Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách: Đôi điều trăn trở
10:33', 16/8/ 2005 (GMT+7)

1. Cùng với Liên hoan tiếng hát Hoa phượng đỏ, cứ mỗi độ hè về, Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách toàn tỉnh được tổ chức. Có thể khẳng định, đây là một trong những sân chơi đầy lý thú và bổ ích cho các em thiếu nhi.

Qua những mẩu chuyện kể về Bác Hồ, về gương các anh hùng dân tộc, chuyện cổ tích, gương người tốt việc tốt..., đã không những góp phần giúp các em hình thành nhân cách, củng cố lòng yêu thương những người thân, yêu quê hương đất nước, phân biệt được cái xấu, cái tốt mà còn giúp các em rèn luyện kỹ năng phát âm đúng tiếng Việt, kể chuyện diễn cảm và dạn dĩ trước đám đông.

Thấy được phong trào thiếu nhi kể chuyện theo sách là sân chơi lành mạnh, sinh động và bổ ích, Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa Thông tin đã nhiều lần chỉ đạo tổ chức Hội thi cấp khu vực và hai lần tổ chức Hội thi cấp toàn quốc. Mặt khác, Vụ Thư viện cũng đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách vào năm 2003 tại Hà Nội.

2. Riêng đối với tỉnh Bình Định, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Bình Định và Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em tỉnh; tính đến năm 2002 đã phối hợp tổ chức 12 lần Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách cấp tỉnh thành công tốt đẹp. Hội thi thường được tổ chức vào các dịp: Nhân kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ 19-5, ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh 15-5 và Quốc tế Thiếu nhi 1-6.

Cũng trong năm 2002, để có định hướng tổ chức Hội thi tốt hơn cho những năm tiếp theo, lãnh đạo của bốn sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh nêu trên đã quyết định luân phiên, mỗi sở, ngành, đoàn thể sẽ làm chủ công một năm. Năm 2001, Sở Văn hóa - Thông tin (trực tiếp là Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh) đã làm chủ công trong việc tổ chức Hội thi cấp tỉnh. Năm 2002, đến lượt Tỉnh Đoàn làm chủ công tổ chức Hội thi. Cứ như vậy, tiếp đến năm 2003 sẽ là Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2004 là Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em. Chu kỳ như thế sẽ được lặp lại trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, năm 2003 Sở Giáo dục và Đào tạo đã không thực hiện được vai trò chủ công, dẫn đến việc không tổ chức được Hội thi ở cấp tỉnh. Năm 2004 cũng vậy. Bức xúc trước tình hình phong trào bị bỏ rơi, đầu năm 2005, Sở Văn hóa - Thông tin mà trực tiếp là Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh cùng với Tỉnh Đoàn đã chủ động bàn bạc về vấn đề này. Ngày 7-4-2005 Tỉnh Đoàn đã tổ chức được cuộc họp đại diện của 4 sở, ngành, đoàn thể đã nêu, thống nhất những vấn đề cơ bản như: Thông qua bảng dự toán kính phí Hội thi; giao Tỉnh Đoàn làm chủ công thường xuyên, không thực hiện theo kiểu luân phiên nữa.

Sự phối hợp tưởng chừng như đã đạt được kết quả tốt đẹp, nhưng sau đó, Sở Giáo dục - Đào tạo và Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em không tham gia. Việc tổ chức Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách cấp tỉnh một lần nữa rơi vào tình trạng bế tắc. Các em thiếu nhi của tỉnh lại giảm đi một sân chơi đầy bổ ích một cách đáng tiếc.

3. Về phía Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh, được sự chỉ đạo của Vụ Thư viện và của Chủ tịch Liên hiệp Thư viện Nam Trung bộ - Tây Nguyên về việc tham dự Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách cấp Liên hiệp năm 2005, đã hết sức lúng túng. Vì chúng ta không tổ chức được Hội thi ở cấp tỉnh, thì làm sao có thể có được những tiết mục hay để tham dự Hội thi cấp Liên hiệp? Trong khi đó, đã hai lần tham gia Hội thi ở cấp Liên hiệp trước đây, đội tuyển Bình Định luôn đạt thứ hạng cao. Bỏ cuộc là điều không thể, Ban lãnh đạo Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh đã đi đến quyết định xét chọn các em thiếu nhi từ các trường trên địa bàn thành phố Quy Nhơn bấy lâu nay có phong trào mạnh như: Trường tiểu học Lê Hồng Phong, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, Trường trung học cơ sở Lương Thế Vinh để hình thành đội tuyển gồm 7 em, tập luyện tham gia Hội thi. Đặc biệt, được sự ủng hộ, động viên của các nhà trường, của các bậc phụ huynh, Thư viện cũng đã xây dựng được một chương trình tham gia Hội thi khá phong phú bao gồm 9 tiết mục.

Khởi đầu là tiết mục chào hỏi tự giới thiệu về mình: Các em đã thể hiện khá sinh động, nói lên được mục đích ý nghĩa của Hội thi. Nội dung chính của chương trình bao gồm 5 tiết mục chuyện kể cá nhân. Trong đó, có đến 3 tiết mục: Chuyện kể về anh hùng Vũ Bão (em Huỳnh Kim Toàn - Trường Lương Thế Vinh); Chuyện kể về anh hùng mẹ Lớn (em Lê Đức Hoàng Vân - Trường Lương Thế Vinh); Bông hoa cúc trắng (em Trần Thị Hiền Phương - Trường Lý Thường Kiệt) đã làm xúc động ngay cả đối với những đại biểu tham dự buổi tổng dợt chương trình trước khi lên đường. Điểm mới, giàu tính sáng tạo của từng câu chuyện kể về các anh hùng là phần múa minh họa, khắc họa đậm nét hình tượng nhân vật chính trong mỗi chuyện kể như Anh hùng Vũ Bão, Mẹ Lớn đã góp phần tôn vinh hình tượng nhân vật chính, khiến cho tiết mục hết sức sinh động và rất ấn tượng.

Về phần năng khiếu được cấu trúc 3 tiết mục: Biểu diễn võ thuật (em Kim Toàn); độc tấu đàn Organ (em Hoàng Vân) và Cái ấm đất (Ca kịch bài chòi - tiết mục tập thể). Võ thuật và Ca kịch bài chòi mang đậm nét truyền thống văn hóa đặc trưng của Bình Định. Đây là những tiết mục rất khó thể hiện. Nhưng với sự nỗ lực, cố gắng đáng kể, các em cũng đã thể hiện khá thành công.

Tuy nhiên, do điều kiện cụ thể của mình hết sức khó khăn, nhất là trong quá trình tập luyện có đến 2 em vì lý do gia đình phải nghỉ và bổ sung vào những em mới. Chính vì thế, Thư viện chỉ xác định việc tham gia Hội thi lần này là tạo sân chơi và giao lưu cho các em là chính, không đặt mục tiêu về giải thưởng. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng vì danh dự của Đoàn Bình Định.

Mặc dù vậy, kết quả tham dự Hội thi của các em cũng đáng được ghi nhận, biểu dương. Trong tổng số 60 em tham dự Hội thi, Ban tổ chức chỉ ấn định: 6 giải A và 9 giải B cho 15 em đạt loại xuất sắc. Số còn lại 45 em được xếp đồng hạng giải C. Em Hoàng Vân - đội tuyển Bình Định, với câu chuyện kể về Mẹ Lớn đoạt giải A và em Hiền Phương đoạt giải B, với câu chuyện kể Bông hoa cúc trắng. Đó chính là phần thưởng quý giá khiến chúng tôi không tránh khỏi sự xúc động.

4. Toàn đoàn Bình Định được xếp vị trí thứ Tư. Chúng tôi không buồn mà ngược lại rất vui về điều đó. Vì mục tiêu của chúng tôi lần này đâu phải ở giải thưởng của Hội thi, mà điểm chính là muốn góp một tiếng nói chung về phong trào thiếu nhi kể chuyện theo sách đã trở thành sân chơi truyền thống, lành mạnh và rất bổ ích gần 15 năm qua của Bình Định. Thiết nghĩ, người lớn chúng ta, những người có trách nhiệm cần phải tìm ra một giải pháp hợp lý về sự phối hợp, để Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách được tiếp tục tổ chức trong các dịp hè những năm tới.

. Võ Văn Nhiếng

(Thư viện KHTH tỉnh Bình Định)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đưa "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" lên màn ảnh  (15/08/2005)
Bộ đội Biên phòng Bình Định đoạt giải nhất toàn đoàn  (14/08/2005)
Thông điệp tình yêu trong "Mùa thu" của M. Phlorian  (14/08/2005)
BTV dành "giờ vàng" cho phim Việt Nam  (12/08/2005)
Theo dấu Tây Sơn trên miền Thượng đạo  (12/08/2005)
Những điệu múa mang hồn dân gian  (12/08/2005)
Chỗ khả ái của bài thơ "Những phút xao lòng"  (11/08/2005)
Nét đẹp vùng cao qua triển lãm ảnh  (11/08/2005)
Thơ buồn cho biển  (10/08/2005)
Có một cuốn sách best seller  (09/08/2005)
Một nhà nghệ sĩ sử học  (09/08/2005)
Một biểu tượng đẹp cho Quy Nhơn  (09/08/2005)
Hồn quê giữa lòng thành phố  (08/08/2005)
Về cách hiểu câu thơ "Người ra đi đầu không ngoảnh lại" của Nguyễn Đình Thi  (07/08/2005)
Phục hồi vẻ đẹp cho tháp Cánh Tiên  (05/08/2005)