy, ta mới thấy: hình ảnh chiếc lá rơi, dòng mưa buồn ở khổ đầu chính là sự giã biệt tình yêu giữa anh và em, là sự ra đi của em, là nỗi niềm tiếc thương quá vãng của người trai si tình.
Nhưng cuộc đời vẫn trôi, thời gian không đứng đợi. Trong màn mưa của đất trời và của tâm hồn, nhân vật "anh" phóng tầm mắt ra xa, bao quát ngoại cảnh như muốn tìm về một đốm lửa, chút hơi ấm giữa cõi lòng băng giá. Mặc dù vậy, anh chỉ toàn nhìn thấy:
Hồ nước xám… bức tường long vết nẻ…
Nhà và cây tối xạm, đứng yên lành
Chút ánh sáng cũng không còn, âm thanh lại càng không. Con người chìm sâu trong cảnh vật điêu tàn, vắng lặng, từng dấu ba chấm như nhịp bước âm thầm của hồn người tìm về ký ức đẹp ngày xưa. Cảnh buồn hay tâm trạng người buồn lây sang cảnh. Có lẽ là cả hai. Phép biện chứng tâm hồn muôn đời là vậy, nhất là khi tâm hồn ấy được đánh thức bằng nỗi cô đơn để trở nên nhạy cảm với cuộc đời, với tình yêu.
Đến đây ta chợt nhận ra: cảnh hoang tàn cùng nỗi lòng sầu muộn của anh đều do em mang đến: "Tất cả đều do em viết vẽ", hay nói cách khác, những gì anh nhìn thấy, nỗi buồn của anh, cả cuộc đời anh, tất cả đều vì em mà có. Nhưng em đã ra đi thật rồi: "Chẳng bao giờ em viết nữa cho anh". Câu thơ vừa như một lời khẳng định vừa như một lời yêu thương chan chứa ân tình của một người yêu gởi đến người yêu đã xa. Em quan trọng với anh nhường ấy, nhưng em không trở về, trái tim anh mãi mãi mùa thu, cảnh vật trước mắt anh mãi mãi vô hồn, thiếu sinh khí. Chia tay nhưng không trách móc, oán hờn, ẩn đằng sau nỗi niềm luyến tiếc là một trái tim tình yêu da diết, vị tha biết bao!
Bài thơ kết thúc bằng nỗi buồn nhưng không tuyệt vọng. Trái tim có lý lẽ của riêng nó, nỗi buồn cũng vậy. Xuyên suốt bài thơ là mối sầu cảm giản dị, chân thành có khả năng thanh lọc hồn người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Phải chăng bài thơ còn là lời nhắn gởi đến tất cả đôi lứa yêu nhau: hãy biết trân trọng tình yêu như trân trọng chính cuộc đời mình.
. Lê Minh Kha
Mùa thu
. M. Phlorian
Thế là đã mùa thu, mùa thu như chiếc lá
Sáng hôm nay anh thấy, nhặt sau nhà
Anh đứng đọc những dòng mưa buồn bã
Như những dòng vĩnh biệt của ngày qua…
Hồ nước xám… bức tường long vết nẻ…
Nhà và cây tối xạm, đứng yên lành
Tất cả đều do em viết, vẽ
Nhưng chẳng bao giờ em viết nữa cho anh!
(Thái Bá Tân dịch)
| |