Quanh các di tích ở vùng Tây Sơn thượng đạo, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện dân gian vẫn còn truyền tụng về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Điều đáng nói nhất là những di tích này đều được giữ gìn bằng tấm lòng tri ân của người dân Ba na với Tây Sơn tam kiệt.
* "Tò mó bok Nhạc"
|
Lễ hội cồng chiêng người Bana |
Làng Đê Chơng Gam (xã Phú An, huyện K’bang) hôm nay đang có việc. Hầu hết mọi người trong làng đều đang tập trung bên ché rượu cần. Bởi vậy, thật chẳng dễ dàng để tầm được người dẫn đường lên "Tò mó bok Nhạc", tức hòn đá ông Nhạc, theo cách gọi của đồng bào. Thật may, anh Đinh Văn Tít đang nằm nghỉ trong nhà. Nghe chúng tôi hỏi đường lên đá ông Nhạc, anh Tít dẫn đi ngay.
Hóa ra hòn đá ông Nhạc chẳng mấy xa như chúng tôi tưởng. Bờ suối Chơ Ngao vào mùa khô nay đã cạn nguồn, hòn đá lộ ra trên một mép nước nông, bên những bờ cây, cách đó không xa là chiếc ao cá mới được đào cách nay vài tháng. Hòn đá không lớn, sắc màu hơi đỏ gạch, giống như một tảng đá ong lớn, nom xa như một chiếc ngai. Khi lại gần thì thấy phần nhô nhìn từ mặt cắt ngang như một hình tam giác mà mặt trên là cạnh huyền, nhìn trực diện thì như một hình thang, đáy lớn chừng 1 m, đáy nhỏ và chiều cao chừng hơn nửa mét.
Để hỏi cặn kẽ thêm về đá ông Nhạc, chúng tôi phải tìm đến nhà bok Đinh Chiêm. Bok Chiêm nguyên là trưởng thôn, mới nghỉ được vài tháng nay. Bok cũng là một thầy thuốc Nam rất nổi tiếng dưới chân núi Hảnh Hót, không ít người bệnh từ các tỉnh lân cận, kể cả Quy Nhơn, vẫn lặn lội lên đây nhờ ông trị bệnh. Bỏ ngang buổi khám bệnh đang đông khách, bok Chiêm kể cho chúng tôi rằng hồi đó, những khi qua vùng này để vận động đồng bào Ba na ủng hộ phong trào Tây Sơn thì ông Nhạc vẫn thường ngồi lên đây, dân làng kính cẩn gọi đó là Tò mó bok Nhạc. Các thế hệ dân làng vẫn truyền cho nhau nghe câu chuyện bok Nhạc đem trâu về bán cho dân làng, sau đó, tập hợp dân làng đoàn kết cùng các làng khác trong vùng đánh giặc. Ông Nhạc còn vận động dân làng lấy lá trầu tích lại đổi vũ khí đánh giặc. Cũng theo lời bok Chiêm thì trước nay người dân Ba na trong vùng vẫn xem đá ông Nhạc là hòn đá thiêng. "Hồi xưa, vùng đó là cả một khu rừng um tùm, cây cối rậm rạp, hòn đá chưa bị đất phủ kín chân như bây giờ nên trông to lắm. Người Ba na mình có ai dám lên đó chặt cây, phát rẫy gì đâu, cũng chẳng dám săn bắt thú rừng ở gần"- bok Chiêm nói.
|
Đá ông Nhạc
|
Nhưng có lẽ gần đây, do áp lực đời sống, những rừng cây um tùm nay đã bị phát hết, nhường chỗ cho những chân ruộng, những khu vườn rừng. Và đá ông Nhạc nay nom chỉ nhỉnh hơn cái bàn một tí xíu. Dẫu vậy, chỉ cần hỏi thăm, những người già như bok Chiêm sẵn sàng kể cho bạn nghe câu chuyện về nhà Tây Sơn vẫn còn lưu truyền trong người dân nơi này…
* Tấm lòng người Ba na
Tấm lòng nhân hậu của người Ba na đã góp phần gìn giữ những dấu tích một thời của cuộc khởi nghĩa. Các di tích khác như hồ ông Nhạc, kho tiền, giếng nước ông Nhạc (làng Đê H’lang, xã Giang Nam, huyện Kông Ch’ro); vườn cam Tây Sơn (xã Sơn Lang, huyện K’bang)… đều được người Ba na gìn giữ như vậy. Kho tiền là nơi vào những năm 80 thế kỷ XX, các nhà khoa học đã tìm thấy 28 đồng tiền cổ, đều là tiền Trung Quốc và Việt Nam thời trước Tây Sơn, trong đó có cả những đồng tiền vào loại "ngoại tệ mạnh" thời ấy. Cách kho tiền gần 1km là hồ ông Nhạc, nay chỉ thấy lau lách. Dấu tích cho thấy hồ có hình chữ nhật, dài 19m, rộng chừng 13m. Từ hồ có đường dẫn nước làm bằng đá ong có đục rãnh ở giữa làm máng, có lẽ để dẫn nước từ hồ ông Nhạc vào nhà. Nền nhà chỉ còn lại một ít gạch vảy cá, phần móng, bó bằng đá ong, có hình chữ nhật, dài hơn 17m, rộng 12m. Còn giếng nước ở đây là một giếng vuông (kiểu giếng Chăm?). Tương truyền, vào những năm trời đại hạn, giếng nước vẫn không hề bị vơi. Vườn cam Tây Sơn thì vẫn được người Ba na trải bao đời bảo vệ và sử dụng. Trong chiến tranh, vườn cam bị chất độc hóa học của Mỹ hủy diệt, nhưng vẫn còn những gốc cây đường kính trên 0,4m, từ trên những gốc cây đó, các thân cam lại bật lên, đơm hoa.
Người Ba na vẫn truyền tụng những câu chuyện nói về sự gắn bó của nghĩa quân Tây Sơn với đồng bào các tộc người. Chuyện rằng một lần Nguyễn Huệ tới vùng đất của bà Hỏa, một nữ chúa người Chăm. Ở đây, có một con voi dữ mà quản tượng Chăm không trị nổi. Nguyễn Huệ bèn phi thân lên lưng voi và với sức mạnh thần kỳ, điều khiển nó trước mặt nữ chúa, làm bà hết sức kinh ngạc. Cảm mến trước tài năng của người thanh niên này, bà Hỏa đã kết nghĩa anh em với Tây Sơn tam kiệt và tự nhận làm em. Vậy là cả một vùng rừng núi An Khê, Tây Sơn đến Thạch Thành (Phú Yên) liên kết nhau trở thành căn cứ vững chắc nhất cho nghĩa quân Tây Sơn buổi đầu. Hay chuyện về cánh đồng cô Hầu (nay thuộc thôn Tú Thủy, xã Nghĩa An, huyện K’bang) và người thiếp của Nguyễn Nhạc. Chẳng là vốn là người am tường nhiều phong tục, tập quán của người miền núi nên Nguyễn Nhạc được một tù trưởng Ba na yêu mến, gả con gái là Ja Dok cho. Nguyễn Nhạc liền giao cho người vợ Ba na này chỉ huy nghĩa quân khai phá mở rộng vùng đất dưới chân hòn Mộ Điểu thành vùng ruộng canh tác, lại đưa trâu từ Tây Sơn hạ lên sản xuất lương thực cung cấp cho cả vùng căn cứ. Nay ở vùng này, vẫn còn dấu tích cánh đồng rộng khoảng 20 ha và một vườn mít cả trăm gốc, dấu tích còn lại của đồi mít do nghĩa quân Tây Sơn ươm trồng khi ấy.
Tấm lòng nhân hậu của người Ba na đã giữ gìn dấu tích của cuộc khởi nghĩa ở vùng Tây Sơn thượng cho mãi đến hôm nay. Bản thân tấm lòng ấy phải chăng đã là một bảo vật hết sức thiêng liêng, thật đáng trân trọng.
. Lê Viết Thọ
Kỳ cuối: "Ai về nhắn với nậu nguồn"…
|