Tây Sơn thượng và Tây Sơn hạ nối với nhau bằng con đường giao thông cổ qua đèo An Khê. Ngọn đèo này vẫn có tên cổ là đèo Mang, tiếng Ba na nghĩa là cửa. An Khê chính là cửa ngõ của vùng rừng núi phía Tây.
Tương truyền, khi Nguyễn Nhạc khởi binh dẫn đại quân xuống đến nghẹo Cây Khế ở đèo Mang, thì có con rắn đen như gỗ mun, ra chặn ngang đường. Có người cho là điềm gở, bàn lui quân. Ông Nhạc liền tiến đến, rút gươm hai tay nâng ngang mày mà khấn: "Nếu xà thần giúp ta hoàn thành nghiệp lớn thì hãy mở đường cho quân đi. Bằng ngăn trở thì chém đầu không tha". Khấn xong, rắn liền từ từ bò vào khe núi, cắp chiếc ấn ngọc rồi quay ra dâng lên. Ông Nhạc kính cẩn cảm tạ trời đất, xà thần, dừng binh làm lễ tế cờ ở cây ké và nổi trống ở cây cầy. Sau khi thắng trận trở về, ông Nhạc cho lấy gạch ngói xây dinh thờ rắn, gọi là miếu Xà. Theo lời người dân, miếu Xà đã đổ cách đây 60 năm, còn ngôi miếu Xà hiện nay trên Quốc lộ 19, là do người dân xây lại sau này tại thôn An Thượng, xã Song An, thị xã An Khê. Ngôi miếu hiện nay, trên có chữ đề Tây Sơn thượng đạo, nằm ngay ở điểm đầu địa phận An Khê...
* Thời thịnh thứ ba của An Khê
|
Đường vành đai khu di tích Tây Sơn thượng đạo đang được thi công. |
Nhưng An Khê không chỉ cực thịnh vào thời Tây Sơn mà đã từng hưng thịnh từ trước đó. An Khê là một trong hai trung tâm giao lưu thương mại giữa người Kinh với các tộc người thiểu số miền núi. Ngay từ cuối thế kỷ XVI, đã có những lớp cư dân Việt đầu tiên khai phá đất An Khê. Chính họ đã mở ra con đường thương mại giữa cao nguyên và đồng bằng mà Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục có ghi rằng riêng nguồn An Khê, chúa Nguyễn hằng năm thu 1.500 quan tiền thuế. Ngoài gỗ trầm hương, ngà voi và các sản phẩm quý giá khác, nhiều mặt hàng thông dụng như trầu cau cũng xuất phát từ đây. Ấy là thời thịnh thứ nhất của An Khê. Câu ca dao quen thuộc với người Bình Định "Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên" đã phản ánh mối quan hệ buôn bán thượng, hạ đạo thời ấy.
Thời thịnh thứ hai của An Khê là thời hình thành vùng căn cứ buổi đầu của phong trào Tây Sơn. Cùng một số người Kinh định cư trong vùng này, các dân tộc miền núi tại chỗ cũng là thành phần quan trọng trong lực lượng Tây Sơn buổi đầu.
Sau phong trào Tây Sơn, câu chuyện dân gian vùng thượng đạo còn ghi nhận rằng Võ Văn Dũng sau khi thoát tay Nguyễn Ánh đã lui về lập căn cứ ở núi Hợi cùng hai con của Nguyễn Nhạc là Văn Đức và Văn Dương. Có một điều chắc chắn rằng, do sự truy diệt gắt gao của Gia Long, An Khê đã không còn là nơi giao lưu buôn bán sầm uất, nên hẳn lúc này, thịnh thời thứ hai đã dứt.
Năm 2004, thị trấn An Khê lên thị xã. Và ngay trong năm đầu tiên ấy, An Khê đã thu ngân sách đạt 49,2 tỉ đồng, tăng trưởng 14,5%, mức cao nhất từ trước đến nay. Toàn thị xã nay đã mang sắc diện mới, hàng chục km đường nhựa làm theo phương châm tỉnh, thị và nhân dân cùng làm. Nhưng ấp ủ cho một thời thịnh thứ ba của An Khê chính là những dự án phát triển ở vùng thượng đạo này. Sẽ có một con đường tránh dài 8km từ núi Đá qua cầu Tà Lung ở Cư An với kinh phí 58 tỉ đồng. Rồi Quốc lộ 19 đoạn đầu đèo cũng mở thành đường đôi với một khu du lịch sinh thái gắn với đề án quy hoạch khu di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo… An Khê sẽ bước vào thịnh thời thứ ba?
* Nhưng sao chỉ làm... đồ giả?
Nhưng điều ta băn khoăn nhất là cùng với những ấp ủ về tương lai ấy, các di tích Tây Sơn thượng đạo sẽ ra sao? Trước đây, đã có những bài báo cảnh báo về nguy cơ xuống cấp các di tích thượng đạo. Nay, khi chúng tôi về thượng đạo, ngay một di tích "sát vách" thị xã An Khê, cách An Khê trường chỉ vẻn vẹn 4km, vậy mà cán bộ văn hóa trực tiếp làm công tác bảo tồn cũng chưa đến, và chỉ mới biết qua những khảo tả tiến hành cách đây đã… hơn hai chục năm (!).
|
Miếu Xà nằm bên Quốc lộ 19, thuộc xã Song An, thị xã An Khê. |
Hiện nay đề án "Quy hoạch khu di tích lịch sử vùng Tây Sơn thượng đạo" đang được UBND tỉnh Gia Lai chuẩn bị trình lên Bộ Văn hóa - Thông tin. Đề án có tổng vốn đầu tư tới hơn 44 tỉ đồng. Theo đó, vùng đất có diện tích 43 ha thuộc thôn An Lũy, xã Phú An xưa, nay là phường Tây Sơn, thị xã An Khê, sẽ được quy hoạch lại. Ngoài việc phục dựng An Khê trường, An Khê đình, xây đường vành đai quanh khu di tích, dự án sẽ tiến tới phục dựng lại mô hình một đoạn lũy cũ, cũng như xây dựng mô hình các di tích trong quần thể 13 di tích Tây Sơn thượng đạo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa từ năm 1991 như sa Khổng Lồ, hồ ông Nhạc…
Hiện nay, An Khê đình đã được khởi công trùng tu lại, nhưng thực chất là xây mới toàn bộ với tổng vốn đầu tư 250 triệu đồng. Đường vành đai khu di tích có tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỉ đồng đang giai đoạn san ủi. Sẽ có hơn 40 hộ dân nông nghiệp giải tỏa ra khỏi khuôn viên khu di tích. An Khê trường khi đó, còn thêm hệ thống nhà trưng bày, nhà làm việc của bộ phận quản lý di tích, nhà xe…
Tuy nhiên, khi ấy, thay vì sẽ hành hương đến tận nơi, tham quan từng di tích, du khách lại được xem…. đồ giả tức là những mô hình mini được phục dựng ngay tại khu đất trung tâm di tích. Khỏi phải cất công đi xa, điều này có thể là tiện cho những du khách không có thời gian tìm hiểu kỹ, nhưng điều đáng nói hơn là bên cạnh việc phục dựng như vậy, việc bảo vệ các di tích gốc, tức là "đồ thật", lại chưa được chú ý đúng mức. Liệu cách làm này có dẫn đến nguy cơ: chỉ chú ý đến đồ giả, còn những di tích "thật" sẽ bị quên lãng?
* Thay lời kết
Tây Sơn thượng và hạ đạo luôn nằm trong những mối liên hệ khắng khít. Bởi vậy, khi tiến hành quy hoạch các di tích của cả thượng lẫn hạ đạo, cần chú ý đến sự gắn bó này để gắn hai hệ thống di tích lại với nhau, giúp khách hành hương nhìn nhận rõ hơn về phong trào Tây Sơn. Ngay trong hoạt động du lịch, cũng cần gắn kết hệ thống di tích này lại trong một tour du lịch hoàn chỉnh về phong trào Tây Sơn. Nhất là khi giữa hai tỉnh Bình Định và Gia Lai đã ký kết hợp tác phát triển toàn diện.
. Lê Viết Thọ
|