Gặp nghệ sĩ Hữu Thông ngoài đời, có lẽ không mấy khán giả nhận ra anh. Có tướng người nho nhã, gương mặt thư sinh và rất đẹp trai. Nhưng trên sân khấu, anh luôn xuất hiện với một hình ảnh khác hẳn. Đó là "ông lão" Hữu Thông với bộ râu dài, gương mặt già nua, phong thái chậm rãi…
|
Nghệ sĩ Hữu Thông trong vai diễn Lộ Yết tại nước Đức. |
Sinh ra tại vùng đất tuồng Hòa Nghi (huyện An Nhơn), kỷ niệm tuổi thơ của Hữu Thông gắn liền với niềm đam mê hát tuồng. Ngày ấy, cậu bé Hữu Thông tập hợp lũ trẻ trong xóm bày trò hát tuồng, cũng lấy lá chuối thắt giả làm râu và diễn tuồng y hệt như trên sân khấu. Nhận thấy được năng khiếu của Hữu Thông, NSƯT Hoàng Chinh đã khuyến khích và chỉ dạy cho cháu mình theo nghiệp Tuồng. Mới 8 tuổi, Hữu Thông đã theo đoàn hát bội Tấn Thành để học hát. Sau giải phóng, anh theo học lớp Tuồng chính quy đầu tiên của trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Với tiềm chất của mình, Hữu Thông được các thầy cho vào học vai kép võ và vai lão. Năm 1985, Hữu Thông về công tác tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Anh bắt đầu gắn bó với các vai lão…
Diễn viên đóng vai lão đòi hỏi phải có làn hơi trầm, sắc thái người phải không được gân guốc như các vai diễn tướng võ, phải đảm bảo được phong cách của một người có tuổi. Hữu Thông hội đủ các điều kiện đó. Anh lại chịu khó tìm tòi rút tỉa kinh nghiệm thông qua các vai diễn. Dần dần định hình cho mình một phong cách diễn "lão" chuẩn nhất. Vai lão thành công nhất của Hữu Thông chính là vai Lộ Yết trong vở "Lộ Địch". Lấy ý tưởng từ vở "LECID" của soạn giả người pháp Corneille, tác giả Ưng Bình đã chuyển thành tuồng Việt Nam là vở "Lộ Địch" mang sắc thái phương Đông. Trong đó, vai Lộ Yết là một vai diễn quan trọng. Hữu Thông đã thể hiện xuất sắc hình ảnh một người cha có sự đấu tranh nội tâm gay gắt, góp phần đem lại thành công của vở tuồng. Vở "Lộ Địch" được đi diễn khắp nơi từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và sang tận bên Đức. Giáo sư Trần Văn Khê đã có lời khen tặng diễn xuất của Hữu Thông trong vở tuồng này: "Đây là vai diễn khó đóng về tình tiết, về tính chất nội tâm hai mặt trong một con người. Song vai diễn của Hữu Thông đã có những thành công đáng khen ngợi. Anh có một lực diễn rất già dặn…". Hữu Thông còn thành công và đạt nhiều giải thưởng với các vai lão khác. Gần đây nhất là tấm Huy chương bạc cho vai Đình trưởng trong vở "Mộng Bá Vương".
20 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng, chừng đó vẫn còn nhỏ bé so với khát khao cống hiến của Hữu Thông. Anh tâm sự: "Tôi mong muốn được phục vụ cho khán giả nhiều hơn nữa. Sinh ra trên đất tuồng, tôi nguyện sẽ sống trọn đời với nghiệp Tuồng. Hơn nữa, mình phải làm trọn bổn phận mà thầy cô đã ký gởi trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của cha ông". Trong những năm tháng khốn khó nhất của đời nghệ sĩ, anh đã làm bài thơ "Nghiệp" treo trang trọng giữa nhà, như một lời khẳng định quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật: ""Tùy...phùng" tạc dạ chẳng tranh ai. Khiêm tốn rèn câu Đức, Hạnh, Tài. Bám cội noi theo lề tổ nghiệp. Quên nguồn thây kệ thói ma lai...".
. Hoài Thu |